Làm thương hiệu với mã chứng khoán

(ĐTTCO) - Mỗi doanh nghiệp (DN) niêm yết thường có cách ứng xử với mã chứng khoán (MCK) khác nhau, bởi nếu nhìn nhận một cách thấu đáo đây là một tài sản quý giá của DN niêm yết.
Lợi thế lớn
Nếu xét trên phạm vi của sàn chứng khoán, MCK chính là thương hiệu của DN. Thương hiệu tạo ra giá trị, tiền bạc cho DN, MCK cũng như vậy. MCK hay, dễ đọc, dễ nhớ đương nhiên sẽ kéo NĐT, cổ đông đến gần với DN hơn, góp phần tăng giá trị. Năm 2006, khi World Cup (giải bóng đá lớn nhất hành tinh) diễn ra tại Đức, VTC là một trong những nhà đài phát sóng và làm những chương trình liên quan đến giải bóng đá  này một cách tích cực nhất. Khi đó trên sàn cũng có một DN niêm yết với MCK là VTC. 
Thời kỳ “mông muội” của thị trường, nên có NĐT đã nhầm lẫn VTC chính là… đài truyền hình VTC, và lập luận rằng mùa này nhà đài làm ăn được nên… mua CP VTC. Nhưng VTC là MCK của CTCP Viễn thông VTC, chứ không phải của nhà đài. Những suy luận ngược kiểu này chỉ đúng với trường hợp MCK gần như trùng với tên của DN kiểu như FPT, ACV, VCB (Vietcombank), VNM (Vinamilk)… mà số này thì không nhiều. Rõ ràng, những DN kiểu này lên sàn sẽ được lợi gấp nhiều lần vì có sẵn thương hiệu lên sàn còn được quảng bá nhiều hơn, NĐT dễ nhận biết hơn. 
Sau khi niêm yết vào cuối tháng 7-2008, Vinasun (VNS) trở thành đơn vị tiên phong trong việc làm thương hiệu với MCK. Còn nhớ vào thời điểm đó, VNS đã cho dán MCK trên taxi của mình như một cách giới thiệu đến những người chưa biết về VNS, thậm chí cả TTCK. Tất nhiên, một người chưa biết về chứng khoán sẽ tò mò MCK là gì, và biết đâu từ chỗ này mà thị trường có thêm 1 NĐT, còn VNS có thêm 1 cổ đông. Còn đối với cổ đông hay những NĐT đã từng giải ngân vào VNS, khi thấy MCK in trên taxi đương nhiên sẽ có nhiều suy nghĩ tích cực, được “nhắc” khéo về chất lượng của DN mà mình đầu tư. 
Cách làm này của VNS khi đó tạo ra hiệu ứng rất tốt, bởi thời điểm đó VNS “phủ sóng” khắp khu vực TPHCM với lượng xe đông đảo và chất lượng phục vụ rất tốt. Liên tục trang bị xe mới, VNS tại thời điểm đó cũng thiết lập cơ chế phản hồi cho khách hàng khá tốt. Theo đó, nếu tài xế có thái độ không đúng và bị khách hàng phản ánh sẽ lập tức bị phạt. Nhớ lại câu chuyện này, nhiều NĐT lại càng không hiểu nổi vì sao VNS lại để xảy ra sự cố cũng liên quan đến chuyện… dán, mà ở đây là dán biểu ngữ phản đối Uber và Grab.

Chỉ báo hành động
Sau trường hợp của VNS, đến lượt Thế giới di động (MWG) cũng có cách làm tương tự khi bằng nhiều cách thức khác nhau, đã chuyển tải MCK của mình dễ đến hơn với công chúng. Rõ ràng tìm kiếm MCK sao cho phù hợp với TGDĐ là không đơn giản, vì thương hiệu này gồm có 4 chữ, trong khi MCK chỉ là 3 chữ cái, nên thương hiệu nào đọc lên chỉ 3 âm thì phù hợp hơn. MWG có thể hiểu như chữ viết tắt tên tiếng Anh của công ty là Mobile World.
Mặc dù không dán MCK lên xe taxi như VNS năm xưa, nhưng trong các thông điệp của MWG dành cho nội bộ, 3 chữ MWG được sử dụng khá nhiều để chỉ tên công ty nhưng hiệu ứng không phải vì vậy mà ít. Bởi lẽ, không ít CBCNV của MWG cũng chính là cổ đông và số lượng CBCNV của MWG cũng thuộc vào loại đông đảo khi con số tính bằng hàng chục ngàn người. Ngoài ra, MWG cũng lập ra riêng một website cũng có 3 chữ cái trong MCK của mình để cập nhật các thông tin liên quan đến cổ đông. 
Làm thương hiệu với mã chứng khoán ảnh 1 Việc Vinasun đồng loạt dán biểu ngữ phản đối Uber và Grab đã làm hình ảnh thương hiệu giảm. 
Vinasun hay VNS cũng đều hiểu đây là một hãng taxi, đọc TGDĐ hay MWG thì cũng là một công ty. Nói cách khác, nhờ vào MCK, DN thậm chí còn có thêm một thương hiệu, nhờ vậy còn tiếp cận được nhiều hơn với các khách hàng và công chúng. Điển hình như trường hợp của CTCK TPHCM, có người vẫn quen gọi là HSC, MCK lại là HCM. Dù gọi thế nào thì cũng có thể liên tưởng tới CTCK có thị phần số 2 thị trường, có hoạt động phân tích nghiên cứu số 1 thị trường. 
Cũng từ chỗ này mà đã từng có ý kiến cho rằng, tại sao MCK tại Việt Nam chỉ đóng khung trong 3 ký tự hoặc số mà không phải là những con số khác. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, MCK của Apple là AAPL, Microsoft là MSFT… Ở đây, cũng phải làm rõ một điều, MCK chỉ góp phần tác động đến quyết định của NĐT chứ không thể chi phối bởi đơn giản khi NĐT đặt lệnh mua CP họ sẽ phải nghiên cứu công ty làm ăn thế nào, phán đoán khả năng tăng giá ra sao chứ không phải vì MCK “đẹp”, đó là điều chắc chắn. 
Nhưng cũng không vì vậy mà có thể xem thường MCK, bởi đơn giản một MCK xuất hiện lâu trên sàn, người ta từ chỗ phải nhớ, đến khi quen, mà cái gì quen rồi thay đổi thường rất khó, và đôi khi có những nghĩ ngợi không đáng có. Nói như một NĐT kỹ tính, người ta cũng có thể xem cách mà DN ứng xử với MCK của mình để nhìn nhận ra được chiến lược, cũng như hành động của DN đó, chẳng hạn như tôn trọng cổ đông, NĐT như thế nào, hoặc chiến lược niêm yết ra sao…

Các tin khác