Kiểm soát thị trường trái phiếu

(ĐTTCO) - Ngoài việc liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trên thị trường, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều quy định “kìm chân” việc phát hành loại hình trái phiếu này.

 Tuy nhiên, thực tế hiện rất nhiều nhà đầu tư vẫn mua TPDN, bất chấp rủi ro chực chờ.

Nhà đầu tư cá nhân tìm hiểu trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà đầu tư cá nhân tìm hiểu trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ham lãi suất cao

Vừa qua, cơ quan công an liên tiếp khởi tố các vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC), rồi ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), khiến chị Anh Nhật (ngụ TPHCM) hồi hộp, căng mắt theo dõi thông tin. Bởi lẽ, cách nay gần 1 tháng, chị tham gia mua TPDN của một công ty bất động sản với tổng trị giá 2 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là một dự án nhà ở đang làm thủ tục pháp lý, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi công ty chứng khoán chào bán, chị Anh Nhật bị hấp dẫn với biểu lãi suất khá cao. Nếu gửi ngân hàng lãi suất chưa tới 6%/năm nhưng mua TPDN thời hạn 6 tháng, lãi suất lên đến 9%. Do đó, thay vì đầu tư những kênh sinh lời khác, chị Anh Nhật chọn TPDN với kỳ vọng được nhận lãi suất cao.

Theo dõi “chợ” TPDN trên các trang website về đầu tư tài chính, ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp chào bán loại hình trái phiếu này riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân. Nhiều doanh nghiệp “vô danh”, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém nhưng TPDN vẫn bán đắt như tôm tươi bởi lãi suất hấp dẫn. Đặc biệt trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có lãi suất khá cao, phổ biến ở mức 10-11%/năm, thậm chí các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh được huy động với lãi suất lên đến 12%/năm - cao gần gấp 3 lần so với lãi suất ngân hàng. 

Lý giải vấn đề trên, các chuyên gia tài chính nhìn nhận, trong bối cảnh giá vàng giảm mạnh, thị trường chứng khoán khó đầu tư, bất động sản đang có dấu hiệu “ảo” và đòi hỏi vốn lớn, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn ở mức thấp nên kênh TPDN vẫn thu hút được một lượng lớn tiền đầu tư của cá nhân, cho dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về rủi ro. Đáng chú ý, hiện nay nhà đầu tư cá nhân không chuyên tham gia khá nhiều. Mặc dù thống kê trên thị trường TPDN sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 5-6% nhưng theo các chuyên gia, thực tế con số này cao gấp hàng chục lần.

Phân tích từ các chuyên gia tài chính cho thấy, nếu phát hành ra công chúng, TPDN sẽ minh bạch về thông tin, nhà phát hành có chất lượng cao, giảm rủi ro cho thị trường, đem lại an toàn hệ thống nói chung cũng như tăng quyền lợi nhà đầu tư nói riêng. Tuy nhiên, thị trường TPDN tại Việt Nam đa số phát hành qua kênh riêng lẻ.

Năm 2021, tổng giá trị phát hành TPDN đạt mức cao nhất trong lịch sử với trên 650.000 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm 2020 nhưng khối lượng phát hành theo kênh riêng lẻ chiếm đến 94,5%.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận 8 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành  riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ gấp 4 lần giá trị phát hành ra công chúng, riêng nhóm bất động sản chiếm gần 60% về giá trị cũng như tổng khối lượng phát hành. 

Nhiều rủi ro

Theo công ty xếp hạng tín nhiệm FiinGroup, trong tổng số 1,16 triệu tỷ đồng dư nợ TPDN đang lưu hành, có tới 40,7% giá trị trái phiếu lưu hành sẽ đáo hạn trong năm 2022 và 2023, tức là trả nợ cho nhà đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng. Trước thời gian đáo hạn gần kề, FiinGroup cho rằng, cần đánh giá những rủi ro đến an toàn hệ thống, bao gồm cả tín dụng ngân hàng ngay từ bây giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia.

Nhằm chấn chỉnh thị trường TPDN, từ tháng 1-2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021 quy định về hoạt động đầu tư TPDN của ngân hàng thương mại, theo hướng siết các ngân hàng mua TPDN vì thời gian qua, nhiều ngân hàng “ôm” khối lượng lớn trái phiếu này. Trong đó, “ôm” chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, sau đó chia nhỏ để phân phối đến nhà đầu tư cá nhân. 

Tuy nhiên, những diễn biến đang diễn ra trên thị trường cho thấy giải pháp trên của Ngân hàng Nhà nước chưa mang lại hiệu quả. Để hướng đến thị trường TPDN phát triển bền vững, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 của Chính phủ quy định về việc chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trong nước và ra thị trường quốc tế với mục tiêu minh bạch và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu.

Theo đó, nghị định sửa đổi quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi, hủy bỏ giao dịch… để phát triển thị trường thứ cấp; yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành TPDN và cả TPDN trong trường hợp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TPDN đã dần trở thành công cụ gọi vốn hữu hiệu cho không ít doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các quy định, chính sách để chấn chỉnh thị trường nhưng không nên chặn quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp. Vấn đề là làm sao để khi phát hành TPDN, các doanh nghiệp phải minh bạch về thông tin, đặc biệt là khi phát hành đến nhà đầu tư cá nhân.

Ông HUỲNH MINH TUẤN, Nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản FIDT:

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán TPDN với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ tốt hơn cho thị trường TPDN.


Sau vụ việc này, thị trường TPDN sẽ phát triển lành mạnh hơn vì chất lượng nguồn cung được siết chặt, đồng nghĩa giảm rủi ro cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu. Động thái trên cũng là thông điệp cứng rắn từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát dòng vốn vào bất động sản, hạn chế tình trạng “tay không bắt giặc” của doanh nghiệp. Qua đó, những doanh nghiệp có uy tín, minh bạch và năng lực tài chính tốt sẽ có lợi thế trên thị trường vốn.

Các tin khác