Những cổ phiếu một thời…: HLA - Đáy của đáy

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp thép đầu tiên sản xuất thép với quy mô công nghiệp, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) nhanh chóng trở thành doanh nghiệp thép chủ lực của TPHCM từ năm 2001. Tuy nhiên, thương hiệu Hữu Liên Á Châu đã gần như mất hút trên thị trường trước sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh và sự bị động trong các quyết định đầu tư.  

Thương hiệu mạnh
Năm 1978, thương hiệu Hữu Liên chính thức có mặt trên thị trường, với khởi điểm là cơ sở sản xuất các loại phụ tùng xe đạp, xe máy như xích, líp, căm xe. Thời gian này, Hữu Liên được xem là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất dòng sản phẩm trên. Chỉ trong vòng 2 năm, cơ sở sản xuất Hữu Liên được mở rộng với hơn 100 nhân viên, phát triển mạnh về cả sản lượng và quy mô thành Xí nghiệp tư doanh Hữu Liên.
Đến tháng 4-1992, xí nghiệp lấy tên là Doanh nghiệp tư nhân Hữu Liên, đồng thời mở rộng phạm vi sản xuất sang các lĩnh vực sản phẩm cơ khí tiêu dùng, cán kéo kim loại đen, sản xuất nhựa, sản xuất ống thép các loại, kinh doanh thương mại mua bán phục vụ sản xuất, đại lý ký gửi các loại hàng hóa. 
Đến năm 1999, khi trong nước bắt đầu xuất hiện những cơ sở sản xuất ống thép, HLA đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên có thể sản xuất ống thép với quy mô công nghiệp. Ngày 20-4-2001 mang dấu ấn đặc biệt trong quá trình phát triển của HLA, khi doanh nghiệp chính thức hoạt động theo mô hình CTCP, với tên gọi mới là Hữu Liên Á Châu.
Những cổ phiếu một thời…: HLA - Đáy của đáy ảnh 1 HLA một thời huy hoàng khi đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm nhà máy.
Từ thời điểm này, sản phẩm chủ lực của HLA là ống thép, với doanh thu và sản lượng hàng năm của ngành hàng ống chiếm trên 2/3 tổng doanh thu của nhà máy. Sản phẩm ống thép của HLA khá phong phú, từ ống thép tròn, ống oval cho đến ống chữ D, ống vuông. Độ dày thành ống của HLA sản xuất cũng rất đa dạng, từ 0,7-3,5mm với nhiều quy cách khác nhau tương ứng với các nhu cầu đa dạng của khách hàng. 
Thời điểm này HLA ghi nhận mức tăng trưởng về quy mô với những đợt tăng vốn liên tục. Cụ thể, năm 2002 tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, năm 2003 tăng lên 60 tỷ đồng, năm 2004 tăng lên 100 tỷ đồng và 140 tỷ đồng năm 2006. Đặc biệt, sản phẩm ống thép của HLA từng xuất hiện trong danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM trong cả 2 giai đoạn 2001-2005 và 2006-2009.

Bước ngoặt
Ngày 30-10-2008, HLA chính thức đưa 19 triệu CP lên niêm yết trên HOSE với giá chốt phiên ra mắt 30.000 đồng/CP. Lên sàn trong cảnh thị trường không thuận lợi nên HLA ít nhiều bị ảnh hưởng, thậm chí có thời điểm giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, trong đợt hồi phục của TTCK năm 2009, HLA leo lên đỉnh 48.800 đồng/CP. Thanh khoản của HLA cũng cực kỳ ấn tượng trong thời gian này, với hàng triệu CP được chuyển nhượng mỗi phiên. Thậm chí, nhiều tổ chức lớn như ngân hàng và CTCK cũng đua nhau gom hàng HLA để đón đầu cơ hội.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến với HLA ngay trong năm 2009, khi CP bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2008 là con số âm. Theo số liệu báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2008 đã lập trước khi kiểm toán, lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, nhưng sau khi kiểm toán lỗ sau thuế 19,4 tỷ đồng (chênh lệch 56,4 tỷ đồng).
Nguyên nhân do sự khác biệt về thời gian xác định giá để tính dự phòng giảm giá hàng hóa, nguyên liệu tồn kho tại ngày 31-12-2008 giữa HLA và đơn vị kiểm toán Ernst & Young. Cụ thể, trong BCTC hợp nhất năm 2008, HLA đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 31-12-2008 là 22,4 tỷ đồng, nhưng BCTC đã kiểm toán với sự tư vấn của Ernst & Young, dự phòng giảm giá hàng tồn kho được xác định 85,8 tỷ đồng. Thời điểm xác định giá trị thị trường của hàng tồn kho để tính dự phòng giảm giá tại thời điểm Ernst & Young tiến hành công tác kiểm toán.
Giá CP chưa bằng ly trà đá
Thực tế, cú “sẩy chân” năm 2008 chỉ là bước khởi đầu cho quá trình lao dốc của HLA trong những năm kế tiếp do biến động về giá nguyên liệu thép. Đặc biệt, giá nguyên liệu tăng giảm bất thường, không theo quy luật, khiến HLA liên tục vào tình cảnh “mua giá cao, bán giá thấp” và dẫn đến thua lỗ. Cụ thể, niên độ tài chính 2013 lỗ 235,7 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 475,6 tỷ đồng, 2015 lỗ 387,3 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 416 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 4 năm, lỗ lũy kế của HLA lên đến 1.500 tỷ đồng.
Trên BCTC năm 2016, kiểm toán viên cũng đưa ra lưu ý về tính hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, kiểm toán viên nhấn mạnh, đến 30-9-2016 nguồn vốn chủ sở hữu công ty âm 970 tỷ đồng, nợ phải trả vượt quá tổng tài sản với cùng số tiền 970 tỷ đồng. Điều này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn, có thể gây ra đáng kể sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. 
Tình hình càng bi đát hơn trong năm 2018, khi các ngân hàng đồng loạt thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản của HLA do chậm thanh toán nợ. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III-2018, lỗ lũy kế của HLA đã lên hơn 1.884 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.395 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 1.597 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng 527 tỷ đồng, chi phí lãi vay 538 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng dư nợ vay phải trả đã quá hạn thanh toán tại các ngân hàng 690 tỷ đồng. Các khoản vay này được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình trên đất và tài sản cố định khác. 
Kết quả kinh doanh bết bát cũng chính là nguyên nhân đẩy mã CP từng một thời “làm mưa làm gió” xuống đáy của đáy. Năm 2015, HLA bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) tại ngày 30-9-2014 âm 656,42 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ thực góp 344,59 tỷ đồng căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2014. Sau khi rời sàn HOSE, HLA niêm yết trở lại trên UPCoM. Song lần trở lại này còn tệ hại hơn khi CP bị hạn chế giao dịch, khiến thanh khoản xuống thấp và giá CP nằm ở tận cùng của đáy 200 đồng/CP. 

Các tin khác