Nâng vốn hóa TTCK lên 100% GDP?

(ĐTTCO)-Cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp tư nhân lớn, là những điều kiện tiên quyết để vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể đạt mốc 100% quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020. 
Nâng vốn hóa TTCK lên 100% GDP?
Vốn hóa còn thấp
Thị trường CP Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường/GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo UBCKNN, vốn hóa thị trường/GDP đạt khoảng hơn 80% tại thời điểm cuối tháng 9-2019. Dựa theo giả định kinh tế tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, ước tính vốn hóa thị trường cần tăng ít nhất 35% trong năm 2020 để vốn hóa thị trường/GDP đạt 100%. 
Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng 35% trong 1 năm khó xảy ra. Bởi nhìn lại lịch sử từ năm 2010 đến nay, chỉ duy nhất năm 2017 VN Index tăng bình quân 48%. 2017 cũng là năm vốn hóa thị trường CP có mức tăng trưởng vượt bậc, khi tăng hơn 80% so với cuối năm 2016.
Mức tăng trưởng vốn hóa thị trường CP này nhờ vào hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như VJC (Vietjet Air), HVN (Vietnam Airlines), PLX (Petrolimex), VPB (VPBank) và VRE (Vincom Retail). Hay các thương vụ thoái vốn lớn diễn ra như VNM (Vinamilk) và SAB (Sabeco), với mức tăng lần lượt 66% và 26% so với cuối năm 2016. Thống kê cho thấy, IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm thời điểm năm 2017.

Phải IPO và thoái vốn các ông lớn
TTCK Việt Nam đang ngày càng phát triển và liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế, tuy nhiên hiện tượng 2017 khó lặp lại trong thời gian tới. Trong bối cảnh VN Index khó đạt được mức tăng trưởng 35% như đã nói trên, thoái vốn và IPO là điều kiện tiên quyết để đạt được mốc này.
Danh sách các doanh nghiệp lớn dự kiến IPO và thoái vốn trong năm 2020 gồm Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Petrolimex, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1), Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2), Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).  
Trên thực tế, TTCK Việt Nam vẫn còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Trong đó các yếu tố trong nước như tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2019 cao nhất trong 9 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính trị ổn định nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, các tỷ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp... đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Ở tương lai gần, tăng trưởng kinh tế 2020 được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công. 
Đặc biệt, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng và giải ngân nhanh hơn trong năm 2020, khi Luật Đầu tư công sửa đổi đã được thông qua và có hiệu lực vào đầu năm tới. Ngoài ra, hàng loạt dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc-Nam và sân bay quốc tế Long Thành sẽ được triển khai. 
Nâng vốn hóa TTCK lên 100% GDP? ảnh 1
Kỳ vọng dòng vốn ngoại
Đối với yếu tố nước ngoài, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng trưởng 7,5% trong 8 năm qua, được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang có hoặc sắp ký kết, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Ngoài ra, với lợi thế nhân công rẻ và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam cũng được xem là đích đến của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).
Ở các thị trường phát triển, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) của các nước phát triển đang tăng trở lại kể từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn là TPCP đã dịu dần. Hay nói cách khác, kỳ vọng về rủi ro suy thoái của giới đầu tư đã bắt đầu giảm.
Thêm vào đó, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất từ nay tới cuối năm không cao. Lợi suất TPCP 10 năm của Mỹ có thể biến thiên trong khoảng 1,5-1,8%. Đồng thời, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư CP ở thị trường phát triển, điển hình là Mỹ, không còn dễ dàng khi mức P/E của chỉ số S&P500 đã đạt đỉnh 1 năm. 
Chưa thể khẳng định NĐTNN sẽ ồ ạt đổ tiền vào CP các thị trường mới nhưng TTCK Việt Nam có thể được xem là khá hấp dẫn, khi Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trở ngại lớn nhất đối với NĐTNN hiện nay có lẽ là vấn đề giới hạn sở hữu, khi các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt đã gần hết room. Tuy nhiên, quy tắc ban hành các rổ chỉ số mới đã được đưa ra hơn 2 tháng qua, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều quỹ ETF được ra mắt trong thời gian tới.
Có thể nói, thoái vốn và cổ phần hóa trong năm 2020 sẽ nóng hơn bao giờ hết, tạo cơ hội cho các NĐTNN nắm giữ những CP đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, dầu khí. Trong dài hạn, thị trường có thể kỳ vọng khi Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp phần nào giải quyết vấn đề sở hữu NĐTNN. 
Dù vậy, TTCK vẫn còn nhiều rủi ro đến từ việc lãi suất tiếp tục tăng, đặc biệt lãi suất dài hạn, các quy định về thoái vốn còn nhiều trở ngại và các rủi ro thị trường thế giới không thể kiểm soát như thương chiến Mỹ - Trung, rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến giá dầu… 

Các tin khác