Dự phòng kịch bản xấu

(ĐTTCO) - Kết quả kinh doanh (KQKD) quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần được công bố trong những ngày sắp tới. Đây có thể xem là 1 trong những yếu tố chính chi phối diễn biến thị trường trong tháng 7.
Dự phòng kịch bản xấu
Phân hóa lợi nhuận
Theo thống kê, GDP quý II của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 0,24%, tốt hơn so với kỳ vọng chung của các chuyên gia khi mà hầu hết các ngành đều phục hồi tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội. Từ đó có thể kỳ vọng KQKD của các công ty niêm yết sẽ không quá tệ như dự báo trước đây.
Mặc dù vậy, KQKD sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong nước sẽ có kết quả tốt hơn so với những công ty xuất khẩu. Các ngành hàng tiêu dùng và tiện ích công cộng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các nhóm ngành dệt may, hàng không hay cảng biển. 
Trong khi đó, mùa kinh doanh của các công ty xây dựng và bất động sản thường rơi vào nửa cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cũng khó ghi nhận kết quả khả quan. 
Đối với ngành ngân hàng, kết quả hoạt động quý II có thể chứa đựng yếu tố gây bất ngờ. Thu nhập lãi ròng thấp (do tăng trưởng tín dụng thấp) có thể được bù bởi chi phí dự phòng thấp nếu ngân hàng trì hoãn ghi nhận dự phòng cho các khoản vay (như sự cho phép của NHNN). 
Tuy nhiên, theo VDSC đây chỉ là bút toán kế toán, bởi ngành ngân hàng khó lòng tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh triển vọng toàn nền kinh tế không khả quan. Vấn đề là thời điểm bộc lộ sự tiêu cực này.
Thực tế, NĐT đã nhận thấy điều đó và diễn biến giá CP đang phản ánh kỳ vọng này. Theo đó, CP của doanh nghiệp được kỳ vọng KQKD tốt khá tích cực so với thị trường chung trong những tuần qua. 
Điểm sáng CTCK
Ngành CK là một trong những ngành có KQKD được kỳ vọng phục hồi mạnh trong quý II. Sự suy giảm mạnh của TTCK vào cuối tháng 3 đã thu hút một lượng lớn tiền mới. Nhờ đó, không chỉ giá cổ phiếu phục hồi mạnh mà giá trị giao dịch cũng tăng đáng kể. 
Các CTCK sẽ được hưởng lợi tích cực như: thanh khoản cao mang lại nguồn thu phí cao hơn, đặc biệt là đối với các công ty có thị phần cao; giá trị khớp lệnh trung bình một phiên đã tăng đáng kể từ tháng 3 và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 4-2018; hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính. 
Tuy nhiên, các CTCK chưa thể ghi nhận lãi/lỗ các khoản đầu tư tài chính vào báo cáo lợi nhuận do không được hoàn nhập dự phòng này trên báo cáo tài chính bán niên.
Vùng trống thông tin hỗ trợ 
Rủi ro lớn nhất của thị trường khi nguy cơ xuất hiện bùng phát đợt dịch thứ 2 đang gia tăng trở lại trước tình trạng phát sinh nhiều ca nhiễm mới và tăng lên mức cao kỷ lục mới. Theo nhận định của các quan chức y tế Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 có thể gấp 10 lần con số được công bố hiện tại. Trong khi đó, WHO liên tục đưa ra cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ 2 quay trở lại.
Nếu thực sự có đợt bùng phát thứ 2, tâm lý của  NĐT chắc chắn sẽ bị tác động nhưng sẽ không phản ứng quá cực đoan như họ đã làm trong đợt bùng phát cuối tháng 3. Thực tế, NĐT vẫn sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư khi thị trường sẽ đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ trong tháng 8. 
Vì lý do này, theo khuyến cáo của VDSC, NĐT nên để dành một phần sức mua cho trường hợp xảy ra kịch bản xấu hơn. Chiến lược ngắn hạn trong mùa công bố KQKD, NĐT chỉ nên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh và hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm.
Số liệu tổng hợp từ kế hoạch kinh doanh năm 2020 của 638 doanh nghiệp đại diện cho 84% vốn hóa trên 2 sàn HOSE và HNX cho thấy các chủ doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trung vị sẽ giảm 2% so với năm 2019.

Các tin khác