Minh bạch thông tin TTCK dưới góc nhìn kinh tế học

(ĐTTCO)-Từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ cả về quy mô thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường, thậm chí vượt xa những dự đoán của các cơ quan quản lý nhà nước. 
Minh bạch thông tin TTCK dưới góc nhìn kinh tế học
Bên cạnh những mặt tích cực, các hành vi trục lợi liên quan đến làm giá, thao túng thị trường cũng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường chứng khoán, và đỉnh điểm xảy ra khi Cơ quan công an vừa qua liên tiếp phát hiện và khởi tố các vụ án liên quan đến hành vi này. 
Trên khắp các diễn đàn hay phương tiện truyền thông, báo chí, cụm từ “minh bạch thông tin” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và cũng chưa khi nào các cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ và Quốc hội lại theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường chứng khoán để chỉ đạo như hiện nay. 
Trong “Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” được Chính phủ tổ chức ngày 22-4, chúng ta đã thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ trong việc xây dựng thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển lành mạnh, hướng tới sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. 
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường. Vậy việc minh bạch thông tin tại sao lại có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính? 
Trong lý thuyết kinh tế học, Thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information-AI) là tình trạng trong một giao dịch khi một bên có thông tin đầy đủ hơn và tốt hơn so với các bên còn lại. Khi đó, giá cả giao dịch có thể quá cao và quá thấp so với giá thực tế của thị trường. 
Bất cân xứng thông tin có 3 đặc điểm cơ bản: Có sự khác biệt thông tin giữa các bên; Có trở ngại trong việc truyền đạt thông tin giữa các bên; Một bên có thông tin chính xác hơn bên còn lại.
Theo đó, sự xuất hiện của thông tin bất cân xứng là yếu tố chủ yếu kìm hãm giao dịch và tạo ra rủi ro bất định. Có 2 rủi ro chính trên thị trường tài chính được tạo ra do thông tin bất cân xứng là lựa chọn ngược (Adverse Selection-AS) và rủi ro đạo đức (Moral Hazard – MH). 
Rủi ro thứ nhất, lựa chọn ngược là hệ quả của thông tin bất cân xứng và nó được tạo ra ngay trong quá trình giao dịch, và nếu bất cân xứng thông tin càng lớn thì lựa chọn ngược càng cao. 
Đối với thị trường chứng khoán, trong điều kiện bất cân xứng thông tin thì các nhà đầu tư có thể đẩy thị trường đến một hiện tượng đối nghịch là chứng khoán của các công ty yếu kém được mua, trong khi chứng khoán của các doanh nghiệp tốt bị đẩy khỏi thị trường, thị trường chứng khoán sẽ mất dần tính thanh khoản và hàng hóa chỉ còn lại chứng khoán kém chất lượng. 
Đây là một hiện tượng đã từng xảy ra vào giai đoạn nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhiều cổ phiếu penny, cổ phiếu rác được đẩy giá tăng gấp nhiều lần trong khi hoạt động kinh doanh thì thua lỗ. 
Tại thời điểm đó, mặc dù cũng có nhiều cảnh báo thị trường về “xu hướng lạ” này nhưng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư F0, dường như không thể vượt qua được cám dỗ trước sức tăng nóng của các cổ phiếu nhỏ. Và hậu quả khi “bong bóng” đầu cơ vỡ, nhà đầu tư thiệt hại rất nặng nề và mất niềm tin vào thị trường. 
Rủi ro thứ hai là rủi ro đạo đức, cũng là hệ quả của thông tin bất cân xứng, nhưng khác với lựa chọn ngược, nó được tạo ra sau giao dịch. Hành vi lừa dối, cố tình che dấu thông tin (thiếu đạo đức) sau giao dịch là nguyên nhân tạo ra các hậu quả xấu đối với thị trường. 
Khi các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh, theo quy định doanh nghiệp phải định kỳ cập nhật tình hình sử dụng vốn cho các cơ quan quản lý và cổ đông. Nhưng trong một số trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng vốn khác với mục đích ban đầu và che dấu hành vi này, khiến cho rủi ro mất vốn hoặc không đảm bảo lợi ích cho cổ đông. 
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc cổ đông lớn có thể câu kết với nhau để thao túng hoạt động của công ty, tận dụng lợi thế thông tin nội bộ để liên kết đẩy giá cổ phiếu, tung tin đồn lôi kéo nhà đầu tư ít kinh nghiệm vào mua lại cổ phiếu với giá cao để bán ra trục lợi.
Như vậy, đối với bất kỳ một thị trường nào, khi khả năng tiếp cận thông tin và hạ tầng thông tin yếu kém khi đó thông tin bất cân xứng càng phổ biến và càng trầm trọng hơn. 
Kể cả các thị trường đã phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, hành vi thao túng thị trường do bất cân xứng thông tin vẫn diễn ra. Mặc dù không có cách nào để khắc phục triệt để hiện tượng bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính nhưng cần có giải pháp để khắc phục. 
Trong đó, minh bạch thông tin là chìa khóa để giải quyết vấn đề này nhưng nó cần sự tham gia và trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham thị trường. 

Các tin khác