Nhộn nhịp 'đánh sóng' cổ phiếu ngành

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong giai đoạn khá kỳ lạ, khi nhà đầu tư (NĐT) không băn khoăn nhiều về xu hướng tăng hay giảm. Nếu như đầu tư CK là để kiếm lời, thì ngay cả khi thị trường lặng lẽ đi ngang như lúc này, NĐT vẫn hết sức bận rộn với đủ loại “sóng cổ phiếu (CP) ngành”.
Lựa chọn CP theo nhóm ngành là chiến lược đầu tư đã có từ lâu, và thu hút chú ý như gần đây.
Lựa chọn CP theo nhóm ngành là chiến lược đầu tư đã có từ lâu, và thu hút chú ý như gần đây.
“Bùng cháy” như sóng CP dầu khí
Các “room phím hàng” trong vài tuần qua nhộn nhịp hoạt động. Vẫn là những bộ “ba chữ cái” (mã CP) truyền tay nhau, nhưng lần này khác. “Từ khóa” phải là một ngành sản xuất kinh doanh nào đó đang nổi, thậm chí sóng ngành này đè sóng ngành khác.
Năm 2020 thị trường đã từng chứng kiến “sóng CP chăn nuôi”, “sóng tái cơ cấu nợ”, thì gần đây là “sóng CP phân bón”, “sóng CP thép”, “sóng CP dầu khí”, “sóng CP đầu tư công”...
Nổi nhất những ngày qua hẳn NĐT không ai không biết đến CP dầu khí. Truyền thông khắp thế giới đang ồn ào câu chuyện giá dầu tăng phi mã, khủng hoảng năng lượng từ châu Âu tới Trung Quốc. Giá dầu Brent từ tuần cuối tháng 8 đến nay tăng khoảng 27%, còn từ đầu năm 2021 đã tăng gần 62%.
CP của doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, vận tải, truyền tải, thương mại... dầu khí đều tăng giá vùn vụt. Ở Việt Nam, CP dầu khí chỉ mới nổi lên từ cuối tháng 9 vừa qua, dù giá dầu thế giới trong xu hướng tăng từ trước đó rất lâu.
GAS là CP được chú ý nhiều nhất trong lĩnh vực này vì hưởng lợi lớn từ giá khí hóa lỏng (LPG) tăng cao, do GAS có tham gia sản xuất và chiếm khoảng 70% thị phần LPG toàn quốc.
Kể từ đầu tháng 9 tới ngày 6-10, giá GAS đã tăng khoảng 28,1%. Định giá GAS trong một báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán lớn hôm 6-10 vừa qua đặt mục tiêu cuối năm 2021, tỷ lệ P/E của GAS khoảng 23 lần và giá đâu đó 118.500 đồng, thì đà tăng dốc đứng trong hơn 2 tuần đã đưa giá lên trên 113.000 đồng. 
Mức tăng của GAS thực tế kém xa nhiều CP dầu khí nhỏ hơn: ASP, CP vốn hóa chỉ hơn 612 tỷ đồng, đã tăng 126% kể từ đầu tháng 9;  PGC vốn hóa hơn 1.850 tỷ đồng, giá tăng hơn 53%; TDG, một công ty buôn bán gas vốn hóa chưa tới 150 tỷ đồng, giá cũng kịp tăng 78%; PVG, vốn hóa chưa tới 700 tỷ đồng, giá tăng 110%; hay MTG, một công ty thương mại “nhỏ xíu” cũng tăng giá CP 170%...
 Yếu tố đầu cơ dĩ nhiên xuất hiện khá đậm nét trong các con sóng CP ngành, nhưng vẫn luôn song hành các yếu tố hỗ trợ mang tính cơ bản. Giá dầu và khí tăng mạnh trên thế giới tất yếu dẫn tới suy luận thông thường là các công ty hoạt động trong lĩnh vực này hưởng lợi. Điều khó biết chính xác là doanh nghiệp sẽ hưởng lợi như thế nào và các con số lợi nhuận sẽ tăng trưởng ra sao.
Nói cách khác, yếu tố định lượng về cái gọi là “hưởng lợi” thì không phải NĐT nào cũng nắm được. Tuy vậy trong bối cảnh dòng tiền đầu cơ chấp nhận rủi ro rất cao, thì điều duy nhất dòng tiền này cần là một lý do hợp lý để “xuống tiền”.

