Minh bạch dòng tiền vào chứng khoán

(ĐTTCO) - Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành quả ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm thời gian tới để thị trường phát triển hơn.

Được nhiều từ hai bàn tay trắng
Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN đầu tiên - người đặt nền móng cho TTCK thành lập và phát triển - nhớ lại những ngày đầu xây dựng TTCK: “Khó khăn nhiều, từ con người đến vật chất, kinh nghiệm, kiến thức. Chúng tôi đảm nhiệm nhiệm vụ đó từ hai bàn tay trắng. Nhưng với nhiệm vụ được giao và sự quyết tâm, UBCKNN, các thành viên, tổ chức tham gia thị trường, chúng ta đã xây dựng thành công TTCK. Đến nay, TTCK Việt Nam đã gần bắt kịp với TTCK trong khu vực".
Chia sẻ việc xây dựng thị trường trong hoàn cảnh khó khăn vì hiểu thị trường hoàn toàn trên sách vở, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, cho biết đó là thời kỳ đầu, hệ thống ngân hàng, các thị trường tiền tệ chưa thực sự phát triển, mọi người chưa hiểu về TTCK. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn hạn chế, đa phần DN không muốn lên sàn. Khi tạo hàng, các công ty đều từ chối do ngại lên sàn vì phải công bố thông tin. Khi thị trường mở, nhiều người đề xuất phải có bán khống T+0, đòi hỏi thanh khoản cao…
Minh bạch dòng tiền vào chứng khoán ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức đánh cồng tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động TTCK.
 Theo ông Vũ Bằng, với quan điểm phát triển bền vững, an toàn, UBCKNN đã trình rất sớm về tầm nhìn, hướng đi cũng như lộ trình ra đời các loại sản phẩm. Đến nay, TTCK vẫn đang đi đúng hướng, có những bước tiến lớn, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thấp đến cao. Nếu mở được thị trường cho DN khởi nghiệp, TTCK sẽ gần như hoàn thiện. Bởi trình độ, bản lĩnh, sự trưởng thành của nhà đầu tư (NĐT) đã được nâng lên. Trước kia, khi TTCK sụt giảm, NĐT đến trụ sở cơ quan quản lý để phản đối, hiện nay NĐT đã rất bình thản trước sự lên, xuống của thị trường. “Nói thật lòng, tôi rất ngại báo chí. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc với báo chí truyền thông, thấy gần gũi hơn và báo chí đã có đóng góp tích cực cho thị trường” - ông Vũ Bằng chia sẻ thêm.
TTCK phải làm sao để tiếp tục thu hút NĐT bỏ tiền vào, đặc biệt chú ý tính minh bạch bởi đó là niềm tin của công chúng đầu tư. 
NĐT Trần Tiến Dũng (Hà Nội)
Nói về thành quả TTCK mang lại, ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT HOSE, cho biết từ năm 2006 đến nay, tăng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán khá ấn tượng, khoảng 41%/năm, tương đương 5.500 tỷ đồng/năm. “Mỗi lần gặp NĐT nước ngoài, tôi thường nói với họ rằng tăng trưởng của TTCK Việt Nam rất dễ nhớ. Từ 2 cổ phiếu có mặt trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 28-7-2000, đến cuối năm 2005 có 32 cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa <1% GDP. Nhưng chỉ riêng năm 2006, có 74 cổ phiếu lên sàn, tổng giá trị vốn hóa tăng hơn 20 lần, lên gần 14% GDP. Trong 10 năm tiếp theo, đến cuối năm 2016 tổng giá trị vốn hóa tăng 10 lần. Và đến cuối năm 2018 tiếp tục tăng gấp đôi”.

