Khác biệt trong dự báo kỳ tái cơ cấu ETF

(ĐTTCO) - Như thường lệ, 2 quỹ ETF ngoại trên TTCK là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE), sẽ có phiên tái cơ cấu (review) quý I-2019 trong tháng 3. Điểm đáng chú ý trong đợt tái cơ cấu này là sự khác biệt trong các nhận định của giới phân tích.

Theo kế hoạch, VNM ETF sẽ chốt dữ liệu sử dụng cho đợt xem xét được xác định dựa trên giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-3. Đến ngày 8-3 sẽ công bố chính thức và ngày thực hiện giao dịch là 15-3.
Nhận định về kỳ tái cơ cấu đầu tiên trong năm 2019 của VNM ETF, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), cho rằng đối với những CP nằm ngoài danh mục của VNM ETF, tiêu chí đặt ra để được đưa vào rổ là tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN còn lại phải lớn hơn 10%, quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu USD và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 1 triệu USD (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ review gần nhất). 
Hiện tại, các mã SHB (NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội), KBC (Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc), VGC (Tổng CTCP Viglacera) và PVD (Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí) đều thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí kể trên. Tuy nhiên, sẽ không có CP nào được thêm mới vào danh mục của quỹ trong kỳ review lần này.
Nguyên nhân do các CP này đều có quy mô vốn hóa nhỏ nên xác suất để được thêm mới thấp, nhất là thời gian gần đây VNM ETF đang có xu hướng chỉ thêm mới các CP hóa lớn. Thực tế, ở các kỳ review trước, các CP này dù đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của quỹ nhưng vẫn không được thêm mới.
Khác biệt trong dự báo kỳ tái cơ cấu ETF ảnh 1  
Đối với những CP đã nằm trong danh mục của VNM ETF, tiêu chí đặt ra để các CP không bị loại là tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN còn lại phải lớn hơn 5%, quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 75 triệu USD, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất phải đạt tối thiểu 0,2 triệu USD tại ít nhất 2 trong 3 kỳ review gần nhất, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 0,6 triệu USD hoặc có ít nhất 200.000 CP giao dịch hàng tháng trong vòng 6 tháng gần nhất (hoặc một trong 2 kỳ review liền trước).
Với các tiêu chí này, nhiều khả năng sẽ không có CP nào bị loại ra khỏi danh mục của quỹ trong đợt review lần này.
Đối với FTSE, ngày chốt dữ liệu sử dụng cho đợt xem xét được xác định dựa trên giá đóng cửa phiên giao cuối tuần vừa qua (22-2). Ngày công bố chính thức là 1-3 và ngày thực hiện 15-3. Theo BVSC, FTSE cũng sẽ không loại bất kỳ mã CP nào ra khỏi danh mục của quỹ trong kỳ review này. Ở chiều thêm vào, cũng không có CP nào được thêm mới vào danh mục của quỹ FTSE ETF trong kỳ review lần này. 
Khác với nhận định của BVSC, các chuyên gia phân tích của CTCK Yuanta (FSC), dự báo FTSE sẽ thêm mã VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) vào danh mục trong kỳ review này. Theo FSC, trong kỳ review quý IV-2018, VHC đã được thêm vào rổ FTSE Vietnam All-share và trong kỳ review hiện tại khi thanh khoản của các mã trong rổ FTSE Vietnam có sự sụt giảm.
Vì thế, VHC đã đáp ứng được chỉ tiêu đưa ra là chiếm ít nhất 40% thanh khoản trung bình 3 tháng gần nhất và tính đến ngày 15-2 (hiện đạt 46%). Nếu được thêm vào, VHC có thể chiếm tỷ trọng 0,96% trong danh mục FTSE, tương ứng với khối lượng sẽ được mua vào là 648.000 CP. 
Dù có khác biệt khi nhận định về trường hợp của VHC nhưng cả BVSC và FSC đều có cùng quan điểm đối với mã POW (Tổng CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam). Theo phân tích của BVSC và FSC, do POW mới chính thức chuyển sang niêm yết và bắt đầu giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 14-1-2019 nên chưa đáp ứng được tiêu chí về thời gian giao dịch quỹ ETF này đề ra. Vì vậy, FTSE sẽ không phá vỡ quỹ tắc để thêm mới CP này trong kỳ tái cơ cấu danh mục quý tới. 
Tuy nhiên, cũng có nhận định trái chiều về trường hợp của POW. Theo CTCK BIDV (BSC), FTSE sẽ thêm mới POW vào danh mục và không loại ra CP nào trong đợt review này. Ước tính, POW sẽ chiếm tỷ trọng 2% trong danh mục của FTSE, tương ứng được mua vào khoảng 7,3 triệu CP.
Không chỉ khác biệt trong việc dự báo đối với FTSE, các chuyên gia phân tích của BSC cũng có cái nhìn khác đối với VNM ETF khi cho rằng quỹ này sẽ loại BVH (CTCP Tập đoàn Bảo Việt) ra khỏi danh mục vì lý do thanh khoản. Nếu POW bị loại, VNM ETF có thể thêm mới CP nước ngoài nếu không có ngoại lệ với CP trong nước. Trường hợp không bổ sung CP trong nước mới, tỷ trọng danh mục CP Việt Nam có thể điều chỉnh giảm từ 73,3% về mức 70%. Theo BSC, VNM ETF đang nắm giữ hơn 4 triệu CP BVH và nếu diễn biến như dự báo, quỹ này sẽ bán ra toàn bộ lượng CP BVH đang nắm giữ.
 VNM ETF xây dựng danh mục dựa trên chỉ số Vaneck Vectors Vietnam Index. Trong khi đó, FTSE xây dựng danh mục dựa trên chỉ số FTSE Vietnam Index Series, bao gồm FTSE Vietnam All-Share Index và FTSE Vietnam Index.

Các tin khác