Phong cách đầu cơ mới?
Lựa chọn CP theo nhóm ngành là chiến lược đầu tư đã có từ lâu, nhưng không rõ ràng và thu hút chú ý như gần đây, một phần do dòng tiền mới vào thị trường ở quy mô rất lớn.
Nhộn nhịp 'đánh sóng' cổ phiếu ngành ảnh 1 So sánh lợi nhuận của VN Index từ đầu tháng 8-2021 đến nay chỉ đạt 3,7%, nhưng hàng loạt CP có “dính dáng” đến lĩnh vực dầu khí đều tăng rất ấn tượng.
Thanh khoản trước năm 2020 khá nhỏ khiến sự dịch chuyển dòng tiền khó nhận biết hơn và cũng không tạo được các trào lưu sôi động. Việc có hàng triệu NĐT mới tham gia thị trường cũng đồng nghĩa một phần rất lớn làm gia tăng quy mô các “room”, “tổ”, “nhóm” bàn luận về CP trên các mạng xã hội. Sự lan truyền gia tăng theo cấp số nhân tạo ra một tác động rõ nét hơn hẳn.
Xu hướng đầu tư theo ngành cũng được khuyến khích trong đại dịch Covid-19 khi nhóm CP dược phẩm bùng nổ một cách rõ ràng và dễ nhận biết.
Truyền thông cũng làm đậm nét hơn các mạch thông tin chủ đạo liên quan đến các lĩnh vực kinh tế như giá thép thế giới tăng cao dẫn tới làn sóng đầu cơ CP thép; cơn sốt thịt lợn thổi bùng làn sóng đầu cơ CP chăn nuôi; “bão giá phân bón” giúp tăng nhiệt nhóm CP của các công ty sản xuất và phân phối sản phẩm này; dứt gãy chuỗi cung ứng khiến CP logistics “nhấp nhổm”; áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong nước mỗi khi được tô đậm cũng khiến CP xây dựng hạ tầng “rục rịch” tăng...
Về mặt tích cực, diễn biến này thể hiện sự hiệu quả hơn trên TTCK khi các thông tin vĩ mô, vi mô được giới đầu tư quan tâm và phân tích nhanh nhạy. Đây là tín hiệu về một sự trưởng thành của thị trường nói chung. Tuy nhiên mặt tiêu cực là sự đồn thổi quá mức, lợi dụng các “room phím hàng” cũng biến hoạt động đầu tư dựa trên yếu tố cơ bản thành một trào lưu đầu cơ thuần túy.
Một thực tế là bất kỳ con sóng nhóm ngành nào cũng đều xuất phát từ yếu tố hỗ trợ mang tính cơ bản. Đám đông luôn cần một lý do hợp lý để định hướng suy nghĩ chung, mà ngôn ngữ trong giới đầu tư gọi là “đồng thuận”.
Tuy nhiên khi vượt quá xa khỏi hoạt động đầu tư thì phần còn lại chính là hiệu ứng của đầu cơ đám đông. Những doanh nghiệp không rõ “dính dáng” tới đâu trong một nhóm ngành đang là mốt cũng có thể tăng giá CP phi mã. Các yếu tố cơ bản trong tương lai là một con số mơ hồ mà không ít lần, con số chính thức đã lộ diện một “quả lừa”. 
Hiện tượng “sóng nhóm ngành” như đang diễn ra cũng không phải là chiến lược đầu tư theo ngành kinh tế thật sự (sector rotation), với bản chất là dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành ở các giai đoạn vận động khác nhau của nền kinh tế.
Những cơn bùng phát giá CP trong nhóm ngành nhờ một thông tin hay một trào lưu mang tính thời điểm vẫn chỉ là đầu cơ thông thường. Khi trào lưu đó hết mốt, thông tin trở nên nhàm chán, đà tăng giá CP cũng sẽ lụi tàn.

Các tin khác