Hàng trăm dự án ngốn hàng chục ngàn tỷ không hiệu quả

(ĐTTCO) - Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) từ 12 bộ, cơ quan ngang bộ, 39 địa phương, 2 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 9 tổng công ty (TCT) nhà nước, cho thấy 72 dự án với tổng mức đầu tư lên tới 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

 Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu rà soát tại 250/800 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện báo cáo, chiếm 31,25% tổng số DN thuộc diện rà soát.

Đội vốn, thất thoát lớn
 Kết quả rà soát của Bộ KH-ĐT chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn thực trạng hiện nay có thể nghiêm trọng hơn nhiều. Con số hàng chục dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả cũng chỉ ra thực tế các DNNN không làm tròn nhiệm vụ, trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đối chiếu với nghị quyết về đổi mới DNNN được Hội nghị Trung ương 5 ban hành hồi giữa năm nay, thực trạng hoạt động của các DNNN đang rất nghiêm trọng. 
TS. Lưu Bích Hồ
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các DN trực thuộc bộ, ngành, địa phương và các TĐ, TCT nhà nước, Bộ KH-ĐT cho rằng nhiều dự án công tại DNNN có thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, hoạt động không đúng công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài… tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp.
Cụ thể, có 15 dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh với số vốn sau điều chỉnh tăng khoảng 22.536 tỷ đồng, tăng 2,03 lần so với tổng vốn đầu tư ban đầu; 25 dự án có doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (tổng vốn đầu tư 11.384 tỷ đồng); 29 dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch (tổng vốn đầu tư 4.236 tỷ đồng).
Ngoài ra, có 20 dự án (tổng vốn đầu tư 12.465 tỷ đồng) đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành, chi phí sản xuất thực tế cao hơn tính toán thiết kế, có thời gian thua lỗ kéo dài. Trong số hàng chục dự án đầu tư công có dấu hiệu không hiệu quả, đến nay chỉ có 8 dự án được thanh lý, chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư. 
Số liệu của 12 bộ, cơ quan ngang bộ và các TĐ, TCT gửi về Bộ KH-ĐT cũng cho thấy có 43 dự án đầu tư không hiệu quả, bao gồm 8 dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh 15.464 tỷ đồng, 18 dự án dở dang tập trung trong 2 lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp, 21 dự án thời gian thua lỗ thực tế kéo dài hơn kế hoạch. 2 DN thuộc Bộ GTVT là TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nhiều dự án đầu tư không hiệu quả.
Theo đó, giai đoạn 2000-2010, SBIC có khoảng 700 dự án đầu tư, trong đó 238 dự án đã quyết định đầu tư. Còn tại Vinalines, chỉ xét 3 dự án đầu tư không hiệu quả đã có vốn đầu tư lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, như dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có vốn đầu tư 6.177 tỷ đồng (đã bàn giao về Cục Hàng hải); dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Cui, vốn đầu tư 829 tỷ đồng; dự án xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng, vốn đầu tư 352 tỷ đồng, đang thua lỗ khi đưa vào khai thác.
 
Hàng trăm dự án ngốn hàng chục ngàn tỷ không hiệu quả ảnh 1 Nhà máy sửa chữa tàu biển của Vinalines được đầu tư 6.490 tỷ đồng, nhưng sau khi thoái vốn chỉ thu về chưa đến 82 tỷ đồng. 
Riêng dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam do Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng 6.490 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2008, đến hết tháng 4-2017 Vinalines mới hoàn thành thoái vốn tại dự án và chỉ thu về vỏn vẹn 81,7 tỷ đồng (thực tế là bán sắt vụn, không phải bán DN và số tiền này không thể tạo ra lợi nhuận).
2 dự án đóng mới tàu container có tổng mức đầu tư 1.140 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (công ty con của Vinalines) đầu tư thua lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, ước tính số lỗ lũy kế lên tới 1.608 tỷ đồng.
Rà soát trong khối TĐ, TCT nhà nước cũng ghi nhận dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 do TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư lỗ khoảng 1.209 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2016. TCT Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án đầu tư không hiệu quả.
Đó là các nhà máy sản xuất bột giấy Sông Đuống, Phương Nam, Thanh Hóa, mở rộng nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, nhà máy chế biến gỗ Bãi Bằng, trồng rừng nguyên liệu tại Kon Tum. Tổng mức đầu tư của 8 dự án không hiệu quả của Vinapaco khoảng 11.081 tỷ đồng. Rà soát trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ KH-ĐT cũng phát hiện 33 dự án dừng hoạt động, hoặc hoạt động kinh doanh thua lỗ thuộc TCT Lương thực miền Nam, TCT Cà phê.

Cổ phần hóa càng nhanh càng tốt
Nhận định về thực trạng đầu tư không hiệu quả tại các DNNN, nhiều chuyên gia cho rằng đây là những dự án đã đi vào sản xuất nhiều năm nhưng không hiệu quả và phải dừng lại để xử lý. Điều này cho thấy những đánh giá về DNNN lâu nay dựa vào định tính hơn là định lượng, hiện nay mới rà soát cụ thể, tập trung đánh giá định lượng. Vấn đề là cần xem lại vai trò chủ đạo của DNNN, đã nắm vai trò chủ đạo phải làm ăn hiệu quả.
Vì thế, cách tốt nhất là cổ phần hóa càng nhanh càng tốt, chuyển các DNNN sang CTCP, lúc đó HĐQT công ty sẽ quản lý phần vốn họ đã đầu tư, tránh tình trạng dùng tiền chùa. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trách nhiệm của bộ chủ quản và những người đã quyết định đầu tư dự án kém hiệu quả. Thực tế, trong đầu tư của DNNN những năm qua không có sự quản lý, giám sát độc lập vì bộ chủ quản là người quyết định đầu tư cũng là người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước DN, nên dễ phát sinh lợi ích nhóm. 
Cụ thể, với 2 dự án đóng mới tàu container do Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông đầu tư đã thua lỗ 8 năm liền, số tiền lỗ lên tới hàng ngàn tỷ đồng, tốt nhất nên đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN này. Khi cổ phần hóa NĐT họ sẽ xem xét dự án có khả năng gì để tiếp tục đầu tư sinh lợi.
Trong kinh tế thị trường, đôi khi phá sản là một sự “tàn phá” sáng tạo, ông chủ cũ biến đi nhưng nhà xưởng, máy móc, công nhân vẫn còn. Khi người chủ mới đầu tư vào, họ sẽ tìm được phương hướng kinh doanh mới. Còn nếu cứ để chủ cũ không thể cứu vãn được DN.

Các tin khác