Kết quả quý II sẽ là “bệ phóng” cho chứng khoán?

(ĐTTCO) - Sau 3 phiên kiểm định đáy trung hạn giữa tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày cuối tháng 6 đã khởi sắc. Nhưng vẫn còn không ít nhà đầu tư (NĐT) đang mải mê tranh luận xem đợt tăng này chỉ là động tác làm đẹp danh mục quý II của các quỹ, hay thật sự thị trường đã tạo 2 đáy phục hồi, hoặc thậm chí là sẽ thủng đáy sâu hơn nữa? 

Kết quả quý II sẽ là “bệ phóng” cho chứng khoán?
Xem ra việc phụ thuộc quá nhiều vào phương pháp phân tích kỹ thuật để giao dịch ngắn hạn, đã phần nào che lấp một thực tế rằng các yếu tố cơ bản mới là điều quyết định trong dài hạn. 

“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”
Câu ngạn ngữ nổi tiếng trên TTCK là “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” đang bị lãng quên. Hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua lúc thị trường lao dốc kinh hoàng, câu ngạn ngữ này được nhắc đến rất nhiều, nhưng lại là cái bẫy đưa không ít NĐT vào cảnh trắng tay.
“Nỗi sợ cành cong” khiến câu nói này lại tỏ ra “không hợp thời” vào thời điểm hiện tại, thậm chí là cố tình lảng tránh.
Việc xác định gần đúng thời điểm gia nhập thị trường là niềm mơ ước của tất cả các NĐT trên thế giới, và không ai dám chắc mình có thể chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên đó chỉ là khi NĐT muốn mình luôn chiến thắng trong mọi giao dịch ngắn hạn.
Còn đối với các NĐT dài hạn, biến động lên xuống trong vài ngày, vài tuần không phải là vấn đề lớn, nếu họ biết rằng những cổ phiếu (CP) đang nắm giữ có giá trị được đảm bảo trong tương lai và tiếp tục tăng trưởng. Trong dài hạn, giá trị của CP hay của thị trường nói chung mới là điều quyết định xu hướng. 
Kết quả quý II sẽ là “bệ phóng” cho chứng khoán? ảnh 1 Không phải lúc nào thanh khoản lớn đột biến cũng là tốt và thanh khoản thấp kỷ lục là xấu,
 vì thanh khoản cần đặt trong mối tương quan với biến động của giá.
Quan điểm đầu cơ ngắn hạn là đặt cược vào việc sẽ có người khác mua lại CP của mình với giá cao hơn, trong khi quan điểm đầu tư dài hạn là đặt cược doanh nghiệp đó sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận và chia lợi nhuận tốt cho cổ đông.
Nếu hiểu điều này thì ranh giới đúng hay sai hóa ra lại là ở cách sử dụng: câu ngạn ngữ “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” sẽ được một nhà đầu cơ hiểu khác với NĐT. Cũng giống như một thang thuốc, trong đa số trường hợp, hiệu quả nằm ở cách sử dụng chứ không phải bản thân dược chất ở trong nó.
Khi TTCK lao dốc hồi tháng 5, nỗi hoảng sợ lan tràn, không ít quỹ đầu tư - thậm chí nhiều quỹ sừng sỏ tại Việt Nam - lại đánh giá đó là cơ hội để mua. Sau mỗi bản phân tích, khuyến nghị, CP hay thị trường còn tiếp tục giảm thêm hàng tuần lễ nữa. Đánh giá đúng/sai về các phân tích đó phụ thuộc vào góc nhìn ngắn hạn hay dài hạn.
Thí dụ, khi đánh giá thị trường dựa trên hệ số P/E, thì rõ ràng thị trường lúc này đang cực kỳ hấp dẫn. P/E của VN Index tại thời điểm cuối tháng 6-2022 chỉ quanh mức 13 lần, trong khi cách đó 3 tháng là trên 17 lần. Cả trăm CP từ chỗ P/E 20 lần đã giảm xuống còn 10-13 lần, thậm chí là dưới 10 lần, dù hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn sinh lời đều đặn, tăng trưởng lợi nhuận vẫn được đảm bảo. Dưới con mắt NĐT dài hạn, đó thật sự là mức định giá rẻ, nhưng với các nhà đầu cơ, P/E không có ý nghĩa gì cả, mà là khi vẫn có NĐT bán tống bán tháo nghĩa là CP đó vẫn “đắt”.

