Đổi tên, đổi chủ, có đổi vận?

(ĐTTCO) - Tuần rồi, CTCK Sài Gòn (SSI) đã công bố ý định đổi tên công ty mà theo một số nguồn tin sẽ trở thành CTCK SSI. Điều này không mới trên sàn chứng khoán, bởi trước SSI đã có nhiều công ty niêm yết thực hiện như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện sau khi đổi tên lại có nhiều điều đáng nói. 

SSI thực chất đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đổi tên, cụ thể ở đây là trường hợp CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) đã đổi thành CTCP Tập đoàn PAN cách đây ba năm. PAN có xuất phát điểm trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, và cho đến khi chuyển sang mảng nông nghiệp, thực phẩm việc đổi tên được diễn ra.
3 năm qua, giá CP của PAN từ 3.0 đã tăng lên gần 7.0, vốn hóa đạt hơn 8.200 tỷ đồng và tập đoàn này hiện đang sở hữu một loạt đơn vị như Bibica (BBC), Thủy sản 584 Nha Trang, Thủy sản Bến Tre (ABT), LAF (Lafoco)… 
Hay một minh chứng rõ nét qua trường hợp của CTCK KIS Việt Nam, tiền thân là CTCK Gia Quyền (EPS). Trước khi được KIS (Hàn Quốc) mua lại, EPS là CTCK nhỏ, hoạt động không hiệu quả, nhưng giờ đây KIS Việt Nam là một trong những CTCK thường xuyên hiện diện trong tốp 10 thị phần.
Mặt khác, việc đổi tên EPS thành KIS Việt Nam cũng nhằm mục tiêu thể hiện sự thống nhất, cũng như chiều rộng trong hoạt động, mạng lưới của mình. Trường hợp của các CTCK cũng có đôi chút sự khác biệt, việc đổi tên trước tiên thường gắn với… đổi chủ (sở hữu), còn đổi vận hay không thì… “hên xui”.
Đổi tên, đổi chủ, có đổi vận? ảnh 1
Nói như trường hợp của Maybank KimEng (MBKE), trước đây vốn là KimEng (Singapore), nhưng sau khi được Maybank (Malaysia) mua lại thì chuyển thành MBKE. Và MBKE cũng như KIS đang là 2 trong số những CTCK ngoại hoạt động tích cực nhất thị trường. Tuy nhiên không phải CTCK nào cũng được như vậy. Thí dụ, CTCK VNS hồi năm 2011 đổi tên thành CTCK Đầu tư VN (IVS), nhưng đến giờ ít ai biết IVS hoạt động như thế nào; rồi CTCK Hùng Vương năm 2014 đổi tên thành CTCK HVS Việt Nam, nhưng hoạt động vẫn rất èo uột…
Đổi tên thường cũng đổi vận, nhưng vận có tốt hay không có lẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hãy bắt đầu với trường hợp của SAM, 1 trong 2 mã chứng khoán (cùng với REE) niêm yết sớm nhất trên sàn. Năm 1998, Nhà máy cáp và vật liệu viễn thông được chuyển thành CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (Sacom) với vốn điều lệ (VĐL) 120 tỷ đồng.
Thời đỉnh cao đầu tiên của TTCK 2006-2007, SAM là một trong số những blue chips của thị trường và VĐL lúc này đã tăng gần 6 lần lên 654 tỷ đồng. Tuy nhiên, SAM bắt đầu gặp khó khăn trong chiến lược kinh doanh, đặc biệt là việc mắc kẹt với hoạt động đầu tư tài chính và bất động sản. Mảng kinh doanh cáp truyền thống gặp khó khăn cộng với việc mắc kẹt với danh mục đầu tư của mình đã khiến SAM loay hoay và tụt hậu so với nhiều đơn vị khác trong cùng ngành nghề.
Năm 2010, SAM đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom, nhưng đến năm 2011 công ty lại lỗ khoảng 180 tỷ đồng. Những năm qua, SAM không còn là blue chips trên sàn mà biến thành một mid cap vào loại xoàng xĩnh. Tháng 9 năm ngoái, SAM lại một lần nữa đổi tên thành SAM Holdings.
Việc đổi tên này lại diễn ra trong bối cảnh công ty có 3 năm liên tiếp đạt lợi nhuận ở mức “bèo bọt”, không tương xứng với vị thế của mình, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016 lãi ròng của SAM chỉ đạt lần lượt 75, 57 và 25 tỷ đồng, trong khi VĐL lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Những con số này cũng chỉ ra rằng, SAM gần như không tận dụng được gì trong xu thế phục hồi của thị trường tài chính, bất động sản, nên việc đổi tên cũng không thể đổi vận. 
Trong 2 năm 2015 và 2016, GTN là một trong những CP vào loại “hot” nhất trên thị trường khi từ lĩnh vực đa ngành, công ty chuyển sang tập trung cho lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, những ngành nghề được xem là xu thế của thời đại. Năm 2016, từ cái tên CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất, GTN đổi sang tên mới là GTN Foods và sau đó tiến hành tăng VĐL lên đến 2.500 tỷ đồng.
Ngặt nỗi, sang đến năm 2017, giá CP của GTN lại diễn biến không được như kỳ vọng. Trong vòng 12 tháng qua, từ mức giá gần 24.000 đồng/CP, GTN đã giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 đồng/CP. Theo như BCTC quý IV-2017 mà GTN công bố, dù lỗ trong quý này, nhưng lũy kế 4 quý của năm, GTN lãi sau thuế hơn 132 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016 chỉ lãi ròng hơn 16 tỷ đồng.
Nếu BCTC 2017 có kiểm toán xác nhận con số này chuẩn xác, thì ít nhiều việc đổi tên, đi kèm với đổi chiến lược của GTN đã có thành quả, nhưng vẫn chưa trọn vẹn bởi giá CP không như kỳ vọng, mà điều này vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. CP không được giá, không dễ có thể phát hành để huy động vốn, chưa kể niềm tin, kỳ vọng cũng bị ảnh hưởng. 
Quay trở lại việc đổi tên của SSI. Còn nhớ đến thời điểm 2009, khi đó trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Nguyễn Duy Hưng đã rất hào hứng khi công bố thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu SSI, khi đó mỗi chữ S, S, I được viết thành 3 nét, để cách điệu hình tượng sông Mêkông (Cửu Long), thể hiện sự linh hoạt, trù phú…
Và cũng dễ thấy từ đó đến nay, SSI tiếp tục phát triển liên tục về mặt vị thế, quy mô, chất lượng trên thị trường tài chính. Đã từng có thời điểm SSI bị HSC qua mặt về thị phần, nhưng không lâu sau đó đã lấy lại vị thế của mình. Như vậy một trong những mục tiêu mà SSI hướng đến có lẽ là việc tiếp tục gia tăng sức mạnh cho thương hiệu của mình bằng việc “đồng nhất” giữa thương hiệu, mã chứng khoán và tên công ty làm một (đều có chữ SSI). 

Các tin khác