Những cổ phiếu một thời…: DQC - Toan tính không trong sáng

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bóng đèn, nhưng do những toan tính không trong sáng của cổ đông nội bộ, khiến CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) rơi vào tình cảnh khó khăn.

Dây chuyền sản xuất Led theo công nghệ Nhật Bản của Điện Quang.
Dây chuyền sản xuất Led theo công nghệ Nhật Bản của Điện Quang.
Doanh nghiệp đầu ngành
Thương hiệu "Bóng đèn Điện Quang" ra đời năm 1979 với tên gọi Nhà máy Bóng đèn Điện Quang, trên cơ sở tiếp quản dây chuyền thiết bị và cơ sở sản xuất do chế độ cũ để lại. Năm 1989, nhà máy đổi thành Xí nghiệp liên hiệp Bóng đèn Điện Quang, hoạt động sản xuất kinh doanh độc lập. Năm 1991, Bộ Công nghiệp đổi tên thành Công ty Bóng đèn Điện Quang, hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2005, DQC chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP với số vốn điều lệ đăng ký lần đầu 23,5 tỷ đồng, sau đó nâng lên 157 tỷ đồng năm 2007. 
DQC là 1 trong 2 nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về các thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, bên cạnh CTCP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (RAL). Với thương hiệu được xây dựng trong hơn 40 năm, các sản phẩm đèn Led, đèn compact, bóng đèn và thiết bị điện của DQC được người tiêu dùng trong nước biết đến rộng rãi, đặc biệt tại thị trường miền Nam.
Bắt đầu từ năm 2013, DQC sản xuất và kinh doanh rộng rãi các sản phẩm đèn Led. Trong chuỗi giá trị về đèn Led, DQC thực hiện phần trung và hạ nguồn: nhập chip Led rồi tiến hành dán chip, lắp ráp và thiết kế đèn. Ngoại trừ chip Led phải nhập khẩu, hầu hết linh kiện công ty đều tự sản xuất nên tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%. 
Không chỉ tiên phong trong việc đổi mới công nghệ, DQC còn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên TTCK. Ngày 21-2-2008, DQC chính thức giao dịch trên HOSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 232.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do lên sàn trong thời điểm TTCK không thuận lợi, DQC nhanh chóng điều chỉnh và giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng/CP sau phiên giao dịch ngày 25-3-2008.

Ma trận sở hữu
Dù vậy, cơ cấu cổ đông của DQC tương đối phức tạp. Cụ thể, chỉ trong khoảng 2 năm sau cổ phần hóa, DQC đã tăng vốn lên hơn 6 lần, chủ yếu qua chi trả cổ tức bằng CP cho cổ đông hiện hữu. Theo bản cáo bạch niêm yết của DQC, tại thời điểm tháng 11-2007, bà Hồ Thị Kim Thoa (lúc đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) cùng 3 thành viên trong gia đình gồm bà Trần Thị Xuân Mỹ (mẹ), ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai) và bà Nguyễn Thái Nga (con gái), nắm giữ khoảng 2,12 triệu cổ phần tại DQC (tương đương tỷ lệ sở hữu 13,5%). Đến tháng 1-2013, báo cáo quản trị năm 2012 của DQC cho biết, tổng lượng CP DQC 4 người này đạt hơn 5,4 triệu cổ phần vào thời điểm cuối năm 2012 (tương đương 22,3% vốn điều lệ).
Cũng trong năm 2012, thêm 1 thành viên của gia đình là bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (con gái) có tên trong danh sách cổ đông của DQC và CTCP Đầu tư thương mại Điện Quang. Nếu tính thêm ông Hồ Đức Dũng (cháu ruột), gia đình bà Thoa sở hữu khoảng 33,3% DQC vào cuối năm 2013. Giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ sở hữu của gia đình bà Thoa tại DQC còn gia tăng đáng kể sau các giao dịch mua vào và hưởng cổ tức bằng CP. Đến cuối năm 2016, số lượng CP của 6 cá nhân và 1 tổ chức liên quan, gia đình bà Thoa sở hữu hơn 14,22 triệu DQC (tương đương 41,4% vốn điều lệ).
Đến thời điểm hiện tại, dù bà Thoa gần như đã thoái sạch vốn, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn nắm giữ 11,69 triệu cổ phần tại DQC (tương đương 42,4% tổng lượng CP lưu hành). Cụ thể, 2 em trai của bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và ông Hồ Đức Lam lần lượt sở hữu 2,51 triệu cổ phần (tương đương 9,14%) và 1,65 triệu cổ phần (tương đương 6,01%).
2 con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga (thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc) và Nguyễn Thái Quỳnh Lê (Giám đốc điều hành khối) nắm giữ tổng cộng 6,35 triệu cổ phần (tương đương 23,06%). Ngoài ra, mẹ ruột của bà Thoa đang sở hữu hơn 1,22 triệu cổ phần (tương đương 4,43%). 
Với mức giá hiện tại 16.000 đồng/CP, giá trị số cổ phần do gia đình bà Thoa đang nắm giữ ước đạt 190 tỷ đồng. Cũng nhờ số cổ phần này, mỗi năm gia đình bà Thoa thu về hàng chục tỷ đồng từ hoạt động chi trả cổ tức. Đáng chú ý, kể từ khi lên sàn đến nay DQC thường xuyên chi trả cổ tức ở mức cao (25-30%), dù tình hình sản xuất kinh doanh nhiều thời điểm không như mong đợi.

Dấu hiệu hụt hơi
Tại ĐHCĐ thường niên 2020, HĐQT của DQC nhận rất nhiều chất vấn của cổ đông về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng (tương đương năm 2018 là 1.160 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận lại điều chỉnh mạnh từ 150 tỷ đồng xuống chỉ còn 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cổ đông của DQC chỉ thật sự bị sốc khi HĐQT công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với 2 kịch bản lãi 1,8 tỷ đồng và lỗ 9,6 tỷ đồng? Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, trong xu thế phát triển của chiếu sáng Led, HĐQT DQC đã dự báo mức độ cạnh tranh rất lớn do rào cản kỹ thuật và thuế quan. Vì vậy, dù doanh thu đèn Led vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận giảm do cạnh tranh về giá.
Chia sẻ của ông Hưng không nhận được sự cảm thông từ cổ đông của DQC, bởi vấn đề cạnh tranh này được cảnh báo từ năm 2016, nhưng đến nay DQC mới đưa ra giải pháp cụ thể. Trước đó, giới đầu tư đã nhận định thị trường xuất khẩu của DQC đã cho thấy những dấu hiệu hụt hơi. Dù doanh thu xuất khẩu tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2015, nhưng phần lớn đến từ việc công ty thanh lý lô hàng Compact tồn từ 2007.
Giá vốn thấp của lô hàng là một trong những nguyên nhân chính cho việc biên lợi nhuận của DQC trong giai đoạn này có sự đột phá rõ rệt. Thế nhưng, từ 2016 khi không còn đóng góp của lô hàng trên, những khó khăn trên thị trường xuất khẩu mới hiện rõ. DQC không cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc, vốn có giá thành sản phẩm thấp hơn nhờ năng lực sản xuất quy mô lớn và tính chuyên môn hóa cao. 
 Ghi nhận kết quả kinh doanh thất vọng nhưng HĐQT của DQC vẫn quyết định chi trả cổ tức năm 2019 là 10%, tương đương 25,5 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được giữ lại chỉ còn 1,6 tỷ đồng.

Các tin khác