Những cổ phiếu một thời…: GTT Sụp đổ vì tham vọng

(ĐTTCO) - Với tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành, CTCP Tập đoàn Thuận Thảo (GTT) lên sàn HOSE với mục đích huy động vốn để hiện thực hóa mục tiêu. Tuy nhiên, tham vọng nhanh chóng sụp đổ cùng với những dự án đầu tư kém hiệu quả, giá CP GTT cũng lao dốc không phanh và hiện đang là mã CP có giá thấp nhất trên TTCK. 

“Bông hồng Vàng”
Tiền thân của GTT là doanh nghiệp làm đại lý phân phối hàng hóa cho các công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên. Năm 2009, GTT chuyển đổi thành CTCP, với vốn điều lệ 290 tỷ đồng và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, như vận tải hành khách chất lượng cao, taxi; dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà hàng, tổ chức sự kiện; dịch vụ tư vấn và môi giới bất động sản; sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai.
Người sáng lập doanh nghiệp là bà Võ Thị Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Sau khi thành lập, GTT đã phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên, khi tiên phong tại địa phương và cả nước như siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Bà Thanh từng được tôn vinh là “Bông hồng Vàng” với nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng GTT thành doanh nghiệp ngàn tỷ đồng. 
Những cổ phiếu một thời…: GTT Sụp đổ vì tham vọng ảnh 1 Dự án khách sạn 5 sao CenDeluex được kỳ vọng cho GTT đi lên, nhưng sau đó cũng là điểm
dẫn đường cho GTT đi xuống vì đầu tư quá lớn không hiệu quả.
Chỉ 1 năm sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, ngày 30-6-2010, GTT quyết định đưa 29 triệu CP lên niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 20.000 đồng/CP. Một trong những yếu tố được GTT mang ra “quảng cáo” thời điểm này là doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất 337.000m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa. Để hiện thực hóa tiềm năng này, GTT đã rót vốn đầu tư hàng loạt dự án, từ resort, khách sạn 5 sao, nhà hát cho đến khu vui chơi giải trí. Không dừng lại ở các dự án tại địa phương, GTT còn lấn sân vào TPHCM, bằng việc thành lập CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn với dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. 
Lụi tàn vì… nợ
Thế nhưng, kỳ vọng trở thành tập đoàn của GTT đã nhanh chóng sụp đổ khi ngành du lịch Phú Yên không có sự đột phá, đặc biệt khi thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng. Năm 2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo đấu giá tài sản của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn (công ty con của GTT) và 95 khách hàng cá nhân có liên quan tại Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài (Phú Yên).
Theo VAMC, giá trị các khoản nợ gốc hơn 1.208 tỷ đồng và dư nợ lãi hơn 1.070 tỷ đồng. Tài sản đấu giá lần này gồm khu đất có diện tích 275m2 tọa lạc trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), đây cũng là trụ sở chính của Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Ngoài ra còn có 2 khu đất tại huyện Bình Chánh (TPHCM) với tổng diện tích 22ha và 5,2 triệu CP GTT (thuộc sở hữu của bà Thanh). 
Các dự án đầu tư tại Phú Yên cũng nằm trong tình trạng bi đát. Một trong những dự án được GTT đặt nhiều kỳ vọng là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên đến thời điểm hiện nay là CenDeluxe Hotel. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại. Tuy nhiên, CenDeluxe Hotel được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn, đã kéo tỷ suất lợi nhuận của GTT trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp. 
Tiếp đó là khu biệt thự cao cấp Resort & Spa Golden Beach tọa lạc tại bãi biển thành phố Tuy Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 80.000m2, có 91 căn biệt thự cao cấp và các công trình dịch vụ phục vụ hỗ trợ như nhà tiếp đón, nhà hàng, sân tennis, công viên cây xanh, bể bơi. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu năm 2008 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 từ tháng 8-2010, đến nay công trình này vẫn còn dang dở. 
Dự án thứ 3 trong danh sách những dự án bất động sản khiến GTT chìm trong thua lỗ là dự án Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo. Dự án được xây dựng từ năm 2010 với quy mô lên đến 7ha, được xem là công trình khu vui chơi giải trí lớn nhất tỉnh Phú Yên. Dù liên tục được đầu tư mở rộng nhằm cạnh tranh với các khu vui chơi giải trí trên cả nước, nhưng lượng khách tham quan rất khiêm tốn.

CP thấp nhất TTCK
Do thua lỗ kéo dài, từ ngày 30-5-2016 GTT bị hủy niêm yết bắt buộc 43,5 triệu CP trên HOSE. Nguyên nhân do tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) tại ngày 31-12-2015 âm 621,52 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp 435,03 tỷ đồng.
Trước đó, GTT đã bị đưa vào diện bị kiểm soát và tạm ngừng giao dịch từ 17-3-2016, do lợi nhuận sau thuế 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 đều âm. Ngay sau đó, GTT đã đề nghị một đơn vị kiểm toán xem xét và phát hành lại BCTC độc lập thay thế toàn phần BCTC kiểm toán có ý kiến ngoại trừ. Tuy nhiên, theo BCTC mới, thay vì số lỗ 121,3 tỷ đồng ban đầu, GTT công bố mức lỗ chính thức lên đến 438,8 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 621,5 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ thực góp. Đây cũng là nguyên nhân đưa GTT vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc.
Ngày 7-6-2016, GTT niêm yết trở lại trên UPCoM với giá đóng cửa phiên chào sàn 800 đồng/CP. Tuy nhiên, lần trở lại này không mang lại làn sóng mới cho GTT, thậm chí CP còn bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong ngày thứ 6 hàng tuần). Giá GTT liên tục lao dốc và hiện đang giao dịch với mức giá thấp nhất trên TTCK 200 đồng/CP. Dù giao dịch ở mức giá cực thấp nhưng thanh khoản của GTT gần như không còn, vì không NĐT nào dám bỏ tiền vào doanh nghiệp chỉ chờ ngày phá sản.
GTT hiện đang xin Chi cục Thuế Phú Yên từng hóa đơn xuất hàng cho khách lẻ. Trên trang web của GTT không còn cập nhật thông tin hoạt động chính, thay vào đó là lời chào mời bán tour chương trình du lịch thăm quan Phú Yên với giá vài trăm ngàn đồng/người. 
GTT là điển hình thất bại của việc sử dụng nợ ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là đầu tư dàn trải bất động sản đúng giai đoạn thị trường khủng hoảng và nền kinh tế đang đi xuống.

Các tin khác