Ánh sáng cuối đường hầm
Một yếu tố được nhắc đến rất nhiều những ngày gần đây là thanh khoản. Giao dịch hàng ngày đang tụt giảm xuống mức rất sốc. Thậm chí có những phiên, sàn HoSE và HNX giao dịch tổng cộng chưa tới 10.000 tỷ đồng. So với mức 30.000-40.000 tỷ đồng thời điểm đỉnh cao, đây là mức thanh khoản thấp khó tưởng tượng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong sự chênh lệch thanh khoản bất thường đó lại ít được chú ý: Đó là khi thanh khoản cực lớn thì thị trường lại không thể tăng cao thêm được nữa và khi thanh khoản cực nhỏ, thị trường lại không giảm thêm mà phục hồi. Như vậy trong sự “tham lam” của rất nhiều người ở thời điểm thanh khoản cực lớn đã có sự “sợ hãi” của không ít người khác, rất có thể là các NĐT dài hạn (và họ bán ra).
Ngược lại, lúc này khi thanh khoản cực nhỏ lại vắng bóng sự “sợ hãi” đó. Nếu nhìn thị trường theo góc độ xoay vòng tâm lý từ tham lam sang sợ hãi và ngược lại, đây chính là “ánh sáng cuối đường hầm” của xu hướng sụt giảm hiện tại.
Quay trở lại với phương pháp định giá thị trường cơ bản nhất là hệ số P/E. Những quan điểm cho rằng thị trường “rẻ” đang có lý do riêng. Nếu nhìn vào quá khứ, cứ mỗi đợt công bố báo cáo tài chính, khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng (làm tăng giá trị E – thu nhập trên vốn cổ phần) sẽ làm giảm hệ số P/E xuống, từ đó góp phần làm giảm P/E chung của toàn thị trường.
Điều đó nghĩa là lúc này, trong trường hợp thị trường không tăng cao thêm, kết quả kinh doanh quý II-2022 tăng trưởng sẽ làm giảm P/E thấp hơn nhiều mức 13 lần. Đối với CP cũng vậy, lợi nhuận quý II tốt được cộng thêm vào sẽ làm giảm P/E xuống nếu giá CP không tăng. Đó chính là yếu tố “rẻ”.
Thực tế việc đầu tư dựa trên yếu tố cơ bản hoàn toàn có thể suy luận từ logic đơn giản. Thí dụ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ có thể nhìn thấy qua các số liệu công khai sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hoạt động tốt hơn. Nhu cầu đi lại, du lịch đang làm tắc nghẽn các sân bay thì tất yếu doanh nghiệp liên quan hưởng lợi. Sản xuất công nghiệp tăng công suất đang thúc đẩy nhu cầu năng lượng...
Điều duy nhất khó khăn hơn là NĐT phải ngồi xuống, làm bài tập, tìm kiếm các doanh nghiệp hưởng lợi từ sự thay đổi đơn giản đó nhưng CP lại bị bán tống bán tháo để mà “tham lam”.
Một sự hội tụ cũng khá lý thú ở thời điểm hiện tại, là mùa báo cáo tài chính quý II bắt đầu khởi động cũng là lúc các số liệu vĩ mô tháng 6 vừa công bố xóa bớt lo ngại về áp lực lạm phát.
Mức tăng CPI đến tháng 6 chỉ 3,18% so với cuối năm ngoái, và khả năng cao không nằm ngoài kế hoạch khi áp lực chính vẫn là giá xăng dầu, lĩnh vực vẫn còn dư địa chính sách để kiềm chế. 

Các tin khác