Doanh nghiệp niêm yết đối diện khó khăn

(ĐTTCO) - Covid-19 đang khiến các nền kinh tế trên thế giới gần như bị đình trệ, thậm chí có thể dẫn đến “cú sốc” cầu trong ngắn hạn. Hoạt động kinh tế chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trong năm 2020.

Lĩnh vực bị tác động tiêu cực nhất chính là hàng không khi sản lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng, trước những biện pháp đóng cửa biên giới, chính sách hạn chế đi lại của Chính phủ, cùng với tâm lý ngại đi lại của người dân. Theo dự báo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng tổng lượt hành khách hàng không có thể sụt giảm 40% trong năm 2020. 
Ngoài ra, thời gian phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh có thể dài hơn 6 tháng, kể từ thời điểm bùng phát dịch bệnh. Đây là khoảng thời gian phục hồi trung bình của ngành hàng không sau khi chịu tác động của các dịch bệnh trong quá khứ do suy thoái kinh tế. Trong trường hợp những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài, dòng tiền của các hãng hàng không sẽ bị cạn kiệt, có thể dẫn đến vỡ nợ, nhất là những hãng chịu nhiều chi phí cố định, trong đó có chi phí thuê máy bay.
Lĩnh vực dầu khí dược phân thành 3 nhóm, gồm DN khâu thượng nguồn, DN khâu trung nguồn và DN khâu hạ nguồn. Đối với DN thượng nguồn, hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn ít bị ảnh hưởng do các hợp đồng phải được thực hiện, nhưng vẫn có rủi ro trì hoãn các dự án nếu dịch kéo dài. Về dài hạn, giá dầu thấp sẽ là rủi ro lớn cho các DN, khi nhu cầu phát triển dự án thấp dẫn đến nhu cầu tìm kiếm thăm dò giảm.
Doanh nghiệp niêm yết đối diện khó khăn ảnh 1 Hàng không là lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất sau dịch bệnh.
Với DN khâu trung nguồn (vận chuyển và chế biến), hoạt động vận chuyển bị ảnh hưởng do các nhà máy hoặc hộ tiêu thụ giảm nhu cầu vì dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu (chế biến), việc giá dầu giảm đột ngột và nhu cầu sản phẩm xăng dầu ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Đối với DN khâu hạ nguồn (phân phối), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm và hàng tồn kho giá cao ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Với ngành dệt may, nhu cầu tại 2 thị trường chính là châu Âu và Mỹ giảm mạnh và chưa rõ triển vọng do diễn biến dịch còn phức tạp. Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), sau dịch nhu cầu không tăng mạnh hoặc giảm do người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi tiêu cho quần áo khi kinh tế khó khăn. Các nhà máy vải sợi tại Trung Quốc có thể chịu tác động dây chuyền từ các công ty may (tại nhiều nước), do đơn hàng may mặc bị hủy sau khi đã lâm vào khó khăn trong quý I. Thậm chí, các DN có thể thiếu sợi, vải nếu nhiều nhà cung cấp Trung Quốc phá sản.
DN bảo hiểm cũng bị xếp vào nhóm ngành bị ảnh hưởng cao do doanh thu bảo hiểm hàng không, du lịch, xe cơ giới sụt giảm mạnh. Từ đầu tháng 3 đến khi dịch đạt đỉnh, hoạt động tư vấn bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ, có thể khó khăn do khách hàng thực hiện giãn cách xã hội. Đáng ngại nhất là lợi nhuận đầu tư giảm do giá CK và lãi suất tiền gửi giảm.
TTCK phản ánh tiêu cực trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 khiến các CTCK gặp nhiều khí khăn. Mảng cho vay ký quỹ của ngành bị giảm mạnh do thị trường khó khăn cộng thêm việc cạnh tranh cao. Trong khi đó, mảng đầu tư tự doanh bị ảnh hưởng do thị trường chung đã giảm điểm mạnh. Ngoài ra, các hoạt động phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), phát hành thêm và phát hành trái phiếu bị gián đoạn do dịch, cũng ảnh hưởng đến doanh thu của các CTCK.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm sau khi áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại cùng với tâm lý lo ngại của người dân, đã khiến hoạt động của các DN lĩnh vực kho vận bị ảnh hưởng mạnh. Đặc biệt, khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu, do các DN thuộc các khu vực là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tạm hoãn đơn hàng, cũng khiến các hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ, giảm nhu cầu luân chuyển hàng hóa nói chung.
Đối với DN bất động sản, tác động trong ngắn hạn chưa đáng kể, khi chỉ các sự kiện mở bán đầu năm bị hoãn, ảnh hưởng đến một vài hoạt động của DN cả năm. Thế nhưng, tác động trong dài hạn không thể lường trước, vì bản chất tính chu kỳ rất cao của ngành bất động sản.
Ngoài tác động từ Covid-19, theo nhận định của CTCK KIS Việt Nam (KIS), DN bất động sản còn đối mặt với những thách thức trong việc huy động vốn trong năm nay. Nguyên nhân do các ngân hàng sẽ tiếp tục hạn chế cho vay bất động sản do phải tuân thủ tỷ lệ cho vay trung và dài hạn giảm từ 40% trong tháng 1 đến 37% vào tháng 9, và hệ số rủi ro áp ở mức 200% từ năm 2020 trở đi. Đặc biệt, sự giám sát của cơ quan nhà nước về phát hành trái phiếu DN sẽ nghiêm ngặt hơn trong năm nay.
Trong thời gian dịch Covid-19, các hoạt động xây dựng hạ tầng hay bàn giao khu công nghiệp chịu nhiều tác động. Điểm nổi bật là số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các khu công nghiệp trong 3 tháng đầu năm sụt giảm. Nguyên nhân do dịch lan rộng tại các nước có dòng FDI lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Sau khi dịch kết thúc, DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ hồi phục, nhưng bức tranh sẽ không còn tích cực như đỉnh cao 2018-2019. 
 Ngoài tác động tiêu cực, Covid-19 cũng là cơ hội của DN có tiềm lực tài chính, hoạt động kinh doanh đang duy trì được dòng tiền để thực hiện các thương vụ M&A. 

Các tin khác