DNY - Mất vị thế, mất cả tương lai

(ĐTTCO)-Thời điểm niêm yết CP trên HNX, CTCP Thép Dana - Ý (DNY) là một trong những công ty sản xuất thép lớn nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu của DNY nhanh chóng bị phá hủy, sau khi doanh nghiệp vướng vào sự cố môi trường khiến kết quả kinh doanh lao dốc. 
Nhà máy Dana - Ý đã ngừng hoạt động từ năm 2018.
Nhà máy Dana - Ý đã ngừng hoạt động từ năm 2018.
Vị thế dẫn đầu
Tiền thân của DNY là một phần của CTCP Thành Lợi, doanh nghiệp có bề dày 20 năm trong nghề kinh doanh và sản xuất thép. Năm 2008, CTCP Thép Thành Lợi được cổ phần hóa và chuyển cơ sở sản xuất thép số 4 để thành lập CTCP Thép Đà Nẵng - Ý. Ngày 30-6-2009, CTCP Thép Đà Nẵng - Ý chính thức đổi tên thành CTCP Thép Dana - Ý.
Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của DNY 150 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn thành lập của 87 NĐT tổ chức và cá nhân. Năm 2010, DNY tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Cuối năm 2013, DNY tiến hành trả cổ tức bằng CP và phát hành CP thưởng cho cổ đông, nâng vốn điều lệ lên 270 tỷ đồng.
Có thể nói, hoạt động phát hành CP tăng vốn của DNY khá dễ dàng, bởi đây là thời điểm DNY là doanh nghiệp thép có quy mô và thị phần đứng đầu khu vực miền Trung - Tây nguyên. Cụ thể, DNY có 2 nhà máy sản xuất, là nhà máy luyện thép có công suất 150.000 tấn phôi thép/năm và nhà máy cán thép công suất 120.000 tấn/năm.
Tại thị trường miền Trung, DNY chiếm khoảng 50% thị phần sản phẩm thép cùng chủng loại. Trong năm đầu tiên đi vào sản xuất, DNY đạt được doanh thu 642 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng. 
Đáng chú ý, tỷ lệ lãi gộp của DNY lên đến 17%. Đây mức cao nhất nếu so với các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đơn thuần, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) 43%, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp của ngành thép.
Vị thế của doanh nghiệp dẫn đầu càng được gia cố vững chắc, khi DNY đưa 15 triệu CP lên giao dịch trên sàn HNX (phiên giao dịch ngày 11-5-2010) với giá chốt phiên lên đến 54.800 đồng/CP.

Sự cố môi trường
Sản xuất và kinh doanh thép đòi hỏi phải có sự đầu tư vốn lớn và vốn dài hạn. Do đó, đa phần doanh nghiệp trong ngành đều cần sự hỗ trợ khá nhiều từ nguồn vốn vay bên ngoài, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nằm ở mức cao, khiến lợi nhuận bị lãi vay ngân hàng ăn mòn.
Sau giai đoạn bứt phá, DNY bất ngờ dính vào sự cố môi trường, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, tháng 2-2018, hàng trăm hộ dân tập trung trước nhà máy của DNY để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường. Sự cố khiến nhà máy của DNY phải ngưng hoạt động.
Tiếp theo việc phản ứng của người dân là hàng loạt quyết định gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP Đà Nẵng đối với DNY.
Nguyên nhân do DNY thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án "Đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm" theo quy định. 
Bên cạnh đó, DNY không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trên. Với các vi phạm này, DNY bị phạt 390 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận quyết định. Việc nhà máy phải liên tục ngừng hoạt động khiến DNY lần đầu tiên báo lỗ trong năm 2018 (âm 112 tỷ đồng).
Tình trạng thua lỗ thậm chí còn thê thảm hơn trong năm 2019, với lợi nhuận âm gần 358 tỷ đồng. DNY tiếp tục báo lỗ hơn 44 tỷ đồng trong quý I-2020, nâng tổng lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31-3 là 418 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng ghi nhận âm hơn 126 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, sự cố về môi trường cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến DNY thua lỗ. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNY đã có dấu hiệu thụt lùi từ những năm trước do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm thép nhập khẩu, đồng thời phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu.
Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ngoài ra, giá thép trên thị trường thế giới cũng có nhiều biến động khó lường, giá các mặt hàng nguyên liệu liên tục lên xuống khó dự đoán. 

Dấu chấm hết
Đáng chý ý, BCTC năm 2019 của DNY bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC (AAC) đặt dấu hỏi về giá trị thực tế của các khoản mục tài sản ghi nhận vào thời điểm 31-12-2019. Nguyên nhân do kiểm toán viên cho biết không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu của toàn bộ giá trị hàng tồn kho, tức gần 489 tỷ đồng ghi nhận thời điểm cuối 2019.
Thêm nữa các tài sản của DNY gồm gần 489 tỷ đồng hàng tồn kho, gần 398 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình và 297 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang đã bị hoen rỉ và suy giảm chất lượng. 
Do đó, đơn vị kiểm toán viên lưu ý rằng số liệu tại BCTC vẫn chỉ là những con số theo giá trị ghi sổ ban đầu, chưa tính đến sự điều chỉnh nào liên quan đến việc sụt giảm giá trị. Với các tài liệu kế toán được cung cấp vào thời điểm lập báo cáo, kiểm toán viên không thể định lượng được giá trị của các tài sản đã nêu trên.
“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp do đó không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC đính kèm” - đại diện đơn vị kiểm toán viên cho biết. Đặc biệt, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh sức khỏe tài chính của DNY và cho biết: “Khả năng thanh toán trong 12 tháng tới hoàn toàn phụ thuộc vào việc có được các ngân hàng, bên liên quan, cổ đông cung cấp các khoản tín dụng, khoanh nợ gốc, nợ lãi vay, hỗ trợ tài chính hay không”.
Việc AAC từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC 2019 là nguyên nhân khiến HNX vừa có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với HNX kể từ ngày 5-6. Thông tin này khiến DNY gần như không còn sức “đề kháng” trước sức ép bán ra từ phía các NĐT, sau các thông tin liên quan đến môi trường và kết quả kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, DNY chỉ còn giao dịch dưới mốc 2.000 đồng/CP.  

Các tin khác