Nền tảng trụ cột của Masan: Cà phê

(ĐTTCO) - Sau thành công với sản phẩm bia mang nhãn hiệu “Sư tử Trắng”, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm mảng đồ uống bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần tại CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF). 
Thương vụ thâu tóm này là một trong những dẫn chứng điển hình cho năng lực “gia tăng giá trị cổ đông” của tập đoàn đa ngành này.
Thay áo mới cho VCF
Trong thông báo vừa được MSN công bố, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MB), công ty con của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), chào mua công khai toàn bộ cổ phần của VCF. Mức giá MB dự định chào mua 202.000 đồng/CP nhằm tăng tỷ lệ sở hữu hiện từ 68,5% như hiện nay lên 100%. Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý I-2018 và thực hiện theo sự phê chuẩn của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, HĐQT VCF cũng có nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức với mức 66.000 đồng/CP từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng tính đến ngày 31-12-2017. 
 MB được thành lập năm 2014 sau khi mua lại CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên. Nhãn hiệu bia "Sư Tử Trắng” của MB, dù còn khá mới mẻ nhưng hiện đang “làm mưa làm gió” khu vực ĐBSCL và đang hoạt động với 100% công suất thiết kế. 
Việc mua để tăng tỷ lệ sở hữu của MSN tại VCF dựa trên ý nghĩa chiến lược của ngành cà phê và cơ hội sinh lời cao cho cổ đông trong tương lai. Cụ thể, từ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng cà phê hòa tan và sở hữu các thương hiệu mạnh như Vinacafé, Wake-up, VCF đã mở rộng thành công nhãn hiệu Wake-up 247 (nước tăng lực vị cà phê). Nhãn hàng mới này đã nhanh chóng tạo được vị thế trên thị trường đồ uống và hiện chiếm vị trí thứ 4 với thị phần khoảng 5% trong ngành hàng nước tăng lực tại Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 58,3% trong 9 tháng năm 2017. 
Theo nhận định của Ban điều hành MSN, cà phê và các sản phẩm từ cà phê sẽ là một trong các nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống và tạo ra giá trị gia tăng cao cho ngành cà phê của Việt Nam.
Bằng việc mua thêm khoảng 30% cổ phần của VCF, lợi nhuận của MSN dự kiến sẽ tăng lên do giảm cổ đông thiểu số. Ngoài việc giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận thuần, giao dịch này còn mang lại dòng tiền lớn hơn và tinh giản bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng như cấu trúc tập đoàn, nằm trong mục tiêu giảm tỷ lệ “Nợ/EBITDA” xuống dưới 2 lần trong 3 năm tới. 
Thực tế, với sự tham gia của MSN, VCF đã gần như “lột xác” với sự cải thiện đáng kể về năng lực “gia tăng giá trị cổ đông”. Dưới sự quản lý của MSN, doanh thu của VCF từ 2.115 tỷ đồng vào năm 2012 lên 3.308 tỷ đồng vào năm 2016 (với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép đạt 11,8%), biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 27,6% lên 36,2% theo thời gian tương ứng. Với mức giá chào mua và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt này, tỷ suất sinh lời cho cổ đông trong giai đoạn 2012-2017 từ khi MSN sở hữu cổ phần chi phối là 3,4 lần. Giá mua này tương ứng với mức P/E của VCF dự kiến đạt mức 15x vào năm 2018 và giảm xuống 1 chữ số vào năm 2019.
Nền tảng trụ cột của Masan: Cà phê ảnh 1 Sở hữu toàn bộ VCF, MSN sẽ thay áo mới và gia tăng giá trị cho sản phẩm Vinacafé. 
Tăng lợi nhuận cho cổ đông
Trước khi công bố quyết định mua lại VCF, MSN đã công bố thông tin tích cực cho cổ đông về số lượng CP quỹ đang nắm giữ. Theo đó, MSN đã hoàn tất mua lại 100,6 triệu CP, nâng tổng số lượng CP lên gần 110 triệu CP (tương đương 9,5% vốn điều lệ). Với mức giá bình quân  58.352 đồng/CP số lượng CP quỹ mà MSN vừa mua thêm có tổng giá trị lên đến 5.874 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, MSN chốt ở mức 71.700 đồng/CP. Như vậy, số lượng CP quỹ tập đoàn này đang nắm giữ có giá trị lên đến 7.880 tỷ đồng
Theo Ban điều hành MSN, chương trình mua lại CP quỹ sẽ giúp gia tăng lợi nhuận tương lai cho các cổ đông. Chẳng hạn, Masan Consumer đã hoàn tất chuyển đổi nền tảng vận hành, các sáng kiến và tập trung xây dựng thương hiệu mạnh thay vì đầu tư vào các hoạt động khuyến mại. Mức tồn kho tại hệ thống phân phối đã trở về mức tương đương của năm 2010-2011 và tiềm năng tăng trưởng sẽ đạt mức 2 con số từ quý I-2018. Kết quả kinh doanh quý III-2017 cho thấy, sự phục hồi trong những ngành hàng chủ chốt và kết quả ấn tượng từ các trụ cột tăng trưởng chính như bia, nước tăng lực và các sản phẩm từ thịt. 
Đối với Masan Nutri-Science, do thị trường chăn nuôi heo trải qua đợt khủng hoảng sâu rộng và kéo dài đã khiến cho mảng kinh doanh này gặp nhiều bất lợi trong những tháng đầu năm 2017. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là thịt heo sẽ giúp cân bằng cung cầu và phục hồi thị trường. Ban điều hành có cơ sở để tin rằng lợi nhuận sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2018 do thị phần thức ăn cho heo đã tăng từ 30% lên gần 50% (không kể trại gia công). Đồng thời, MSN tiếp tục tập trung vào việc xây dựng một nền tảng tích hợp chuỗi giá trị thịt và sản phảm từ thịt có thương hiệu, làm động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận xuyên suốt các chu kỳ chăn nuôi.
Các đợt IPO thành công của các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực nhưng cùng định hướng “khách hàng là trọng tâm” như Vietjet, VPBank, Vincom Retail và Jardine Matheson đầu tư vào Vinamilk cho thấy tiềm năng tăng trưởng cao về giá trị của những doanh nghiệp đầu ngành, năng lực hợp nhất thị trường và cơ sở khách hàng, người tiêu dùng rộng khắp. Là công ty dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực thực phẩm và đồ uống với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2020, MSN tin tưởng sẽ mang lại tăng trưởng, lợi nhuận và giá trị cao cho các cổ đông. Việc mua lại CP sẽ mang lại sự linh hoạt cho kế hoạch huy động vốn tăng trưởng trong khi hạn chế tối đa việc pha loãng CP của các cổ đông hiện hữu.

Các tin khác