“Đầu tàu” mới cổ phiếu ngành nhựa

(ĐTTCO) - Lâu nay, khi nhắc đến nhóm CP nhựa, giới đầu tư thường nghĩ đến 2 mã đầu ngành là BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) và NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong). Tuy nhiên, vị thế đầu ngành của 2 ông lớn đã nhanh chóng lung lay với sự xuất hiện của APH (CTCP Tập đoàn An Phát Holdings).
Quang cảnh nhà máy sản xuất nhựa của Tập đoàn An Phát.
Quang cảnh nhà máy sản xuất nhựa của Tập đoàn An Phát.
Cạnh tranh khốc liệt
BMP là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ngành ống nhựa khu vực phía Nam, với hệ thống 4 nhà máy tại TPHCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên, có tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/năm. Vị thế đầu ngành của BMP còn được thể hiện qua hệ thống phân phối lớn nhất, với 1.487 cửa hàng và 43% thị phần tại khu vực các tỉnh phía Nam. BMP là doanh nghiệp có cơ cấu sản phẩm khá đa dạng, với khoảng 332 loại sản phẩm ống nhựa. Cuối năm 2017, nhà máy Long An của BMP đã cho ra thị trường các sản phẩm phụ tùng PPR đồng bộ, với các sản phẩm ống nhựa giúp đa dạng thêm danh mục sản phẩm của mình.
Sau thời gian tăng trưởng ấn tượng, BMP bắt đầu có dấu hiệu chững lại, khi sản lượng tiêu thụ tăng chậm trong năm 2017-2018 do áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới gia nhập ngành. Giai đoạn 2014-2016 thị trường xây dựng và bất động sản hồi phục, sản lượng tiêu thụ của BMP cũng tăng đều với mức trung bình 18%/năm. Giai đoạn 2017-2018 thị trường ống nhựa chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp mới như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hay CTCP Tân Á Đại Thành (TAĐT). Tăng trưởng sản lượng của BMP trong giai đoạn này sụt giảm đáng kể, chỉ còn 15% năm 2017 và chưa đến 1% trong năm 2018. 
Cạnh tranh từ các đối thủ mới gia nhập ngành cũng khiến đối thủ đứng đầu thị trường miền Bắc là NTP chỉ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trung bình 2,5%/năm trong cùng giai đoạn này. NTP hiện đang vận hành 3 nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương, với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/năm.
Nếu BMP chiếm lĩnh thị trường phía Nam, thì NTP làm chủ thị trường miền Bắc với 53% thị phần và hơn 3.000 đại lý phân phối sản phẩm. NTP là doanh nghiệp có cơ cấu sản phẩm đa dạng nhất trong các doanh nghiệp ngành ống nhựa, với khoảng 748 loại sản phẩm ống nhựa khác nhau, cao hơn rất nhiều so với BMP (332) hay Hoa Sen (275). Các loại phụ tùng đi kèm ống nhựa của NTP cũng rất đa dạng về mẫu mã với hơn 1.000 mã sản phẩm phụ kiện các loại. 
Sản lượng tiêu thụ của NTP sau giai đoạn 2014-2016 tăng trưởng nhanh do hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của NTP cũng chững lại kể từ năm 2017, nguyên nhân cũng tương tự BMP là sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ giai đoạn 2014-2016 của NTP đều trên 20%, nhưng sang đến năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 86,346 tấn, tương đương với tốc độ tăng trưởng 0,4%. 
Chính sách chiết khấu cao giúp sản lượng tiêu thụ của HSG tăng trưởng mạnh và kiềm hãm đà tăng trưởng của BMP và NTP. Chiến lược cạnh tranh của HSG chủ yếu dựa vào tỷ lệ chiết khấu cao cho nhà phân phối. Cụ thể, với sản phẩm ống nhựa phổ thông uPVC, HSG áp dụng tỷ lệ chiết khấu cho đại lý 35-40%, so với BMP và NTP chỉ 14-18%. Với sản phẩm ống nhựa dân dụng cao cấp PPR, tỷ lệ chiết khấu của HSG cho đại lý 67-69% so với NTP và BMP 50-55%.
Ngoài ra, HSG còn duy trì chính sách công nợ nới lỏng cho đại lý. Do vậy, sản lượng tiêu thụ của HSG liên tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2017-2018, thị phần cũng tăng từ 10% năm 2017 lên 15% và hiện đứng thứ 3 trong các doanh nghiệp ngành ống nhựa. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là lợi nhuận của HSG bị ảnh hưởng do chi phí bán hàng tăng cao.

Ngôi vương mới
Trong khi các doanh nghiệp nhựa lớn như BMP, NTP hay HSG đang chật vật tìm lời giải cho bài toán thị phần, TTCK bất ngờ xuất hiện gã khổng lồ mới toanh của ngành là APH. Cuối tháng 7 vừa qua, APH chính thức đưa 123,6 triệu CP lên niêm yết trên HOSE, với giá tham chiếu 41.500 đồng/CP. Theo giới phân tích, đây là mức giá hấp dẫn, bởi trước đó tập đoàn này đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá lên đến 50.000 đồng/CP.
Vì vậy, việc APH tăng hết biên độ 20% trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh là hiện tượng không quá bất ngờ. Với mức giá này, vốn hóa của APH đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tương đương 281 triệu USD và chính thức trở thành CP ngành nhựa có vốn hóa lớn nhất trên TTCK (tương đương vốn hóa của BMP và NTP cộng lại). Sau phiên chào sàn thành công, APH tiếp tục ghi dấu ấn với loạt phiên tăng giá và hiện đang giao dịch ở mức 75.000 đồng/CP. Ở mức giá này, vốn hóa của APH đã xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của BMP và NTP đạt lần lượt 4.898 tỷ đồng và 3.993 tỷ đồng.
APH thành lập năm 2017 với mục đích trở thành công ty mẹ của nhóm các công ty con hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi ngành nhựa, với các hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh bao bì, linh kiện nhựa kỹ thuật công nghệ cao. Đáng chú ý, vị thế của APH còn đến từ các công ty con đang niêm yết trên HOSE là CTCP Nhựa An Phát (AAA) và CTCP Nhựa Hà Nội (NHH).
Bên cạnh đó, APH còn sở hữu gián tiếp hơn 10 công ty đang niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX. Theo ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc APH, việc niêm yết CP trên HOSE sẽ tạo điều kiện cho tập đoàn mở rộng cơ hội thu hút NĐT và huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu AnBio. Dự án sẽ góp phần nâng cao vị thế của APH khi lọt vào danh sách những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới, bên cạnh những tập đoàn hàng đầu thế giới như BASF, Novamont, NatureWorks hay Total Corbion.
Cũng theo ông Cường, AnBio sẽ giúp APH giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 30% cho các công ty con, trong khi công ty mẹ vẫn giữ biên lợi nhuận gộp từ 25-30%. Mục tiêu của APH tới năm 2023, các sản phẩm nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn này sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì.
Theo báo cáo tài chính 2019, APH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 9.513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 19% và 305%. Tổng tài sản đạt 10.000 tỷ đồng, EPS cuối quý II đạt 3.076 đồng/CP. Năm 2020 APH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng 12.000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng.  
 APH hiện là một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với 11 công ty con và 4 công ty liên kết.

Các tin khác