Laptop, điện thoại cháy hàng vì nhu cầu học trực tuyến, ngành ICT tăng trưởng bất chấp Covid-19

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đã góp thúc đẩy số hóa và tác động đến hành vi của người dùng. Những thay đổi này trong hành vi của khách hàng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm ngành công nghệ thông tin (ICT).
Các nhà phân phối laptop có vị thế tốt vẫn hưởng lợi, vì nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng.
Các nhà phân phối laptop có vị thế tốt vẫn hưởng lợi, vì nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng.

Theo quan sát của CTCK Bảo Việt (BVSC), những thay đổi trong hành vi của khách hàng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm ICT. Chẳng hạn như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng, cũng như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

BVSC cho biết doanh thu laptop tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua. Động lực tăng trưởng được thúc đẩy bởi môi trường kinh doanh sôi động trước Covid-19, nỗ lực số hóa ngày càng tăng, và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, như chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến.

Thông thường, quý III là mùa cao điểm của máy tính xách tay tại Việt Nam, chủ yếu vào mùa tựu trường. Với tình hình Covid-19 hiện tại, học sinh nhiều tỉnh thành phải học trực tuyến, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối học kỳ I, và nhu cầu về máy tính xách tay theo đó đang bùng nổ.

Chia sẻ từ 2 doanh nghiệp bàn lẻ, là CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) và CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), nhu cầu về laptop trong tháng 8 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này cũng tương đồng với nhà cung cấp. Đơn cử, Acer cho biết doanh thu tháng 8 của hãng đã tăng gấp đôi, và dự kiến sẽ tăng gấp 2-3 lần trong tháng 9.

Tuy nhiên, ở hiện tại, các nhà phân phối laptop đang gặp khó, do nguồn cung hạn chế trước tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới. Đây là nguyên nhân khiến cho MWG và FRT đều đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm laptop, nhất là ở phân khúc giá thấp.

Mặc dù gặp khó khăn về nguồn cung, nhưng theo nhận định của BVSC, các nhà phân phối laptop có vị thế tốt vẫn hưởng lợi, vì nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng (như chi phí chiết khấu, khuyến mại).

Nghiên cứu của CounterPoint, cũng cho biết sản lượng tiêu thụ điện thoại di động của Việt Nam tăng 11% trong quý II vừa qua. Đóng góp phần lớn bởi nhu cầu dồn nén và việc chuyển dịch sang điện thoại thông minh từ điện thoại phổ thông.

BVSC kỳ vọng quý IV sẽ chứng kiến thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam quay trở lại tăng trưởng, như trong nửa đầu năm.

"Thông thường, quý IV là mùa cao điểm của phân khúc này tại Việt Nam, khi các thương hiệu tích cực tung ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tăng của người tiêu dùng", BVSC nhận định.

Việc dần dần mở lại các cửa hàng thực của các nhà bán lẻ lớn trên toàn quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh số phục hồi. Theo quan điểm của BVSC, việc tung ra sản phẩm và nhu cầu phục hồi là điều có lợi cho các nhà phân phối, điển hình là như Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PET) và CTCP Thế giới số (DGW).

Người Việt Nam dành 4,2 giờ trực tuyến cho mục đích cá nhân trong cao điểm giãn cách

Theo thống kê của Google, nền kinh tế Internet ở khu vực Đông Nam Á đã tăng trưởng 5% trong năm 2020, lên 105 tỷ USD, bất chấp những khó khăn từ Covid-19 gây ra.

Google ước tính nền kinh tế Internet của khu vực này có thể tăng gần gấp ba lần, lên 309 tỷ USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng trung bình 24% cho giai đoạn 2020-2025. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng 29%

Giáo dục, tạp hóa và cho vay nằm trong số những ngành hưởng lợi chính, đã thu hút phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số mới ở khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, trước Covid-19, người Việt Nam đã dành 3,1 giờ trực tuyến cho mục đích cá nhân. Và con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ ở cao điểm giãn cách trong năm 2020.

Các tin khác