Khó khăn bủa vây, NKG lao dốc

(ĐTTCO) - Vừa ghi nhận được kết quả kinh doanh cực kỳ thành công trong năm 2017, nhưng CTCP Thép Nam Kim (NKG) lại bất ngờ lao dốc ngay ở quý đầu tiên của năm 2018. 
Đây chính là nguyên nhân khiến cho CP NKG bị “bốc hơi” hơn 50% giá trị kể từ thời điểm đầu năm 2018 đến nay.
Thắng lớn nhờ hưởng lợi kép
NKG là một trong những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôn mạ lớn nhất Việt Nam, với sản lượng tiêu thụ đạt gần 1 triệu tấn/năm. NKG hiện có 4 nhà máy với tổng công suất đạt 1,2 triệu tấn và dự kiến gia tăng công suất lên mức 2,2 triệu tấn trong vòng 5 năm tới.
Một trong những lợi thế lớn của NKG là doanh nghiệp chịu mức thuế chống bán phá giá thấp nhất khi xuất khẩu sang Malaysia, Thái Lan và Australia so với các doanh nghiệp như Hoa Sen, TDA hay Sunco. Đặc biệt, NKG còn hưởng lợi đáng kể từ quyết định chống bán phá giá tại việt Nam đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu từ 3,17-38,34% (bắt đầu từ tháng 4-2017), và thuế tự vệ thương mại với tôn màu 19% (bắt đầu từ tháng 6-2017).
 Cùng với kế hoạch phát hành CP trả cổ tức, NKG dự kiến phát hành 30 triệu CP theo hình thức phát hành riêng lẻ cho đối tác đầu tư. Sau các đợt phát hành này, tổng số CP mới tăng thêm là 82 triệu CP, khiến cho rủi ro pha loãng CP gia tăng đáng kể.
Nhờ điều kiện kinh doanh cực kỳ thuận lợi như trên, không có gì khó hiểu khi năm 2017 đánh dấu bước đột phá của NKG với doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt lần lượt là 12.619 tỷ đồng (tăng 41%) và 707 tỷ đồng (tăng 37%).
Với kết quả ấn tượng này, NKG đã tiến hành chi trả cổ tức đợt 1 năm 2017 với tỷ lệ 10% (tiền mặt), và đang tiến hành thủ tục cần thiết để trả cổ tức bằng CP đợt 2 năm 2017 với tỷ lệ lên đến 40%. Thậm chí, HĐQT của NKG còn tự tin lên kế hoạch cho năm 2018 với những con số ấn tượng không kém năm 2017.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đạt 1 triệu tấn; doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 17.000 tỷ đồng (tăng 34,5%) và 750 tỷ đồng (tăng 6,1%). Kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được cổ đông NKG thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2018 vừa được tổ chức ngày 7-4. 
Khó khăn bủa vây, NKG lao dốc ảnh 1
Thất vọng do tính toán sai lầm?
Tưởng chừng mọi thứ đang đi đúng như kỳ vọng của doanh nghiệp và cổ đông thì mới đây, doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý I-2018 với những con số đáng thất vọng.
Cụ thể, BCTC hợp nhất quý I, doanh thu thuần đạt 3.593 tỷ đồng (tăng hơn 50% so với 2.393 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 121 tỷ đồng (giảm 22,5% so với 156 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017).
Giải trình về sự sa sút này, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT NKG, cho biết quý I-2017 giá thép biến động tăng, cộng với khoản thu nhập tài chính 43 tỷ đồng nên lợi nhuận đột biến, trong khi quý I-2018 các yếu tố này không còn. Tuy nhiên, nhờ tập trung đẩy mạnh sản lượng, mở rộng thị phần, nên kết quả này vẫn phù hợp với thị trường tôn thép mạ hiện nay.
Giải trình này chắc chắn không nhận được sự đồng cảm từ phía các cổ đông và NĐT. Chính vì vậy thay vì nắm giữ CP để chờ đợt trả cổ tức bằng CP lên đến 40%, NĐT đã đẩy mạnh bán ra khiến cho giá CP NKG liên tục lao dốc. Từ mức giá trên 44.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018, NKG giảm xuống chỉ còn 21.700 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 26-4). 
Theo giới phân tích, những khó khăn của ngành tôn mạ trong năm 2018 đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I của NKG. Khó khăn đầu tiên là thị trường xây dựng đã phần nào hạ nhiệt sau thời gian tăng nóng, trong khi thị trường xuất khẩu đã không còn dễ dàng như giai đoạn 2016-2017. Nguyên nhân do các quốc gia nhập khẩu như Indonesia, Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế tự vệ.
Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu thép cuộn nóng (HRC) biến động thất thường, ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê, giá HRC bình quân năm 2017 là 538USD/tấn, đã tăng lên mức bình quân 590 USD/tấn trong 4 tháng đầu năm.

Bức tranh tài chính ảm đạm
Tuy nhiên, yếu tố khiến cho cổ đông quan ngại nhất chính bức tranh tài chính khá ảm đạm do tỷ lệ vay nợ NKG đang trong chiều hướng gia tăng mạnh. Theo thống kê, nợ vay tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp với tỷ lệ nợ/tổng tài sản giữ ở mức 61% (gần như không thay đổi nhiều so với năm 2016 là 65%), trong khi tổng nợ phải trả chiếm 71% cơ cấu.
Nợ vay ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 2.296 tỷ đồng năm 2016 lên 4.503 tỷ đồng năm 2017. Song song với đó, chi phí lãi vay cũng ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, khoảng 270 tỷ đồng (tăng gần 90% so với năm 2016). 
Không những thế, NKG còn phải đối mặt với áp lực trả lãi vay lớn trong khi hiệu quả quản lý dòng tiền chưa tương xứng. Năm 2017, tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức thâm hụt 1.456 tỷ đồng, chủ yếu do giá trị hàng tồn kho tăng mạnh (hơn 2.000 tỷ đồng). Hệ số thanh toán vì vậy cũng ở mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Như vậy, nếu lãi suất năm 2018 tiếp tục tăng lên biên lợi nhuận sẽ bị chi phí lãi vay “bào mòn” đáng kể.

Các tin khác