Nghịch lý dòng vốn trên sàn chứng khoán (Kỳ 1): Nội thiếu vốn, ngoại sẵn sàng

(ĐTTCO) - Mục đích quan trọng nhất của doanh nghiệp khi niêm yết là huy động vốn rẻ trên TTCK. Song cho đến nay dù quy mô vốn hóa trên TTCK đã vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, nhưng đây chưa thật sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn, các doanh nghiệp vẫn đưa vào kênh vốn ngân hàng là chính. Và nói như Thủ tướng Vương Đình Huệ “Ngân hàng hiện nay đang gánh quá sức”. Trong khi đó, các quỹ đầu tư ngoại với nguồn vốn hàng tỷ USD muốn đổ vào TTCK cũng không biết mua gì.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, nhờ những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải niêm yết CP sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp niêm yết khiến huy động vốn gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả doanh nghiệp lớn cũng thất bại trong các đợt phát hành CP tăng vốn.  
Ngày càng khó huy động vốn
Đầu tháng 10-2018, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) có công văn giải trình UBCKNN việc thực hiện phát hành CP để trả cổ tức với tỷ lệ 7%, đó là lùi thời gian thực hiện kế hoạch phát hành CP để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 67% theo kế hoạch đã đề ra trước đó.
 Ở các quốc gia phát triển, tiền tiết kiệm của cá nhân để đầu tư rất lớn, nên họ xây dựng cơ chế để TTCK phát triển song song với kênh ngân hàng. Trong khi đó, tại Việt Nam, NĐT mới nhìn nhận TTCK là nơi mua bán kiếm lợi nhuận, không phải là kênh giữ tiền. Đây là lý do tại sao thời gian qua TTCK vẫn chưa phải là kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng, 
Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI)
Theo kế hoạch, tổng số lượng CP SCR dự kiến phát hành 234,6 triệu CP với mệnh giá 10.000 đồng/CP, trong đó 212 triệu CP phát hành cho cổ đông hiện hữu, hơn 22 triệu CP để chi trả cổ tức với tổng giá trị phát hành dự kiến 2.346 tỷ đồng. 
Theo giải trình của SCR, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, có thể ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam nói chung và kế hoạch chào bán CP cho cổ đông hiện hữu của SCR nói riêng.
HĐQT SCR xét thấy thời điểm hiện tại chưa thích hợp thực hiện kế hoạch phát hành CP để chào bán cho cổ đông hiện hữu, nên quyết định hoãn phát hành. Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư, việc hoãn phát hành cho cổ đông hiện hữu của SCR được cho do giá CP đang giao dịch dưới mức giá dự kiến phát hành. 
Nếu kế hoạch phát hành CP của SCR gặp khó vì chênh lệch giữa giá phát hành và thị giá, thì thất bại của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN) đến từ những đánh giá không mấy khả quan kết quả về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Cụ thể, giữa năm 2018, HVN có kế hoạch phát hành hơn 191,19 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Theo phương án phát hành này, Bộ Giao thông Vận tải (hiện đang nắm hơn 86% vốn tại HVN) sẽ được phân bổ hơn hơn 1 tỷ quyền mua, và quyết định đưa hơn 371 triệu quyền mua ra bán đấu giá với giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền.
Tuy nhiên, hết thời gian đăng ký, chỉ 10 NĐT cá nhân đăng ký mua 272.000 quyền mua. Với giá đấu thành công bình quân bằng giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua, tổng giá trị quyền mua bán được chỉ vỏn vẹn 1,58 tỷ đồng.
Những đợt phát hành CP điển hình bất thành nói trên khiến các doanh nghiệp có CP đang giao dịch trên mệnh giá phải chuẩn bị những phương án nếu kế hoạch thất bại. Đơn cử là trường hợp CTCP City Auto (CTF).
Theo kế hoạch, doanh nghiệp này chào bán 21,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Dù giá phát hành chỉ bằng một nửa thị giá, nhưng nếu không phát hành thành công để thu được số tiền 216 tỷ đồng như dự tính, CTF sẽ đàm phán với các ngân hàng/tổ chức tín dụng bù đắp thêm vốn cho nhu cầu đầu tư.