“Đổi dòng” tiết kiệm chuyển sang chứng khoán
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, thị trường muốn tồn tại phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào TTCK. Bởi đây mới là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường. Còn chỉ thu hút NĐT nước ngoài, họ có vào họ cũng sẽ ra, đặc biệt là các quỹ ETF. “Nếu chỉ nói chung chung tính minh bạch rất khó, mà phải xác định được đối tượng cần bảo vệ. Theo đó, những người nào không chủ động được hành vi của mình là những đối tượng cần được bảo vệ nhất. Vì vậy, theo tôi, NĐT là đối tượng cần được bảo vệ nhất trên thị trường” - ông Hưng nói và cho rằng bảo vệ không có nghĩa là dắt tay chỉ việc NĐT, mà đưa ra những chuẩn mực nhất định để áp dụng công bố thông tin minh bạch.
Tham gia giao dịch chứng khoán từ những ngày đầu, coi đầu tư chứng khoán như một nghề là sự lựa chọn đúng đắn, NĐT Trần Tiến Dũng (Hà Nội), nhìn nhận lượng tiền gửi tiết kiệm trong dân còn rất lớn. Ít quốc gia nào có lượng người dân gửi tiết kiệm nhiều khi đã có TTCK như Việt Nam. Trước đó, trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Quách Mạnh Hào, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln (Vương quốc Anh), phân tích hiện Việt Nam đã làm rất tốt việc nâng cao chất lượng nguồn cung khi tiêu chuẩn niêm yết, phát hành hay công bố thông tin ngày càng cao. Mấu chốt vấn đề hiện nằm ở phía cầu, cụ thể là quy mô và chất lượng NĐT. Giải pháp thu hút vốn cho TTCK về lâu dài là chuyển đổi dòng tiền tiết kiệm sang dòng tiền đầu tư, nhưng không biến người tiết kiệm thành NĐT. Việc này có thể làm được bằng cách khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và các công ty quản lý tài sản. 
Theo PGS.TS Quách Mạnh Hào, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu người dân hiểu về tài chính và chính phủ khuyến khích. Các khóa học trang bị kiến thức tài chính là chìa khóa của sự thành công dài hạn. Khi có kiến thức, những người có tiền tiết kiệm hiểu rằng, lựa chọn các sản phẩm được thiết kế bởi quỹ đầu tư sẽ giúp họ đạt được mục đích tài chính đúng nguyện vọng, thay vì tự đầu tư - điều chỉ thích hợp cho những người coi đó là nghề. Về phía quản lý, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách, như tiền đầu tư vào các quỹ hưu trí có thể được giảm trừ thuế, để khuyến khích sử dụng các sản phẩm đầu tư bên cạnh các sản phẩm tiết kiệm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, cho rằng điều quan trọng là tạo dựng được lòng tin của NĐT với cơ quan quản lý. Đây là lòng tin để cơ quan quản lý xây dựng cơ sở pháp lý tốt hơn, tổ chức hệ thống, thanh tra giám sát hiệu quả. Cơ quan quản lý coi việc phát triển NĐT cá nhân cũng quan trọng như phát triển NĐT tổ chức, bởi hiện nay mới có hơn 2,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở, nhưng số lượng giao dịch thực tế ít hơn nhiều. Trong khi đó, dân số Việt Nam đã đạt tới 100 triệu người và số lượng tài khoản tiền gửi tiết kiệm cũng rất lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho rằng TTCK muốn phát triển hơn nữa phải là thị trường của NĐT tổ chức, dẫn dắt thị trường. SCIC mong muốn xây dựng theo hướng thành quỹ đầu tư chính phủ. Trong bối cảnh hậu Covid-19 và yêu cầu về việc không dùng ngân sách để đầu tư vào DNNN, Nhà nước muốn đầu tư phải thông qua quỹ đầu tư chính phủ này. Thí dụ, muốn đầu tư vào Vietnam Airlines chỉ có SCIC mới có thể thực hiện thuận lợi. Nếu dịch Covid-19 kéo dài cần thiết nâng vốn cho SCIC và lập quỹ này, đồng thời có cơ chế cho đầu tư. 

Các tin khác