Những sự kiện chứng khoán nổi bật

(ĐTTCO) -2021 là năm có nhiều biến động nhất trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Dưới đây là những sự kiện tiêu biểu của TTCK trong năm 2021, dưới góc nhìn của ĐTTC.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bùng nổ nhà đầu tư F0
 Theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, số tài khoản NĐT mở mới trong năm đạt hơn 1,4 triệu tài khoản, tương đương 110.000 tài khoản được mở mới trong 1 tháng.
Con số này lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020. Trong đó, tháng 11 được cho là kỷ lục của TTCK Việt Nam với 220.817 tài khoản được mở mới.
 
Hệ thống giao dịch của HoSE bị quá tải
 Sự bùng nổ về số lượng NĐT F0 là nguyên nhân khiến hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn, kể từ thời điểm cuối năm 2020. Đỉnh điểm là quyết định ngừng giao dịch trên sàn HoSE trong phiên chiều 1-6-2021 để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Ngay sau đó, chiến dịch 100 ngày giải cứu hệ thống HoSE được UBCKNN lên kế hoạch với sự trợ giúp kỹ thuật từ Tập đoàn FPT. Sau 3 tháng sửa chữa, hệ thống giao dịch mới được FPT bàn giao cho HoSE ngày 5-7.
Hệ thống mới này tăng khả năng tiếp nhận lệnh của HoSE từ mức tối đa 900.000 lệnh/phiên lên mức 3-5 triệu lệnh/phiên. 
Những sự kiện chứng khoán nổi bật ảnh 1 Ảnh minh họa.
Dòng tiền đổ mạnh vào TTCK
Những phiên giao dịch kỷ lục liên tục được thiết lập trên sàn HoSE và cả thị trường chung. Tại phiên ngày 3-11-2021, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 52.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), riêng sàn HoSE đạt 43.200 tỷ đồng (tương đương 1,85 tỷ USD).
Kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ trong phiên ngày 19-11-2021 với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 56.000 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD), riêng sàn HoSE đạt 44.800 tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD). Sau 2 phiên giao dịch kỷ lục này, thanh khoản của HoSE duy trì trên mốc 30.000 tỷ đồng/phiên, tương đương 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng.
Trung bình cả năm 2021, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE đạt 21.900 tỷ đồng/phiên, tăng 254% so với năm 2020 và gấp 5 lần so với năm 2019.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục
Trái ngược với sự hồ hởi từ các NĐT cá nhân, khối ngoại lại bán ròng mạnh trong năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại, NĐT nước ngoài đã bán ròng hơn 62.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), gấp 4 lần giá trị bán ròng trong năm 2020 là 15.214 tỷ đồng.
Lực bán của khối ngoại diễn ra xuyên suốt trong phần lớn thời gian năm 2021, ngoại trừ tháng 4 và 7 mua ròng nhẹ. Thậm chí, lượng bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong năm 2021 được ghi nhận lớn nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, khối lượng bán ròng trên TTCK Việt Nam bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam còn khiêm tốn.

VN Index thiết lập đỉnh lịch sử 1.500 điểm
TTCK dù chịu áp lực từ khối ngoại, nhưng dòng tiền từ NĐT cá nhân trong nước vẫn đủ sức giúp VN Index chinh phục thành công mốc điểm lịch sử 1.500 điểm.
Phiên giao dịch ngày 25-11, VN Index tăng 11,94 điểm (tương đương 0,8%) lên 1.500,81 điểm, mốc điểm cao nhất của TTCK Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, vốn hóa của HoSE tại thời điểm VN Index trên mốc 1.500 điểm đạt xấp xỉ 5,8 triệu tỷ đồng (tương đương 252 tỷ USD). Nếu tính cả HNX và UPCoM, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 7,66 triệu tỷ đồng (tương 333 tỷ USD).

Nhiều doanh nghiệp có vốn hóa vượt mốc 10 tỷ USD
Sóng tăng của TTCK đã giúp vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết vượt mốc tỷ 10 tỷ USD.
Tại thời điểm đầu tháng 11, có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, gồm CTCP Vinhomes (VHM) đạt 372.298 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) 364.540 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) 363.470 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) 255.404 tỷ đồng và Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) 238.287 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa trên mốc 1 tỷ USD là 45 doanh nghiệp.

Cổ phiếu tăng 70 lần
Với “khẩu vị” là những mã cổ phiếu có giá rẻ, dòng tiền từ các NĐT F0 đã giúp cho nhiều mã giá rẻ bật tăng hàng chục lần. Thậm chí, có mã ghi nhận mức tăng 70 lần chỉ sau 9 tháng là TGG (CTCP Louis Capital).
Mã CP này khởi đầu năm 2021 với mức giá chỉ có 1.170 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch ngày 23-9, đã vượt mốc 74.000 đồng/CP. TTCK trong những tháng cuối năm tiếp tục “dậy sóng” với nhóm cổ phiếu đầu cơ như SJF, SDA, LIC, IDI hay TNI tăng nóng nhờ tin đồn, dù hoạt động sản xuất kinh doanh không nổi bật.
Sau chuỗi phiên tăng “dựng đứng” gấp chục lần, nhóm cổ phiếu này quay đầu giảm khiến nhiều NĐT F0 đu đỉnh bị thiệt hại nặng.

Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày 11-12-2921, VNX chính thức ra mắt tại Hà Nội theo Quyết định 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. VNX hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HoSE. VNX ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường.
Đặc biệt, sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các mảng của thị trường hiện còn phân tán, từ đó thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, giúp tăng quy mô, vị thế của TTCK Việt Nam để hội nhập và liên kết quốc tế. 

Các tin khác