Lãi suất thấp tạo “sóng” chứng khoán

(ĐTTCO) - Môi trường lãi suất thấp đang là bệ đỡ cho sự thăng hoa trên thị trường chứng khoán (TTCK), khi dòng tiền nhàn rỗi từ tài khoản tiết kiệm đứng trước sức ép tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời hơn. Dù rất khó để khẳng định hơn 390.000 nhà đầu tư mới mở tài khoản trong năm 2020 đều do sức ép từ lãi suất tiết kiệm quá thấp, nhưng rõ ràng 2 yếu tố nói trên có quan hệ về logic kinh tế cũng như về thời điểm.

Lãi suất thấp dồn vốn chứng khoán
Yếu tố cơ bản nổi bật và có sự đồng thuận cao trong các phân tích, là triển vọng năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ. Các ước tính thận trọng nhất của các tổ chức quốc tế cũng đưa ra con số hơn 6% tăng trưởng GDP cho năm tới, trong khi những dự phóng lạc quan nhất dự kiến trên 8%. Với nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh như vậy, các doanh nghiệp niêm yết khi đã vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng có cơ hội tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021. Vì thế chất lượng cơ bản của cổ phiếu hậu thuẫn cho biến động tăng giá.
Yếu tố thứ hai mang tính thị trường hơn, là dòng vốn giá rẻ đang tràn ngập. Với hơn 390.000 nhà đầu tư mới - con số có thể tăng thêm nhiều trong năm 2021 - chỉ cần ước tính bình quân mỗi tài khoản mang theo 100 triệu đồng, sẽ là lượng vốn khổng lồ. Chưa kể sẽ có thêm một nửa con số đó nữa, nếu nhà đầu tư có sử dụng margin trong giới hạn cho phép. Ngoài ra, phải kể tới nguồn vốn của chính doanh nghiệp trên sàn không mở rộng sản xuất vì dịch bệnh, đã quay sang đầu tư chính cổ phiếu của mình hoặc thực hiện đầu tư tài chính. 
Lãi suất thấp tạo “sóng” chứng khoán ảnh 1 Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã không thể thấp hơn, xác nhận mức đáy của mặt bằng lãi suất và hoạt động cho vay. Lãi suất này quay đầu tăng báo hiệu sớm về khả năng bình thường hóa lãi suất.
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB cho thấy, chỉ số EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay - chỉ số phản ánh lợi nhuận kinh doanh cốt lõi) của doanh nghiệp niêm yết đến hết quý III-2020 sụt giảm 21,7% so với cùng kỳ 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 7,6%. Như vậy doanh nghiệp đã có nguồn thu khác, bao gồm thu nhập tài chính tăng trưởng rất mạnh và bù đắp phần sụt giảm từ hoạt động cốt lõi.
Lãi suất tiết kiệm quá thấp trước khi thổi bùng cơn sốt chứng khoán, đã tạo nên sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng sử dụng sức mạnh của tập khách hàng tiết kiệm đang đau đầu vì lãi suất quá ít để tạo nguồn cầu cho trái phiếu doanh nghiệp. Khi kênh đầu tư trái phiếu bị điều tiết bằng quy định khắt khe hơn, dòng vốn tiết kiệm chảy tràn sang thị trường cổ phiếu. “Lãi suất cao là kẻ thù của chứng khoán” - câu nói nằm lòng với bất kỳ nhà đầu tư nào - đang phát huy mặt tích cực.

Điểm đảo chiều của lãi suất
Việc dòng vốn tiết kiệm hoặc dòng vốn nhàn rỗi trong cư dân không chảy vào ngân hàng mà chảy vào TTCK, sẽ tạo ảnh hưởng lên nguồn vốn huy động của chính các ngân hàng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020 khả năng cho vay thấp đáng kể. Vốn ứ đọng đã đẩy lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục. Trong cả 2 quý cuối năm 2020, lãi suất cho vay qua đêm chưa bao giờ vượt qua 0,2%/năm và đến đầu tháng 1-2021 chỉ còn 0,11%/năm. 
Điều này cũng xác thực mức đáy của lãi suất đã được thiết lập. Khi kinh tế tăng trưởng như dự kiến trong năm 2021, nhu cầu vốn sẽ gia tăng. Tình trạng thừa mứa thanh khoản sẽ giảm bớt hoặc trở về trạng thái bình thường. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng dần quay về trạng thái bình thường. Chẳng hạn thời kỳ tháng 1-2020 trước khi có dịch bệnh, lãi suất qua đêm liên ngân hàng khoảng 2%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên 3%/năm. Lãi suất qua đêm tăng trở lại là tín hiệu sớm của quá trình bình thường hóa hoạt động huy động - cho vay.
Khi nhu cầu vốn tăng lên đáp ứng nhu cầu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi suất huy động không thể duy trì mức quá thấp như hiện tại. Điều này sẽ giảm dần lợi thế của kênh đầu tư chứng khoán. Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021, và tăng nhẹ 30-50% trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Công ty Chứng khoán Vietcombank cũng đánh giá rủi ro tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm 2021, khi hoạt động cho vay tăng mạnh và doanh nghiệp, người dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng thời gian này. 
“Năm 2021, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương cũng thực hiện chiến lược tương tự và đồng USD có thể tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, chính sách ngoại hối vào năm 2021 có thể thay đổi sau khi Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng đồng VNĐ có thể tăng giá tương ứng với chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi” - SSI nhận định.
Yếu tố lạm phát cũng được xem là rào cản đối với môi trường lãi suất thấp. Giá dầu thấp là một trong những yếu tố có khả năng thay đổi khi nền kinh tế thế giới vận hành bình thường trở lại. Giá dầu Brent từ đầu tháng 11-2020 đến nay đã tăng 50%, dầu WTI cũng tăng hơn 49% và cùng vượt ngưỡng 50USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước cũng đã tăng 3 lần trong những tháng cuối năm 2020. Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ khiến lạm phát cơ bản sớm chạm đáy, giá năng lượng tăng có thể dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng phi thực phẩm cao hơn. Các phân tích đều không đánh giá cao rủi ro lạm phát sớm quay lại mà tin tưởng khả năng kiềm chế dưới 4% của Chính phủ. 
Môi trường lãi suất thấp, lạm phát ổn định dưới 4% là điều kiện thuận lợi để TTCK thăng hoa và nối tiếp là thị trường bất động sản. Tuy vậy, môi trường lãi suất thấp kéo dài luôn để lại những hệ lụy sau đó, và các bong bóng giá tài sản đều hình thành do quá tự tin vào giả định mọi điều kiện thuận lợi ban đầu sẽ không thay đổi. Môi trường thuận lợi đó có thể kéo dài nhiều năm, dẫn đến sự xao nhãng về rủi ro và quên đi các hậu quả khi dòng vốn rẻ đảo chiều.
 Môi trường lãi suất thấp, lạm phát ổn định dưới 4% là điều kiện thuận lợi để TTCK thăng hoa. Tuy nhiên, môi trường thuận lợi đó nếu kéo dài nhiều năm sẽ dẫn đến sự xao nhãng về rủi ro và quên đi các hậu quả khi dòng vốn rẻ đảo chiều.

Các tin khác