Muốn nhà đầu tư tốt phải tạo sự khác biệt

(ĐTTCO) - Trong số báo ra ngày 2-11-2017, ĐTTC đã có bài phản ánh thực trạng NĐT chiến lược nước ngoài khó mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nước do những vấn đề liên quan chưa minh bạch, giá chưa theo thị trường, tỷ lệ bán cổ phần thấp… 

Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC đã có trao đổi với ông Adam Sitkoff (ảnh), Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội.

PHÓNG VIÊN: - Từ quan điểm của các NĐT nước ngoài, theo ông Chính phủ Việt Nam cần những thay đổi gì về mặt chính sách để thu hút họ tới Việt Nam? Ông có thể đánh giá tình hình chung về tiến trình cổ phần hóa DNNN hiện nay?
Muốn nhà đầu tư tốt phải tạo sự khác biệt ảnh 1
Ông ADAM SITKOFF: - Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút NĐT nước ngoài. Nhưng Chính phủ có thể làm tốt hơn nữa để thu hút nhiều hơn NĐT, vì hiện nay rất nhiều NĐT tốt trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các NĐT đến từ Hoa Kỳ. Theo đó, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những biện pháp sau. 
Thứ nhất, đang có rất nhiều NĐT mong muốn quá trình ra quyết định của Chính phủ Việt Nam được đẩy nhanh hơn nữa và các quy tắc, quy định được áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên tham gia.
Thứ hai, đối với việc tham gia mua cổ phần của các DNNN cổ phần hóa hay thoái vốn, NĐT cần có một quy trình và thông tin minh bạch để họ biết được chính xác tài sản họ mua như thế nào.
Thứ ba, NĐT muốn thấy quy trình định giá của các DN được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế. Cuối cùng, NĐT muốn nới rộng và hủy bỏ những hạn chế về vốn sở hữu nước ngoài trong các DNNN cổ phần hóa, để họ có quyền tham gia quản trị rộng hơn và tạo được sự phát triển tốt hơn trong DN. 
 Hiện nay trên thế giới nhiều DN từng là DNNN, nhưng họ đã thay đổi, trở nên mạnh mẽ và hoạt động rất cạnh tranh đối với khu vực DN khác. Và chúng tôi - những NĐT chiến lược - khi đến các DNNN cổ phần hóa tại Việt Nam cũng nhằm giúp họ nâng cao tính cạnh tranh và phát triển tốt hơn.
Có rất nhiều điều có thể nói và rất nhiều giải pháp có thể trao đổi, nhưng tôi thấy có những giải pháp đưa ra ngay để chúng tôi tiếp tục trao đổi với các cơ quan nhà nước của Việt Nam, nhằm hoàn thiện quá trình này và giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn. Trong 20 năm trở lại đây, thu nhập của người Việt Nam tăng lên gấp 4 lần. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc loại nhanh nhất khu vực châu Á.
Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ chỗ không có gì nay đã tăng lên 52 tỷ USD mỗi năm và sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để con số này tăng cao hơn nữa. Một trong những cách thức có thể hấp dẫn NĐT là Chính phủ tiếp tục đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của DN để tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn của họ, qua đó tạo điều kiện tốt hơn cho tất cả các bên.
- Thực tế vừa qua việc cổ phần hóa chỉ dừng lại ở việc bán rất thấp  vốn nhà nước và các cổ đông chiến lược đang than phiền về quyền lợi, trách nhiệm của cổ đông lớn trong DN. Vậy đối với các DN nước ngoài có ý kiến gì về quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam, thưa ông?
- Vấn đề chính chúng tôi nhận thấy là NĐT tỏ ý không hài lòng khi họ không có đủ quyền theo số lượng cổ phần mình nắm giữ, nhằm tạo ra những thay đổi cần thiết trong công ty họ đầu tư phát triển một cách đầy đủ.
Thí dụ, tôi được coi là một NĐT chiến lược, nhưng tôi chỉ được mua 5% cổ phần tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy làm sao chúng tôi có thể đưa ra những thay đổi cần thiết cho EVN? Rất nhiều DNNN từ trước đến giờ không sẵn sàng tham gia cạnh tranh trên thị trường như các DN tư nhân. Do đó, quá trình để DNNN sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các DN khác mất rất nhiều thời gian.  
Muốn nhà đầu tư tốt phải tạo sự khác biệt ảnh 2 Nếu chỉ mua được 5% vốn cổ phần tại EVN thì NĐT chiến lược khó có thể thay đổi một diện mạo mới. 
- Các DN Hoa Kỳ có hào hứng về chủ trương cổ phần hóa tại Việt Nam và cơ hội thực hiện khi chủ trương này đang trên đà phát triển mạnh, thưa ông?
- Hoa Kỳ là quốc gia có những NĐT tốt, có nhiều kinh nghiệm và biết cách huy động vốn giỏi trên thế giới. Họ rất quan tâm đến các DNNN cổ phần hóa tại Việt Nam, nhưng cái họ muốn thấy là những thay đổi về chính sách pháp luật và xu hướng phát triển.
Với hầu hết NĐT Hoa Kỳ, nếu họ chưa biết rằng tài sản họ mua như thế nào; giá trị thực tế tài sản đó đem lại cho họ ra sao; mức độ họ có thể kiểm soát tài sản đó và họ có thể đem đến những thay đổi như thế nào đối với tài sản đó, chắc chắn họ sẽ rất khó khăn để đưa ra quyết định đầu tư.
- Giữa định giá, tỷ lệ sở hữu, sự minh bạch thông tin - 3 vướng mắc này đã ảnh hưởng như thế nào đến sự hấp dẫn đầu tư vào thị trường Việt Nam so với cổ phần hóa ở các nước khác trong khu vực, thưa ông?
- Tôi nghĩ các vấn đề trong quá trình cổ phần hóa tương tự nhau, từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia trong lĩnh vực ngân hàng. Cái chính là Chính phủ muốn như thế nào đối với quá trình cổ phần hóa và họ sẽ đặt ưu tiên ở đâu trong việc tìm kiếm NĐT tốt nhất, tìm kiếm nguồn lực lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa. Và quyết định của Chính phủ sẽ tạo ra sự khác biệt.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác