NBB “thoát xác” Carina?

(ĐTTCO) - “Lý sự cùn” là câu cảm thán của nhiều người khi CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) công bố thông tin (CBTT) bất thường rằng chỉ sở hữu vốn góp 95% vào Công ty Hùng Thanh. Và Hùng Thanh có pháp nhân độc lập và là chủ đầu tư duy nhất của dự án chung cư Carina. 

Phủ nhận vai trò chủ đầu tư
3 ngày sau vụ cháy nghiêm trọng chung cư Carina Plaza ở quận 8, TPHCM, NBB chính thức CBTT liên quan tới vụ việc này trên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Theo thông báo này có thể thấy nội dung chính NBB muốn công bố và nhấn mạnh là việc NBB không phải chủ đầu tư dự án Carina Plaza, nơi xảy ra hỏa hoạn làm chết 13 người và hơn 90 người bị thương.
Dường như NBB đang cố tình tạo ra khoảng cách, phủ nhận sự liên quan của mình với chung cư Carina? Thậm chí công ty này còn lưu ý cổ đông về các khái niệm như sở hữu phần vốn góp và sở hữu dự án, chủ đầu tư-sở hữu dự án phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép.
Để CBTT phù hợp, chắc chắn doanh nghiệp niêm yết như NBB phải có sự tham gia từ phía các nhà quản trị và các đơn vị khác như quan hệ cổ đông, pháp chế, đặc biệt trong một thời khắc nhạy cảm như hiện nay sự chuẩn bị trong từng lời nói, câu chữ sẽ phải cân nhắc ở mức độ cao nhất. Ở đây chưa cần mổ xẻ ở góc độ pháp lý và đạo lý, cũng đã thấy NBB đang đi ngược với rất nhiều thông lệ trên TTCK, thị trường BĐS và thậm chí cả tài chính ngân hàng.
Sau khi NBB phủ nhận mình là chủ đầu tư, nhiều người đã cùng chia sẻ các bức ảnh có logo NBB của công ty này trên nóc tòa nhà chung cư Carina. Tất nhiên điều này không khẳng định 100% NBB là chủ đầu tư, nhưng chắc chắn có liên quan đến Carina. Do nắm 95% vốn của Hùng Thanh nên mối quan hệ giữa NBB và Hùng Thanh không đơn thuần là sở hữu kiểu như NĐT mua 10 hay 100 CP trên sàn, mà là công ty mẹ-công ty con.
Trong hạch toán, công ty mẹ được quyền cộng ngang giá trị tài sản, doanh thu… của công ty con trên báo cáo tài chính của mình. Chỉ riêng điều này đã thấy sự liên hệ mật thiết giữa NBB và Hùng Thanh. Thêm nữa, NBB có toàn quyền quyết định chiến lược, bổ nhiệm nhân sự của Hùng Thanh, bởi đây là đặc quyền của công ty mẹ. 
NBB “thoát xác” Carina? ảnh 1 Logo NBB trên nóc chung cư Carina Plaza. 
Cách nói của NBB trong CBTT đang tạo cho nhiều người cảm giác công ty này chỉ sở hữu cổ phần còn lại, không tham gia hoạt động tại Hùng Thanh. Điều này xem chừng ngược đời bởi lẽ rất nhiều công ty, tập đoàn đã phải bỏ ra số tiền lớn, tốn kém thời gian, công sức chỉ để mua bằng được công ty khác, chuyển mối quan hệ thành mẹ-con để thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh.
“Độc lập” như NBB có lẽ đi ngược với quy luật và thông lệ trên TTCK. Thị trường luôn luôn đúng và việc CP NBB giảm sàn tất nhiên phải có lý do. NBB có thể là thương hiệu không mấy nổi bật với công chúng nhưng với dân chứng khoán lại quá quen mặt vì công ty này đã niêm yết từ năm 2009. 

Hỗ trợ Hùng Thanh hậu Carina?
Trong lĩnh vực BĐS, cũng không ai lạ việc các công ty, tập đoàn lập ra các công ty con-cháu, bên dưới để thuận tiện trong việc quản lý, triển khai dự án. Điều này là phù hợp trong trường hợp hoạt động hiệu quả, thông tin minh bạch và hệ thống quản lý tốt. Thực tế, trong lịch sử thị trường BĐS chưa thấy đơn vị nào khi quảng bá dự án, hoặc giới thiệu về công ty lại nhấn mạnh về công ty con, không nói gì đến mẹ, mà ngược lại dù chỉ sở hữu một phần dự án, hoặc chia sẻ dự án với các đối tác khác nhưng vẫn nói rằng “của tôi” hoặc “trong hệ thống tôi”.
Giả sử Carina không xảy ra hỏa hoạn, khi giới thiệu về năng lực đầu tư, thi công, liệu NBB có dám nói rằng chung cư này của Hùng Thanh còn mình chỉ giữ cổ phần của Hùng Thanh? NBB lâu nay cũng không phải là thương hiệu mạnh trên thị trường BĐS, nay lại tự mình tách bạch ra như vậy, xem chừng cũng không phù hợp với xu hướng chung của các doanh nghiệp trong ngành. 
NBB đã khẳng định với số vốn điều lệ chỉ 41,2 tỷ đồng, lại là công ty TNHH để xử lý và khắc phục sự cố vừa qua, Hùng Thanh có khả năng dẫn đến phá sản nên NBB đã hỗ trợ nhân lực, tài lực và vật lực cho Hùng Thanh. Từ đây, cũng có thể dễ dàng đặt câu hỏi vì sao một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 41,2 tỷ đồng, tức số tiền chỉ đủ để mua 10-20 căn chung cư, lại đủ khả năng triển khai một dự án như Carina với hơn 700 căn hộ?
Hùng Thanh lấy đâu ra tiền để sở hữu quỹ đất, quan hệ nào với các nhà đầu tư và huy động vốn từ đâu? Dám chắc rằng khi Hùng Thanh đi vay tiền ngân hàng mà không có giá trị bảo chứng nào, chắc chắn ngân hàng không dám cho vay. Lợi thế Hùng Thanh có được tất nhiên đến từ NBB. Vì vậy, việc NBB tiến hành xử lý, khắc phục những thiệt hại của vụ hỏa hoạn tại Carina là nghĩa vụ bắt buộc, không đơn thuần mang tính “hỗ trợ” hay “giúp đỡ”. 
Như đã nói ban đầu, do là công ty mẹ con nên doanh thu, tài sản của Hùng Thanh là của NBB. Lẽ dĩ nhiên, Carina đã đem lại nguồn thu cho NBB, công ty cũng phải có trách nhiệm trong trường hợp sự cố xảy ra, cũng như việc cung cấp sản phẩm phải có trách nhiệm nếu sản phẩm lỗi, hư hại xảy ra sự cố chết người. Những kiểu lập luận theo kiểu che đậy, phủ nhận trách nhiệm, thiết nghĩ không cần thiết tại thời điểm hiện nay, mà thay vào đó là sự xin lỗi, lắng nghe và hành động cụ thể. 

Các tin khác