Lợi nhuận kéo P/E về mức hấp dẫn

(ĐTTCO) - 6 tháng đầu năm 2018, là thời điểm TTCK Việt Nam gây bất ngờ khi trở thành thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới trong quý I, nhưng sau đó giảm mạnh nhất trong quý II. 
Tuy nhiên, đợt điều chỉnh vừa qua đã giúp P/E (giá CP/lợi nhuận của một CP) của TTCK trở về mức hấp dẫn, đặc biệt là sau mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý II của các doanh nghiệp niêm yết.
Cơ hội nhìn từ chỉ số P/E
TTCK đang ở trong giai đoạn có mức rủi ro cao và khó dự đoán, nhưng điều này không có nghĩa không có cơ hội đầu tư vào TTCK. Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), từ đầu tháng 8 đến nay thị trường có những tín hiệu phục hồi, dù vẫn chưa bằng các TTCK của một số nước trong khu vực.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các NĐT cần nhìn được bức tranh tổng thể của kinh tế toàn cầu, nhận diện được những cơn sóng ngầm và tác động lên thị trường tài chính, CK. Thông qua đó, các NĐT có thể chủ động lên kế hoạch phòng thủ nhưng vẫn luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội trên TTCK.
 Tương tự F&B, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng suy giảm trong nửa đầu năm 2018. Thống kê cho thấy, dù doanh thu tăng 3% nhưng chi phí hoạt động tăng khiến lợi nhuận giảm 14% sau 6 tháng đầu năm. 
Theo giới phân tích, cơ hội trên TTCK ở thời điểm hiện nay chính là mức P/E. Có thể lấy dẫn chứng thời điểm VN Index thiết lập đỉnh 1.204 điểm ngày 9-4, khi đó P/E của thị trường đạt mốc 21,6x. Tuy nhiên, sau giai đoạn điều chỉnh giảm và cập nhật kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II, P/E của sàn HOSE đã về mức 17,5x.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), tổng hợp P/E của các thị trường có thể thấy P/E của Việt Nam hiện nay cao hơn một số thị trường phát triển như Hàn Quốc (10,8x), Trung Quốc (13x) hay Singapore (11,4x). Thế nhưng, nếu so với các nước trong khu vực, P/E của Việt Nam tương đương với Thái Lan (16,8x) và thấp hơn một số nước như Philippines (19,4x) hay Indonesia (19,5x). Nếu so với thời điểm 31-12-2017, khi VN Index ở mức 984,24 điểm, P/E thời điểm đó ở mức 19x, hiện nay VN Index ở mức 968,88 điểm (giảm 1,31%) nhưng chỉ số P/E chỉ còn 17,5x (giảm 8,57%). 

Động lực tăng trưởng lợi nhuận
Diễn biến trên có được là nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý II đã tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Tốc độ tăng trưởng nhanh về lợi nhuận là cơ sở để nhìn nhận P/E của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn.
Theo số liệu thống kê từ CTCK KIS Việt Nam (KIS), dù rủi ro riêng của từng ngành đã làm lợi nhuận phân hóa, nhưng các công ty niêm yết hiện vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Trong đó, lĩnh vực ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng nhất là bất động sản với mức tăng trưởng 3 con số và đóng góp lớn nhất thuộc về Vinhomes (VHM). Tuy vậy, nếu loại trừ Vinhomes, Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE), con số tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành đạt mức 41% trong nửa đầu năm 2018. 
Lợi nhuận kéo P/E về mức hấp dẫn ảnh 1 Lĩnh vực ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng 6 tháng đầu năm đa phần thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. 
Cùng với bất động sản, ngân hàng là 1 trong 2 ngành có thể duy trì tăng trưởng KQKD trong quý II vừa qua, nhờ cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), tăng doanh thu dịch vụ và khác (thu hồi nợ xấu đã xóa). Tăng trưởng 50% của nửa đầu năm là mức cao thứ 2 trên thị trường.
Trong khi đó, mảng ngân hàng đầu tư và môi giới CK giảm lợi nhuận 5% do TTCK điều chỉnh giảm mạnh (VN Index từ 1.200 điểm xuống còn 900 điểm). Mảng năng lượng cũng tạo được sự đột phá nhờ giá dầu tăng tăng mạnh trong quý II, lợi nhuận của PVGas (GAS) tăng vọt 71% trong quý II và 42% trong 6 tháng đầu năm.
Một ông lớn khác là Petrolimex (PLX) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 50% nhờ khoản hoàn thuế nhập khẩu bất thường. Tương tự, tiêu thụ điện cao và điều kiện thời tiết La Nina giúp các công ty thủy điện có lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm 2018.
Phía ngược lại, mảng tiêu dùng thiết yếu (F&B) bất ngờ chững lại sau khi tăng tốc khá mạnh trong năm 2017. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong khi ngành công nghiệp sữa giảm 6% so với cùng kỳ, tăng trưởng mảng đồ uống cũng giảm tốc còn 2% trong nửa đầu 2018 so với mức 7% của năm 2017.
Lấy dẫn chứng từ 2 doanh nghiệp đầu ngành là Vinamilk (VNM) và Sabeco (SAB), trong khi doanh thu tăng khiêm tốn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến lợi nhuận theo quý sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm. Tuy vậy, vẫn có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ấn tượng là Masan (MSN) với mức tăng 10 lần trong quý II nhờ việc đánh giá lại tài sản và chi phí bán hàng giảm mạnh. Mức lợi nhuận lớn của MSN giúp ngành tiêu dùng thiết yếu ghi nhận mức tăng trưởng 31% trong quý II và 22% trong 6 tháng đầu năm. 

Các tin khác