Đường vòng dòng vốn trái phiếu

(ĐTTCO) - Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một kênh vốn trung và dài hạn hiệu quả. Tuy nhiên, DN vẫn chưa huy động tốt kênh TP khiến dòng vốn này phải đi đường vòng bằng cách các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành TP sau đó cho DN vay lại.

NH ồ ạt phát hành TP
Những ngày cuối tháng 5, thông tin phát hành TP của các NHTM liên tục được cập nhật. VPBank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 10-6 để lấy ý kiến thông qua phương án chào bán và niêm yết TP tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
Hiện NH này chưa đưa ra thông tin cụ thể về số lượng, phương án phát hành và niêm yết. Song với kế hoạch cả năm, VPBank dự kiến huy động 252.435 tỷ đồng từ tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá bằng TP. ACB mới đây thông báo HĐQT của NH đã phê duyệt phương án phát hành TP riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2019. Tổng mệnh giá phát hành tối đa 5.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm, phát hành trong 5 đợt theo phương thức đại lý phát hành.
Tháng 11-2018, ACB cũng phát hành riêng lẻ thành công 2.200 tỷ đồng TP có kỳ hạn 3 năm. Tiếp đến, tháng 12 HĐQT ACB thông qua phương án phát hành 2.200 tỷ đồng TP đợt 2-2018. 
 Hiện nay nhiều DN chưa chủ động huy động TP mà chờ NH huy động, sau đó cho vay lại. Việc đi đường vòng này khiến nguồn vốn đến với DN đắt hơn, lãi suất cao hơn so với việc chủ động phát hành TP.
Năm ngoái, ngành NH đã có 1 năm thắng lợi trong hoạt động phát hành TP. Báo cáo kết quả phát hành của BIDV cho biết đã chào bán thành công 400.000 TP (bao gồm kỳ hạn 7 năm và 10 năm) trong năm 2018. Theo đó, BIDV thu về 4.586 tỷ đồng, trừ tổng chi phí phát hành 1.740 tỷ đồng, số tiền thu ròng từ đợt chào bán 3.998 tỷ đồng, đủ điều kiện bổ sung vào nguồn vốn cấp 2.
Tổng hợp năm 2018, 8 NHTM gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, HDBank, VPBank, VIB và MB đã phát hành hơn 25.300 tỷ đồng TP để huy động vốn các kỳ hạn 3-10 năm. Năm nay, NHNN cũng vừa chấp thuận phương án phát hành 10.000 tỷ đồng TP ra công chúng năm 2019 của Vietinbank.

Hút vào để bơm ra
Đặc thù các NH Việt Nam chủ yếu vốn huy động ngắn hạn, chiếm khoảng 70-85% cơ cấu nguồn vốn, nhưng các khoản cho vay có kỳ hạn trên 1 năm lại chiếm 40-60% tổng dư nợ. Do đó, việc NHNN siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ buộc các NH phải cân đối lại kỳ hạn tiền gửi và cho vay, thông qua việc thu hút nguồn vốn tiền gửi kỳ hạn dài, hoặc giảm cho vay trung và dài hạn.
Bởi lẽ, NH vẫn đóng vai trò chính trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, không thể giảm cung cho vay trung và dài hạn, mà phải tăng cầu, nỗ lực huy động nguồn vốn bổ sung, cân đối tín dụng. Do vậy trước yêu cầu phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN, các NH huy động bằng nguồn TP. 
Đường vòng dòng vốn trái phiếu ảnh 1 Nhiều DN vẫn biết phát hành TPDN sẽ giảm lãi suất so với vay NH, nhưng để phát hành không hề dễ khi phải làm đúng các chuẩn mực và phải có công ty uy tín định mức tín nhiệm.
Như vậy xu hướng phát hành TP của NH ngày càng gia tăng, bởi các sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn, hay chứng chỉ tiền gửi, phát hành TP không chỉ tăng huy động vốn trung và dài hạn, còn hỗ trợ NH tăng vốn cấp 2. Vốn tự có tăng lên sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà băng có điều kiện mở rộng quy mô tín dụng. Yếu tố nữa tác động đến xu hướng huy động TP của NH là để trả những khoản huy động cũ. 
Trong báo cáo NHNN gửi Quốc hội mới đây, cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 3 là 2,02%, tăng 0,13% so với tháng 12-2018. Trong quý I, giá trị tuyệt đối các khoản nợ xấu của 22 NHTM đã công bố báo cáo tài chính tăng thêm 4.160 tỷ đồng lên hơn 83.225 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 cũng hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 1.850 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tới 55% tổng nợ xấu. Vốn huy động đưa ra cho vay ứ đọng trong khoản nợ xấu này chắc chắn cần nguồn huy động mới để cân đối, bao gồm cả TP. 

Vốn đi vòng đẩy lãi vay cao
Thị trường tài chính gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ cung cấp các công cụ ngắn hạn (có kỳ hạn dưới 1 năm), còn thị trường vốn cung cấp vốn trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế.
Một trong các nguồn vốn để DN phục vụ đầu tư phát triển trung và dài hạn là TP. Nguồn vốn này ở các nước có quy mô rất lớn, ổn định hơn kênh tín dụng, có mức độ rủi ro thấp, chi phí vốn nhỏ hơn so với thị trường vốn cổ phần, góp phần điều hòa lượng vốn trong nền kinh tế và chia sẻ sức ép với hệ thống NH. Nhưng ở Việt Nam, các DN vẫn chưa tận dụng kênh này để có dòng vốn trung và dài hạn, phải đi đường vòng mới chảy vào DN. 
Thực ra các DN muốn phát hành TP để tránh vay NH đội lãi suất lên nhưng gặp nhiều khó khăn, dù đã có sự hỗ trợ từ Nghị định 163/2018 của Chính phủ quy định về phát hành TPDN. Nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia chỉ ra, hệ thống thông tin DN chưa được trình bày theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS để thuyết phục nhà đầu tư; chỉ số quản trị công ty thấp, chưa được đánh giá tín nhiệm.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết NH đã áp dụng chuẩn IFRS cách đây 4 năm theo yêu cầu của một số nhà đầu tư nước ngoài cho OCB vay vốn. Cuối năm 2018, OCB đã chuẩn bị roadshow cho nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn bị việc niêm yết cho năm nay. Mọi việc được tiến hành rất thuận lợi vì NH đã áp dụng chuẩn IFRS.
Lợi ích khi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS thấy rõ, nhưng muốn DN đạt được yêu cầu này lại không dễ. Bởi không phải DN nào cũng sẵn sàng minh bạch, đặc biệt là DNNN, vì chuẩn IFRS sẽ bộc lộ hết những vấn đề nội tại về hoạt động, về các công ty có liên quan… 
Bên cạnh đó, thị trường chưa có những công ty đánh giá tín nhiệm DN để hỗ trợ đánh giá định mức tín nhiệm liên quan đến uy tín người phát hành, giúp nhà đầu tư được cam kết đảm bảo thanh toán tiền lãi và tiền vốn vay. Chính điều này khiến việc phát hành TPDN khó khơi thông để giải quyết gánh nặng vốn của NH, cũng như mong muốn được vay lãi suất thấp của DN.

Các tin khác