Ngành thủy sản khó kỳ vọng trong ngắn hạn

(ĐTTCO) - Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 788 triệu USD, được thúc đẩy bởi nhu cầu phục hồi của Mỹ đối với dịch vụ ăn uống sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sản lượng xuất khẩu cá tra đã trở lại mức trước Covid-19, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 60%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 13% so với cùng kỳ (đạt 1,7 tỷ USD) do nhu cầu tăng ở các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 60% trong 6 tháng đầu năm. 
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi nhờ thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt áp lực từ sự gia tăng hàng loạt chi phí như: giá điện, giá bao bì, chi phí logistics, cước vận tải biển. Chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến mức tăng lợi nhuận ròng thấp hơn doanh thu ở một số công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và EU, như: CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI). Ngay như VHC cũng chịu áp lực do chi phí bán hàng tăng mạnh gần 154% so với cùng kỳ lên mức gần 190 tỷ đồng trong 6 tháng năm nay. 
Từ nửa sau 2021, doanh nghiệp thủy sản gần đây chịu thêm áp lực do các biện pháp giãn cách xã hội có hiệu lực vào ngày 19-7. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất từ 50-60%, do số lượng lao động chỉ bằng 30-50% so với giai đoạn bình thường. Như VHC, doanh nghiệp rất khó có thể duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" vì không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, dù thực hiện tốt “3 tại chỗ” thì nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng bị “vạ lây” do phụ thuộc vào chính sách chống dịch cực đoan địa phương. Đơn cử là quyết định tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” của UBND tỉnh Tiền Giang trong tháng 7. Điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh điêu đứng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã giúp cho nhiều trong nhóm CP thủy sản lên đỉnh nhờ đợt sóng tăng trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7. Thế nhưng, sóng tăng này đã chóng tan sau khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát trên cả nước. Đơn cử là VHC có đợt rớt giá, từ mức giá 47.000 đồng/CP xuống chỉ còn 37.000 đồng/CP (tương đương 20%). Các mã thủy sản còn lại cũng rớt giá mạnh trong đợt bán tháo của NĐT do lo ngại về tác động của Covid-19 như: IDI (giảm 18%), ANV (giảm 26%), MPC (giảm 13%).
Khi các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình cảnh nguy cấp thì “nút thắt” bất ngờ được tháo gỡ.  Đó là việc các tỉnh phía Nam bắt đầu nới lỏng các chính sách giãn cách trong tháng 9 và đặc biệt là TPHCM quyết định mở cửa nền kinh tế sau ngày 30-9. Thông tin này đã giúp cho nhóm CP thủy sản thu hút được dòng tiền và bật tăng trở lại trong thời gian gần. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về sự hồi phục của ngành khi hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết.
Lấy dẫn chứng về mặt hàng tôm, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thủy sản, từ đầu tháng 7, các cơ sở chủ động giảm sản lượng từ 30-40%, đến giữa tháng 8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Tiêu thụ khó do mùa dịch nên người nuôi sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Thông thường quý IV là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. 
Đối với mặt hàng cá tra, đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khôi phục được hoạt động sản xuất. Xuất khẩu cá tra dự kiến "bình thường" trở lại vào tháng 11 hoặc tháng 12, nhưng cũng có thể bước sang năm 2022, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát Covid-19. Thậm chí, các doanh nghiệp đứng trước khả năng thiếu hụt nguyên liệu kích cỡ 0,8-1kg (size để philê và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU) trong năm 2022.

Các tin khác