Hưng Thịnh Land sẵn sàng IPO trên HOSE

(ĐTTCO)-Hưng Thịnh Land vừa nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện thực hóa kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào năm 2023. Thương vụ IPO này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nguồn lực mới nhằm thực hiện những mục tiêu lớn trong dài hạn.
Phối cảnh dự án MerryLand Quy Nhon tại Bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Phối cảnh dự án MerryLand Quy Nhon tại Bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Thương vụ IPO tỷ USD
CTCP Hưng Thịnh Land vừa nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là bước tiến quan trọng cho kế hoạch IPO của Hưng Thịnh Land, đến gần hơn với mục tiêu niêm yết cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào năm 2023.
Thương vụ IPO được mong chờ nhất trong ngành bất động sản này được kỳ vọng sẽ giúp Hưng Thịnh Land phát triển nguồn lực mới trong dài hạn, tăng tính minh bạch trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh dự án.
Ngay trước thềm niêm yết, Hưng Thịnh Land đã gây tiếng vang trên thị trường khi cùng lúc được 2 quỹ ngoại uy tín rót vốn là Dragon Capital và VinaCapital. Giá trị giao dịch lên tới 103 triệu USD, đánh dấu bước khởi đầu của doanh nghiệp tham gia vào thị trường vốn quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi cho những định hướng chiến lược dài hạn.
Từ giao dịch này, ước tính với vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa của Hưng Thịnh Land vào khoảng 2 tỷ USD, lọt top 3 nhà phát triển bất động sản lớn trên HOSE.
Với hơn 20 năm hoạt động, Hưng Thịnh Land có quỹ đất hơn 3.300ha trải khắp cả nước, hiện sở hữu và phát triển 59 dự án bất động sản ở nhiều loại hình, đã cung cấp ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm. Các dự án đã hoàn thiện và bàn giao tại TPHCM như Khu căn hộ Lavita Charm (TP Thủ Đức), khu căn hộ Q7 Boulevard (quận 7), Saigon Mia (huyện Bình Chánh), Moonlight Residences (TP Thủ Đức)…
Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc và thị trường khác nhau, Hưng Thịnh Land còn định hướng sẽ đầu tư, phát triển đa dạng loại hình, bao gồm căn hộ, căn hộ du lịch, biệt thự, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, officetel, cao ốc văn phòng, nhà xưởng, kho bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đặc biệt, công ty còn triển khai sáng kiến phát triển thêm dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, được coi là một hoạt động vì cộng đồng của doanh nghiệp có 20 năm hoạt động và hiểu rõ bài toán an sinh xã hội trong ngành bất động sản tại Việt Nam. 
Ở phân khúc nghỉ dưỡng và phát triển đại đô thị tại những tỉnh thành giàu tiềm năng, Hưng Thịnh đã vận hành khu biệt thự ven biển Cam Ranh Mystery Villas (Khánh Hòa) và đang phát triển đại dự án gần 700ha - MerryLand Quy Nhon (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với tham vọng đưa thành phố biển trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.
Hưng Thịnh Land sẵn sàng IPO trên HOSE ảnh 1 Phối cảnh dự án  Moonlight Centre Point tại số 9 đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TPHCM. 
Những chỉ số tài chính lành mạnh
Năm 2021, bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hưng Thịnh Land vẫn đưa ra thị trường gần 5.100 sản phẩm với tổng giá trị gần 16.000 tỷ đồng, bàn giao hơn 1.000 sản phẩm. Vì vậy, công ty tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng với doanh thu gấp 3 lần, lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần năm trước, đạt lần lượt 4.995 tỷ đồng và 1.679 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp năm này đạt gần 54%, biên lợi nhuận ròng hơn 34%, giúp Hưng Thịnh Land nằm trong nhóm đầu các doanh nghiệp bất động sản có biên lợi nhuận cao trên thị trường, theo đánh giá của chuyên gia SSI.
Tổng tài sản doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021 đạt 51.393 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước. Tập đoàn Hưng Thịnh (công ty mẹ) đã và đang tiếp tục chuyển giao toàn bộ mảng phát triển bất động sản cho Hưng Thịnh Land. Vì vậy, tổng tài sản tăng mạnh theo sát chiến lược tái cấu trúc tổng thể của tập đoàn Hưng Thịnh. 
Là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn và triển khai nhiều dự án, Hưng Thịnh Land có giá trị tồn kho và chi phí xây dựng dở dang hơn 16.593 tỷ đồng trong năm 2021, tăng mạnh so với cùng kỳ. Đây phần lớn là giá trị quỹ đất mà Hưng Thịnh Land đang sở hữu tại các dự án chiến lược như Lavita Thuận An (Bình Dương), Grand Center, Ghềnh Ráng, MerryLand Quy Nhon (Tỉnh Bình Định), Trường Thọ (TPHCM)…
Công ty cũng có khoản phải thu (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) tăng 16% trong năm 2021, đạt 16.771 tỷ đồng. Phải thu tăng do tăng các khoản đặt cọc để hợp tác đầu tư, mua cổ phần, góp vốn hoặc nhận chuyển nhượng dự án của công ty theo hình thức hợp tác kinh doanh (BCC). 
Nợ vay tài chính cuối năm 2021 ở mức 23.622 tỷ đồng, được huy động từ các tổ chức tín dụng trong nước. Cơ cấu nợ vay lành mạnh, gồm 78% nợ dài hạn, 22% nợ ngắn hạn. Công ty đã thanh toán tổng giá trị nợ gốc, lãi và các phí huy động gần 2.800 tỷ đồng trong năm từ nguồn tiền mặt có sẵn và tiền thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ. Chỉ số nợ vay ròng trên tổng tài sản và nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu được kiểm soát tốt (lần lượt thấp hơn 0,5 và 1,5 lần), đảm bảo các cam kết của công ty với đối tác tín dụng.
Việc duy trì hệ số đòn bẩy cao cũng phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện nay của doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tích lũy quỹ đất phục vụ chiến lược phát triển dài hạn, đồng thời triển khai các dự án quy mô lớn từ quỹ đất sẵn có.
Trong nửa đầu năm nay, dù thị trường chung bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ kiểm soát tín dụng, thiếu hụt nguồn cung… Hưng Thịnh Land vẫn có kết quả kinh doanh tích cực với hơn 2.000 sản phẩm được giới thiệu, tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Năm nay, công ty dự kiến ghi nhận 10.500 tỷ đồng doanh thu và 3.375 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Các tin khác