Huy động được hiệu quả chưa cao
Năm 2018, TTCK Việt Nam là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Theo đó, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 278.000 tỷ đồng (tăng 14%), trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu, doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.
 Khi TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, có thể sẽ hút thêm trên 1,2 tỷ USD từ các quỹ hiện đang giao dịch dựa theo 2 chỉ số FTSE và MSCI. Bên cạnh các quỹ chỉ số đang đầu tư theo 2 chỉ số này, việc nâng hạng còn giúp thị trường Việt Nam thu hút thêm được nhiều NĐTNN và quỹ đầu tư mới.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng đạt 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP, trong khi quy mô thị TTCK hiện tại mới chỉ ở mức 3 triệu tỷ đồng. Dù thua kém xa so với hệ thống ngân hàng, nhưng 3 triệu tỷ đồng là con số không hề nhỏ trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang khát vốn giá rẻ hiện nay. 
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào huy động vốn thành công trên TTCK cũng đưa vốn vào sản xuất như cam kết trước đó. Nhiều doanh nghiệp sau khi huy động vốn thành công, đã mạnh tay chi tiền cho các hoạt động đầu tư ngoài ngành, mua CP quỹ, thậm chí mang tiền đi cho vay. Điều này cho thấy 3 triệu tỷ đồng này không hoàn toàn là con số thực, bởi nó không được đưa vào sản xuất trực tiếp. 
Ngay với trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2018 các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, nhưng bên mua phần lớn là các tổ chức tài chính và ngân hàng, trong khi NĐT lại không mấy mặn mà.
Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều là những doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ khả năng để phát hành trái phiếu, nên vẫn phải chọn giải pháp vay ngân hàng với lãi suất cao. Hiện tượng này càng minh chứng TTCK chưa thật sự là kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nghịch lý dòng vốn trên sàn chứng khoán (Kỳ 1): Nội thiếu vốn, ngoại sẵn sàng ảnh 1
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sẽ tiếp tục tái cơ cấu toàn diện TTCK đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng; phấn đấu quy mô thị trường CP đến năm 2020 đạt 100% GDP. Tuy nhiên, với cách thức hoạt động trên TTCK như hiện nay, việc huy động vốn trên sàn của doanh nghiệp niêm yết vẫn rất gian nan, và “bà đỡ” vẫn tiếp tục là ngân hàng.Chưa sẵn sàng đón vốn ngoại
TTCK đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) sau khi được nâng hạng. Tuy nhiên, hàng hóa trên sàn ở thời điểm hiện tại vẫn chưa sẵn sàng đón nhận làn sớng đầu tư này.
Theo thống kê của CTCK Bảo Việt (BVSC), hiện có khoảng 27 quỹ ETF đang đầu tư thụ động dựa theo chỉ số FTSE Emerging Markets, với tổng số vốn hóa lên tới 76,4 tỷ USD. Torng đó, quỹ ETF lớn nhất là Vanguard FTSE Emerging Markets, với vốn hóa lên tới 61,19 tỷ USD.
Trường hợp Việt Nam được FTSE (chỉ số CP của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên Sở Giao dịch CK London) xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 3-2020, sau khi Luật CK sửa đổi được thông qua trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, ước tính sẽ có ít nhất 375,34 triệu USD vốn đầu tư thụ động từ các quỹ ETF được rót vào TTCK Việt Nam trong các kỳ các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục.
Song song đó, cũng có khoảng 94 quỹ ETF đang tiến hành đầu tư thụ động dựa theo chỉ số MSCI Emerging Markets, với tổng số vốn hóa thị trường lên đến 200,26 tỷ USD. Quỹ iShare Core Emerging Markets ETF là quỹ lớn nhất, với vốn hóa lên tới 57,73 tỷ USD. Nếu chính thức được MSCI (công ty cung cấp chỉ số trên TTCK toàn cầu) nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, thì TTCK Việt Nam sẽ đón nhận khoảng 857,76 triệu USD dòng vốn thụ động.
Song điểm chung của các quỹ đầu tư ngoại này là thường lựa chọn những doanh nghiệp niêm yết hội đủ những yếu tố về vốn hóa, thanh khoản, room NĐTNN và tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng. Hiện tại, dù số lượng doanh nghiệp niêm yết đã vượt mốc 1.000, nhưng số mã CP thõa mãn những điểu kiện này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như: VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail), VNM (Vinamilk), VCB (Vietcombank), SAB (Sabeco), VJC (Vietjet Air) hay BVH (Bảo Việt).
Thế nhưng, ngay những mã CP trên dù có mặt trong rổ chỉ số của các quỹ ETF nội và ngoại đang hoạt động, nhưng nếu so với tiêu chuẩn của các quỹ đầu tư sắp đổ bộ vào Việt Nam thì vẫn còn 1 số chỉ tiêu chưa đạt. Đơn cử như BVH hay VHM vẫn chưa đạt đủ điều kiện về thanh khoản. 
Ngoài những mã CP trên, các doanh nghiệp đầu ngành như ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí, tiêu dùng cũng sẽ là đối tượng được dự báo là sẽ thu hút được làn sóng ngoại. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trong nhóm ngành này có điểm chung là tỷ lệ sở hữu nhà nước còn quá lớn, nên lượng CP được giao dịch trên thị trường rất ít. Điều này gây khó khăn cho các quỹ đầu tư muốn sở hữu CP với số lượng lớn. 
Một yếu tố khiến dòng vốn ngoại bị nghẽn là room cho NĐTNN bị hạn chế. Theo quy định, room cho khối ngoại đã mở đến 100%, nhưng một số ngành nghề có điều kiện thì vẫn còn bị giới hạn, như ngân hàng vẫn còn giới hạn ở mức 30%. Hiện tại, dù quy định đã mở nhưng số doanh nghiệp quyết định thực hiện các thủ tục pháp lý để đi đến việc nới room lên 100% chỉ dừng ở mức trên dưới 20 doanh nghiệp; 8/30 mã CP trong nhóm VN30 và 9/16 ngân hàng niêm yết đã kín room ngoại.

Các tin khác