Những cổ phiếu một thời…: OGC - Sau ánh hào quang

(ĐTTCO) - Thời huy hoàng nhất, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) là thế lực đáng gờm trên TTCK, bởi các lĩnh kinh doanh đều là những ngành thời thượng lúc bấy giờ, như ngân hàng, CK, bất động sản, du lịch, truyền thông. Tuy nhiên, việc vung tiền quá nhiều cho các hoạt động đầu tư này, đã đẩy OGC đến bờ vực phá sản, thậm chí nhiều lãnh đạo chủ chốt dính vào vòng lao lý. 

Đại nhảy vọt  
Được thành lập từ năm 2007 với số vốn điều lệ (VĐL) vỏn vẹn 10 tỷ đồng, HĐQT của OGC có tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, gồm bất động sản, truyền thông, tài chính ngân hàng, CK, thương mại. Thời điểm lúc bấy giờ, đây là những lĩnh vực hút được dòng tiền, nên tài sản và vốn chủ sở hữu của OGC đạt mức tăng trưởng với tốc độ khá nhanh trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 2008 đến hết 2011. 
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng tài sản 211%, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 161%. Sự đột biến được đánh dấu từ năm 2009, khi OGC bắt đầu quá trình tăng vốn và tái cấu trúc lại mô hình hoạt động. Tổng nguồn vốn tăng từ 390 tỷ đồng trong năm 2008 lên 1.968 tỷ đồng năm 2009, tiếp tục tăng lên 2.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng trong 2 năm sau đó.
Những cổ phiếu một thời…: OGC - Sau ánh hào quang ảnh 1 Biến cố tại Ocean Bank tạo nên sóng mạnh nhấn chìm OGC.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2009, OGC nắm giữ cổ phần chi phối tại 4 công ty con, gồm CTCK Đại Dương (nắm giữ 75% VĐL), CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (79%), CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng VNT (50%) và CTCP Truyền thông Đại Dương (50%). Ngoài ra, OGC cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mỗi bên nắm giữ 20% VĐL tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).
Hoạt động sản xuất kinh doanh của OGC ở giai đoạn này cũng tạo những bước đại nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận. Nếu năm 2008, 100% thu nhập của OGC đều do hoạt động tài chính (cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi tiền gởi) rất khiếm tốn với chỉ 142 triệu đồng. Nói cách khác, hoạt động kinh doanh chính của OGC năm 2008 gần như chưa có kết quả nào đáng chú ý.
Đến năm 2009, do hợp nhất báo cáo kinh doanh từ các công ty con vào công ty mẹ, doanh thu thuần và lợi nhuận của OGC tăng vọt với 246 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Theo thống kê, từ năm 2009-2010, doanh thu tăng trưởng mạnh 537% từ 246 tỷ đồng lên 1.568 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 48 tỷ đồng lên 785 tỷ đồng.
Đây là kết quả của quyết định xoay chuyển chiến lược kinh doanh lấy đầu tư bất động sản và đầu tư dài hạn vào các công ty con làm 2 mảng kinh doanh cốt lõi. Theo kế hoạch, mảng đầu tư bất động sản sẽ có những bước đi nhảy vọt trong 2 năm tới (2010-2011), sau khi các dự án quan trọng và quy mô lớn đã hoàn thành, 3/4 lợi nhuận và doanh thu của toàn tập đoàn sẽ do mảng bất động sản đóng góp.
Báo tài chính cáo quý I-2010 của OGC cho thấy những con số ngoài sức mong đợi, thể hiện qua quy mô doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của riêng 3 tháng đầu năm đã gần đạt hoặc vượt xa con số luỹ kế của năm 2009. Cụ thể, trong 237,6 tỷ đồng doanh thu thuần của toàn tập đoàn, mảng bất động sản, thương mại dịch vụ của riêng công ty mẹ đã chiếm tới 62,2%. 
Bất ngờ “ngã ngựa”
Khi OGC đang “băng băng” tiến về phía trước với những dự định khủng, tình hình kinh tế nói chung và ngành tài chính, bất động sản nói riêng có nhiều diễn biến bất lợi trong năm 2011. Hoạt động kinh doanh của OGC và các công ty con bị ảnh hưởng. Lần đầu tiên OGC nếm mùi thua lỗ trong quý IV-2011 (lỗ 20 tỷ đồng). Dù cả năm 2011, OGC vẫn lãi 271 tỷ đồng nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về những rủi ro tập đoàn này phải đối mặt trong các năm kế tiếp. 
Năm 2014, Chủ tịch HĐQT của OGC là ông Hà Văn Thắm bị bắt vì liên quan đến các sai phạm tại Ocean Bank (ông Thắm cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này). Biến cố liên quan đến Ocean Bank cũng chính là nguyên nhân nhấn chìm OGC vào khủng hoảng, khi tài khoản của công ty mẹ và các công ty con bị phong tỏa để phục vụ điều tra vụ án.
Việc này không chỉ gây rắc rối tài chính, còn khiến nhiều hoạt động của tập đoàn và một số đơn vị thành viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh, hợp tác bị đình trệ. Sau khoảng 3 năm cầm cự, năm 2014 OGC lần đầu tiên báo lỗ khủng 1.370 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến OGC thua lỗ nặng do Ocean Bank bị mua lại với giá 0 đồng, và khoản lỗ hơn 930 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của tập đoàn. 
CP về đáy
Ngày 4-5-2010, GOC chính thức niêm yết CP trên HOSE với giá chốt phiên đạt 36.000 đồng/CP. Chào sàn với hành trang là kết quả kinh doanh ấn tượng, OGC nhanh chóng trở thành mã CP blue chip nhờ vốn hóa và thanh khoản cao với hàng triệu CP được chuyển nhượng mỗi phiên, thường xuyên nằm trong danh sách 10 CP giao dịch nhiều nhất trên HOSE.
Đỉnh của OGC được xác lập trong phiên giao dịch ngày 20-7-2010 với giá 45.800 đồng/CP. Tuy nhiên, biến cố liên quan đến Hà Văn Thắm và kết quả kinh doanh bết bát, đã đẩy OGC lao dốc mạnh xuống mức giá chỉ còn hơn 1.000 đồng/CP. Không chỉ lao dốc về giá, OGC thường xuyên bị đưa vào “danh sách đỏ” của HOSE, thậm chí bị hạn chế giao dịch do những sai phạm liên quan đến việc công bố thông tin.
Nhờ những nỗ lực tái cơ cấu, OGC đã có lãi trở lại trong năm 2019 là 74,62 tỷ đồng, giúp OGC hồi phục lại mốc 3.000 đồng/CP. Tuy vậy, mức giá này vẫn là nỗi ám ảnh với không ít NĐT và kỳ vọng về sự phục hồi vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải. Thậm chí, những nỗ lực tái cơ cấu của OGC có thể sụp đổ trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Khó khăn lớn nhất của OGC là khoản lỗ lũy kế tình đến thời điểm cuối năm 2019 là 2.843 tỷ đồng. Đáng chú ý, báo cáo tài chính năm 2019 của OGC vẫn tiếp tục nhận các ý kiến ngoại trừ, trong đó nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến khả năng thu hồi công nợ, các khoản phải thu, khoản góp vốn cho đối tác, đặc biệt là khả năng hoạt động liên tục của OGC và các đơn vị thành viên.  
 Đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2019 của OGC từ lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới là thực phẩm, với 2 thương hiệu bánh Givral và kem Tràng Tiền.

Các tin khác