Khó khăn tăng trưởng quý II

(ĐTTCO)-Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra gần 1 năm, nhưng các tác động đến kinh tế Việt Nam nhìn ở thương mại và đầu tư khi cho rằng đang lợi thế vẫn chưa thực sự rõ nét. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc nếu có xảy ra lại nằm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, nên khó có thể ước lượng được sức tăng tổng cầu với hàng hóa Việt Nam sẽ cải thiện tới mức nào.
Khó khăn tăng trưởng quý II
Nông nghiệp, thủy sản đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù giá lúa trung bình trong 2 tháng 4 và 5 đã cao hơn so với quý I, nhưng sản xuất nông nghiệp quý II gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng thấp. Nắng nóng tại miền Nam và thời tiết bất thường tại miền Bắc, khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông-xuân giảm.
Năng suất lúa đông-xuân tại miền Nam giảm 0,8 tạ/ha, còn tại miền Bắc giảm 0,3 tạ/ha. Riêng vùng ĐBSCL do nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nên năng suất lúa giảm 1,1 tạ/ha. Theo Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ (CPC), một đợt El Nino yếu đã xuất hiện từ tháng 10-2018 và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến tháng 6, 7-2019. 
Ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi lan rộng và chưa có hồi kết. Đến nay dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 53/63 tỉnh với tổng số lợn bệnh buộc phải tiêu hủy là 2,3 triệu con. Lo ngại về dịch bệnh khiến giá lợn giảm rất nhanh. Giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam bộ vào cuối tháng 5 đã rớt xuống còn 32.000 đồng/kg, giảm gần 40% so với mức đỉnh đạt được hồi đầu năm.
Dịch bệnh và rớt giá đã khiến tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% YoY (chỉ số được sử dụng để so sánh kết quả trong cùng một khoảng thời gian năm trước).
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 vẫn chưa có tiến triển và tiếp tục giảm 1,4% YoY. Đây là tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Xuất khẩu sang các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc chậm, cộng với việc gia tăng vùng nuôi đã khiến cho giá cá tra giảm mạnh. Vào cuối tháng 5, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã xuống còn 21.000-23.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với đỉnh hồi tháng 2 là 33.000 đồng/kg.
Ngược với cá tra, sản lượng tôm vẫn đạt tăng trưởng cao 11,2% với tôm sú và 12,9% với tôm thẻ chân trắng. Dẫu vậy, xuất khẩu tôm cũng không thuận lợi do gặp cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu. Giá tôm tại ao đã giảm xuống dưới 90.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.

Công nghiệp cải thiện nhờ điện tử, điện thoại 
Xuất khẩu điện thoại tháng 5 tăng 19,5% YoY, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 9 tháng. Dù mức tăng trưởng này có được nhờ nền thấp của cùng kỳ (tháng 5-2018 xuất khẩu điện thoại giảm 21,8%), nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực điều này vẫn mang lại sự khởi sắc nhất định cho ngành sản xuất điện thoại. Sản lượng điện thoại tháng 5 tăng 15% YoY và chỉ số công nghiệp điện tử tăng trưởng dương 6,5% sau 2 tháng âm. 
Nhìn về tương lai, sản xuất điện thoại và công nghiệp điện tử vẫn còn hy vọng, khi nhập khẩu linh kiện điện thoại trong tháng 5 tăng rất mạnh với 36,2%, mức cao nhất 16 tháng. Sản xuất điện thoại thường có độ trễ 1-2 tháng so với nhập khẩu linh kiện, nên sự gia tăng nhập khẩu trong tháng 5 là chỉ báo cho sự gia tăng sản lượng điện thoại vào khoảng cuối quý II, đầu quý III.
Lọc hóa dầu và sản xuất kim loại vẫn là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp nói chung. Sản lượng xăng dầu sản xuất trong tháng 5 đạt 1,19 triệu tấn, tăng 80,8% YoY. Nhờ đó, chỉ số công nghiệp lọc hóa dầu cũng có tăng trưởng rất cao 106,5%.
Sản lượng sắt thép thô đạt 2 triệu tấn, tăng 64,3% YoY và chỉ số công nghiệp sản xuất kim loại tăng 43,4%. Hai sản phẩm này phần lớn được tiêu thụ nội địa bởi xuất khẩu xăng dầu và sắt thép đều thấp, xăng dầu giảm 3% còn sắt thép chỉ tăng 7,7%. Một điểm tích cực nữa là sản xuất trong nước đã thay thế đáng kể cho nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu tháng 5 giảm 38%, còn sắt thép chỉ tăng 0,7% YoY.
Tăng trưởng của ngành sản xuất xe có động cơ đang chậm lại với mức tăng 10,8%, thấp nhất 13 tháng. Số lượng xe ô tô sản xuất trong tháng 5 là 29.800 chiếc, tăng 17,8% YoY, nâng tổng số xe sản xuất từ đầu năm lên 125.800 chiếc, tăng 17,1% YoY. Mức tăng trưởng này dù tương đối cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ nhập khẩu xe nguyên chiếc. Riêng trong tháng 5, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu 15.000 chiếc, tăng 7,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, lượng xe nhập khẩu 65.600 chiếc, tăng hơn 8 lần. 
Với thực tế này, chúng tôi tiếp tục cho rằng cần rà soát kỹ để tiến tới hạn chế việc nhập khẩu không chỉ xe nguyên chiếc, mà cả các mặt hàng điện tử điện lạnh từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đây là một mũi tên trúng 2 đích, vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, vừa hạn chế nhập siêu, tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng.
Ngành dệt may trong những tháng gần đây cũng có phần sa sút, dù được cho là hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam mới ký kết và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tăng trưởng xuất khẩu dệt may tháng 5 đứng ở 10,8%, xấp xỉ như 2 tháng trước đó và thấp hơn khá nhiều cùng kỳ là 23%. Chỉ số công nghiệp may mặc vì vậy cũng tăng thấp 9,6% (cùng kỳ tăng 17%).
Ngành sản xuất giày dép và đồ gỗ có phần khởi sắc hơn. Xuất khẩu giày dép 5 tháng tăng 14,3% và đồ gỗ tăng 18,3% (cùng kỳ xuất khẩu 2 mặt hàng này tăng 10,5% và 11,2%). Tuy vậy, giá trị xuất khẩu giày dép và đồ gỗ (7,1 tỷ USD và 4 tỷ USD), cộng lại mới xấp xỉ bằng giá trị xuất khẩu dệt may 12 tỷ USD. Ngành dược phẩm tháng 5 dù chỉ tăng 5,7% YoY, nhưng vẫn giúp kéo tăng trưởng lũy kế 5 tháng lên 1,4%. Sự giảm sút năng lực sản xuất trong nước đã khiến nhập khẩu dược phẩm gia tăng. Lũy kế từ đầu năm nhập khẩu tân dược tăng 12,1% (cùng kỳ chỉ tăng 5,4%).
Khó khăn tăng trưởng quý II ảnh 1 Nhập khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh trong tháng 5, trong khi chỉ số ngành điện tử khởi sắc giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
Dịch vụ chậm nhưng vẫn có một vài điểm sáng
Chỉ số bán lẻ 5 tháng đầu năm giảm xuống 8,6%, mức thấp nhất 9 tháng. Điều này tương đối giống với năm 2018 (chỉ số bán lẻ 5 tháng 2018 thấp nhất 13 tháng), nhưng lại trái ngược với cùng kỳ 2017 (chỉ số bán lẻ 5 tháng 2017 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm và tiếp tục cải thiện các tháng tiếp theo). Có một sự tương đồng khá rõ giữa chỉ số bán lẻ với tăng trưởng kinh tế.
Năm 2017, kinh tế Việt Nam khởi đầu năm rất vất vả với GDP chỉ tăng 5,1% nhưng sau đó cải thiện dần và cả năm đạt 6,81%. Sang năm 2018, GDP tăng cao trong quý I, đạt 7,38%, nhưng sau đó giảm tốc xuống 7,08% về cuối năm. Như vậy, chỉ số bán lẻ giảm dần trong 5 tháng đầu năm 2019 là một chỉ báo đáng chú ý cho sức cầu tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế của năm 2019. 
Khách quốc tế đến Việt Nam đã có phần tích cực hơn với 1,32 triệu lượt khách trong tháng 5, tăng 14,3% YoY, mức tăng cao nhất 7 tháng. Khách Trung Quốc sau nhiều tháng tăng thấp và giảm đã có tăng trưởng khả quan hơn với 13,4%, cao nhất 7 tháng. Tuy vậy, khách Hàn Quốc lại tăng chậm với 18,8%, thấp nhất 28 tháng.
Một bất ngờ là khách Nhật Bản lập kỷ lục với 86.100 lượt khách trong tháng 5, tăng mạnh 33,6% YoY, trong khi khách từ Mỹ tăng rất thấp, 2,2% (cùng kỳ tăng 18,8%). Như vậy, nhóm khách châu Á, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang mang lại tăng trưởng chính cho du lịch Việt Nam. 
Khó khăn tăng trưởng quý II ảnh 2 Lọc hóa dầu và sản xuất kim loại tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành công nghiệp. Còn tăng trưởng ngành sản xuất ô tô chậm lại một phần do xe nhập khẩu tăng mạnh.
Áp lực ngày càng gia tăng
Từ các số liệu vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm có thể thấy, tăng trưởng của quý II sẽ tiếp tục khó khăn bởi nông nghiệp, thủy sản và bán lẻ đang chậm lại. Điểm tích cực là ngành công nghiệp điện thoại đang lấy lại đà tăng trưởng.
Không có sản phẩm mới mang tính đột phá, sản xuất điện thoại nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và rất có thể là những rào cản về công nghệ mới từ Mỹ với các nhà sản xuất điện thoại như Huawei.
Để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh tận dụng tối đa cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam cũng cần đặc biệt chú ý đến nội lực mà cụ thể là giải ngân tài khóa. Sau 4 tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt 16% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,4%, trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt 19,2% kế hoạch và tăng 20%. Từ năm 2018, giải ngân vốn đầu tư phát triển đã chậm lại và đây cũng có thể coi là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng.
Sức ép với kinh tế Việt Nam đang ngày một gia tăng với những biến số bên ngoài rất khó lường. Trong bối cảnh này việc tận dụng tối đa nội lực, bao gồm nguồn lực tư nhân và nguồn vốn ngân sách cần là ưu tiên số 1, nhằm tạo sự chủ động và chắc chắn cho tăng trưởng. Những nỗ lực tạo thuận lợi ở bên ngoài cần phải được song hành với những nỗ lực tháo gỡ rào cản ở bên trong mới có thể giúp kinh tế Việt Nam vững bước đi lên.

Các tin khác