Không có bán tháo khi Covid-19 tái phát

(ĐTTCO)-Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 tại Việt Nam với mức độ nghiêm trọng hơn, nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn. Thế nhưng, diễn biến chung của thị trường cho thấy đa số NĐT đã hành động bình tĩnh hơn, không còn cảnh bán tháo như thời điểm đầu tháng 3.
Không có bán tháo khi Covid-19 tái phát
Đáy sau cao hơn đáy trước
Kể từ sau khi hồi phục và đạt đỉnh 900 vào giữa tháng 6, thị trường đã liên tục điều chỉnh và đang ở ngưỡng 800 điểm. Việc điều chỉnh của thị trường hoàn toàn hợp lý, khi số liệu vĩ mô không hồi phục nhanh như kỳ vọng trước đó, bên cạnh làn sóng dịch bệnh thứ 2 quay trở lại khiến khả năng nền kinh tế hồi phục trong 6 tháng cuối năm càng khó xảy ra.
Tuy nhiên, rất khó có khả năng thị trường quay trở lại đáy cũ khi NĐT đã bắt đầu có những cơ sở để đánh giá tác động của dịch bệnh, thay vì tâm lý hoảng loạn trong đợt 1. Bằng chứng, VN Index chỉ giảm 9% (tính từ lúc bùng phát bệnh đến điểm thấp gần nhất) so với mức giảm 11,5% trong thời điểm trước. 
Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), chỉ số tiếp tục cho phản ứng hồi phục khá mạnh sau khi chạm ngưỡng 780 điểm, cho thấy NĐT dần "làm quen" với những thông tin tiêu cực và trở nên lạc quan hơn về tình hình thị trường hiện tại.
Trong khi đó, CTCK Rồng Việt (VDSC) phân tích điểm khác biệt hiện nay của thị trường so với làn sóng thứ nhất, là áp lực bán ròng của khối ngoại không quá lớn. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu trong đợt 1 là việc NĐTNN duy trì bán ròng liên tục trên sàn, khi mức độ bán ròng khớp lệnh trong tháng 3 đạt mức kỷ lục. Ngay cả khi thị trường hồi phục mạnh trong tháng 4, giá trị bán ròng của khối ngoại vẫn ở mức cao. 
Tuy nhiên, điều này sẽ khó có khả năng lặp lại do thanh khoản USD được đảm bảo bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), còn VNĐ đang giao dịch ổn định và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẵn sàng điều tiết ổn định tỷ giá.
Thêm vào đó, dù hoạt động xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thặng dư thương mại tăng cao so với năm ngoái, cộng thêm việc FDI giải ngân giảm không đáng kể, đã giúp NHNN tiếp tục bổ sung thêm dự trữ. Bằng chứng là việc khối ngoại đã mua ròng hơn 600 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 7 khi dịch đợt 2 được công bố ở Đà Nẵng.

TTCK vẫn hấp dẫn 
 Hiện tượng thanh khoản thấp hơn so với vùng đáy cho thấy NĐT mua giá rẻ đã kìm giữ không bán ra, nên CP dễ bật tăng mạnh không cần khối lượng mua lớn. Dù vậy, điều bất lợi là lượng CP rẻ tích lũy lớn sẽ gây áp lực trong các phiên sắp tới.
Điểm giống nhau cơ bản trong 2 giai đoạn là việc dòng tiền từ trong nước dồi dào. Khi doanh nghiệp và người dân còn chưa kịp lên kế hoạch để đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, làn sóng dịch quay trở lại.
Điều này khiến khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vốn đã yếu (chỉ tăng 3,26% sau 6 tháng) càng bị hạn chế hơn. Trong bối cảnh đó, các NHTM sẽ không quá mặn mà trong việc huy động vốn, khi thanh khoản trong hệ thống vẫn đang khá dư thừa.
Do đó, khả năng lãi suất huy động thấp hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì, ít nhất cho tới khi có tín hiệu tín dụng hồi phục mạnh trở lại. Trong khi nhu cầu hấp thụ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có giới hạn, khả năng các dự án bất động sản mở bán rầm rộ cũng không cao, khi Chính phủ chỉ đạo hạn chế tập trung đông người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 
Theo nhận định chung của giới phân tích, thị trường đã và sẽ phản ứng không quá tiêu cực trong đợt dịch bùng phát lần 2 khi NĐT đã có kinh nghiệm hơn. Bên cạnh đó, TTCK vẫn tỏ ra khá hấp dẫn trong bối cảnh dòng tiền ứ đọng và các kênh đầu tư khác chưa có nhiều khởi sắc, nhất là khi giá vàng bất ngờ lao dốc mạnh sau khi đạt đỉnh. Trong bối cảnh đó, thị trường CP dù biến động mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư tiềm năng. 
Theo thống kê của Bloomberg, có 139/386 CP có diễn biến tốt hơn so với cuối năm 2019, trong đó giá CP của 83 doanh nghiệp tăng trên 11%. Như vậy, TTCK Việt Nam và thế giới đã chứng kiến sự hồi phục thần tốc sau khi giảm mạnh trong tháng 3.
Bên cạnh sự tham gia của dòng tiền mới, là kỳ vọng về việc nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau dịch. Có những thời điểm Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2020 trước khi điều chỉnh xuống còn 3-4% hiện nay khi làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát. 

Rủi ro nhưng không đáng lo
Số liệu kinh tế cho thấy tốc độ hồi phục sẽ khó đạt như kỳ vọng khi số liệu sản xuất chỉ tăng 1% trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 4,6% so với mức tăng 2 chữ số trong giai đoạn bình thường. Số liệu PMI tháng 7 thậm chí còn tiêu cực hơn khi giảm về dưới 50 điểm (ranh giới giữa mở rộng và suy thoái) do sản lượng và số đơn đặt hàng mới giảm so với tháng 6.
Ngoài ra, kỳ vọng về việc mở cửa đường bay thương mại quốc tế có thể phải điều chỉnh lại khi khả năng dịch bùng phát luôn hiện hữu. Do đó, kỳ vọng về kinh tế hồi phục nhanh chóng ở Việt Nam ngay từ nửa cuối năm nay cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. 
Với thực tế trên, cho dù dòng tiền trong nước dồi dào trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nhưng thị trường giảm không đủ sâu để tạo tâm lý “tham lam” cho dòng tiền này.
Đơn cử, phiên giao dịch ngày 12-8, khi Nga bất ngờ công bố có vaccine Covid-19. Phiên giao dịch này còn được hỗ trợ với thông tin giá vàng lao dốc. Thế nhưng, VN Index đã không thể bật mạnh như kỳ vọng của NĐT. 
Theo VDSC, thị trường sẽ không có nhiều động lực để bật mạnh như giai đoạn trước, do tâm lý NĐT sẽ thận trọng và chờ đợi những điều rõ ràng hơn từ diễn biến của nền kinh tế. Đây là lý do giới phân tích đưa ra dự báo thị trường chỉ có thể dao động trong khoảng từ 780-860 điểm.
Trong trường hợp tiêu cực, nếu dịch bệnh khiến Chính phủ phải áp dụng giãn cách xã hội Hà Nội và TPHCM, khả năng VN Index có thể giảm xuống ngưỡng 720 điểm. 
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), diễn biến thị trường vẫn có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền sẽ có sự luân phiên dịch chuyển vào các nhóm CP để tìm kiếm lợi nhuận.
Mặt khác, các thông tin về khả năng sản xuất thành công vaccine chống Covid-19 của các nước, sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường.  

Các tin khác