Năm 2019: Ngoại lai gây áp lực nội tại

(ĐTTCO) - Khi  diễn giả hỏi một NĐT tại Hội thảo khách hàng năm 2018 của CTCK Vietcombank (VCBS), rằng  nghĩ gì về triển vọng TTCK năm 2019. NĐT trả lời: Đang lo.

2018: Đỉnh cao và vực sâu
Cuối năm 2017, đa phần  các CTCK đều lạc quan về thị trường năm 2018. Thực ra căn cứ cho sự lạc quan này đều dựa trên tình hình trong nước, như động lực tăng trưởng thị trường đến từ sự quyết liệt thoái vốn, IPO doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cơ hội nâng hạng thị trường và đà tăng trưởng kinh tế. 
Và diễn biến TTCK Việt Nam đã đúng như dự đoán trong 4 tháng đầu năm 2018. Khối lượng giao dịch (KLGD) thị trường tăng cao, tâm lý các NĐT hừng hực trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thuận lợi (GDP quý I đạt 7,45%, dự trữ ngoại hối quốc gia đạt cao kỷ lục, Nhà nước IPO 5 DN lớn…). Dòng tiền liên tục đổ vào thị trường, CP vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường. Ngày 12-4-2018, VN Index tăng mạnh 220,99 điểm, tương đương với 22,36%, từ mốc 984,24 cuối năm 2017 lên mốc 1.204,33 điểm. 
Thế nhưng, gió đã đổi chiều rất nhanh khi áp lực chốt lời xuất hiện, đồng thời khối ngoại bán ròng do lo ngại rủi ro đến từ các thị trường mới nổi dưới sự ảnh hưởng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Chỉ số VN Index đã giảm điểm liên tục, chạm đáy ở mức 893,16 điểm vào ngày 11-7-2018, mất 311,17 điểm so với thời điểm đỉnh vào 12-4-2018, tương đương giảm 34,84%. Thành quả của đa số NĐT có được đầu năm đã cuốn theo chiều gió.
Năm 2019: Ngoại lai gây áp lực nội tại ảnh 1
Từ cuối tháng 10 đến nay, TTCK đã có dấu hiệu được cải thiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung được xoa dịu, nhưng tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Với nhiều NĐT, dù thị trường đã ấm hơn, nhưng danh mục CP có lẽ còn lâu mới về giá mua. Có thể nói các NĐT gần như 1 năm từ đỉnh cao xuống vực sâu với đầy tâm trạng, cảm xúc. Và đứng trước năm 2019, họ vẫn mang tâm lý “chim sợ cành cong”.2019: tăng trưởng và phân hóa
Theo VCBS, TTCK năm 2019 vẫn có khả năng tăng điểm cao, thanh khoản tăng nhưng rủi ro biến động thị trường tương đối lớn, tăng trưởng đi kèm phân hóa. Nhân định về tình hình kinh tế trong nước, VCBS cho rằng, năm 2019 một số chỉ số kinh tế vĩ mô chủ chốt của Việt Nam vẫn tích cực: tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,6-6,8%; tỷ giá kỳ vọng mức giảm giá không quá 3% do cung ngoại tệ được duy trì bởi cán cân thương mại thặng dư; dự kiến dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) vào Việt Nam tăng; kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì mức cao; lãi suất cho vay sẽ khó có thể tăng hơn do định hướng điều hành kiên định của NHNN.
Trong báo cáo nhận định tình hình kinh tế Việt Nam và cơ hội đầu tư năm 2019 vừa phát hành của Quỹ đầu tư VinaCapital, theo đó Chính phủ Việt Nam đang quản lý nền kinh tế một cách hợp lý, lạm phát trong tầm kiểm soát, nội tệ ổn định hơn hầu hết các thị trường mới nổi (EM) trong năm 2018. Dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, giúp ổn định nội tệ và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, cả 2 dự báo của VCBS và VinaCapital đều cho rằng những yếu tố bên ngoài khả năng cao sẽ tác động đến Việt Nam nhiều hơn yếu tố nội tại trong năm 2019.
Yếu tố tác động bên ngoài là chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và các ngân hàng trung ương, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đối sách của Ngân hàng trung ương Trung Quốc trước chính sách của Mỹ, giá hàng hóa tăng, cách tiếp cận của Mỹ đối với Việt Nam…
Trong nước,  kỳ vọng mặt bằng lạm phát cao hơn (4-4,5%) trong bối cảnh mặt bằng giá cả các loại hàng hóa ở mức cao hơn, mức điều chỉnh giá cả các loại hàng hóa dịch vụ công (dù Chính phủ phần nào vẫn có thể kiểm soát); lãi suất nhiều áp lực tăng hơn, cụ thể lãi suất huy động chịu áp lực tăng khoảng 50 điểm cơ bản.
VinaCapital dự báo cho vay ký quỹ sẽ bị hạn chế trong năm 2019, bởi NHNN muốn giảm tăng trưởng tín dụng và lãi suất tăng. Một yếu tố nữa, theo  VinaCapital  là tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phần (EPS) giảm tốc, từ 25% trong năm 2018 xuống còn 12 - 13% trong năm 2019. 

Nhóm ngành tiềm năng 
VCBS cho rằng, năm 2019 các NĐT nên chú ý các nhóm ngành được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, do hàng hóa Trung Quốc không được vào thị trường Mỹ, hoặc sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực; các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2019; một số doanh nghiệp khác có thoái vốn, M&A, điểm rơi lợi nhuận…
Còn theo báo cáo của VinaCapital, một số NĐT dự báo CP vốn hóa tầm trung sẽ diễn biến vượt trội trong năm 2019, sau một năm 2018 đầy thách thức với các CP vốn hóa lớn. NĐT không kỳ vọng CP ngân hàng và bất động sản diễn biến tốt trong năm tới; hoạt động kinh doanh cốt lõi nhiều CP vốn hóa tầm trung của Việt Nam mang tính phòng vệ, bởi những công ty này tập trung vào những khía cạnh quan trọng trong kinh tế thường nhật.
VCBS cung cấp cho khách hàng danh mục CP khuyến nghị cho năm 2019 gồm: ACB, MBB, DHC, HPG, DGC, GAS. Trong đó khuyến nghị mua với 5 CP đầu và nắm giữ với GAS. Các tư vấn của CTCK hay nói câu “Chúc mừng năm mới, happy investing cho các NĐT”. Họ cũng mong năm 2019 happy investing.  Tuy nhiên, tâm lý chung NĐT còn rất thận trọng và nhiều lo lắng với một năm mới còn hiện hữu đầy bất trắc, khó lường.

Các tin khác