Những sự kiện tài chính 2018

(ĐTTCO) - Năm 2018, thị trường tài chính tiền tệ ghi nhận nhiều thay đổi tích cực từ phía cơ quan quản lý và các NHTM. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều tiêu cực được phanh phui. ĐTTC đã ghi nhận lại 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực tài chính NH trong năm qua.

Lãi suất theo chiều hướng tăng

Từ giữa năm 2018, lãi suất huy động có xu hướng tăng do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn, khiến lãi vay cũng tăng lên.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25%/năm; lãi suất qua đêm VNĐ tăng từ mức bình quân khoảng 1,53% trong đầu năm lên khoảng 3% trong nửa cuối năm 201; lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91%/năm, tăng so với mức 8,86%/năm của năm 2017. 

Tín dụng tăng thấp nhất từ 2014

Năm 2018, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng đều có xu hướng giảm. Đến cuối năm 2018, M2/GDP ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4% so với 2017 và tăng thấp nhất tính từ năm 2014.
Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%. Hệ số chênh lệch tín dụng/GDP tăng 1,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015. Diễn biến này đến từ việc NHNN đã không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng loạt cho các NHTM như trước đây.
Những sự kiện tài chính 2018 ảnh 1 VIB và Vietcombank là 2 trong 10 NH được NHNN chọn thực hiện triển khai Basel II. 

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục

Tháng 6-2018, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng công bố con số dự trữ ngoại hối kỷ lục lên tới 63,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, để giảm bớt căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản thị trường, thông suốt các giao dịch ngoại tệ và đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp, NHNN đã nhiều lần bán ngoại tệ cho các NHTM, và đến cuối tháng 10 dự trữ ngoại hối nhà nước đạt khoảng 60 tỷ USD.
Theo đó, dù có nhiều thời điểm căng thẳng, nhưng cả năm tỷ giá trung tâm tăng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng 2,8%. Tỷ giá thị trường tự do năm 2018 tăng 3,5% so với đầu năm.

Nghị định về tín dụng tam nông

Ngày 7-9, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi.
Cụ thể, hạn mức cho vay các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại không có tài sản bảo đảm tăng gấp đôi so với trước, tối đa 100 triệu đồng.
Nghị định 116 còn ưu đãi cho vay tối đa 70% tổng mức dự án (không thế chấp), cho phép dùng tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới để thế chấp, áp dụng cho vay cả những doanh nghiệp không có giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao… nhằm mục đích khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2 NHTM áp dụng Basel II

Ngày 28-11, NHNN đã trao quyết định cho phép áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41/2016 (chuẩn mực an toàn vốn Basel II - phương pháp tiêu chuẩn) cho Vietcombank và VIB.
Đây là 2 trong nhóm 10 NH được NHNN lựa chọn thực hiện thí điểm triển khai Basel II, tạo cột mốc ghi nhận bước phát triển quan trọng trong việc áp dụng chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam.
Theo lộ trình, đến năm 2020 cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NH áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn chuẩn mực này.

Xét xử đại án NH

Ngày 27-11, TAND TPHCM đưa Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DongABank), Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và các bị cáo khác ra xét xử liên quan đến vụ án gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.
Với các tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX tuyên án chung thân với ông Bình và buộc hoàn trả cho DongABank gần 1.500 tỷ đồng, 27.000 lượng vàng.
Cũng trong tháng 11, ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT MHB (nay đã sáp nhập vào BIDV) đã bị tuyên 13 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án Phạm Công Danh và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng tại VNCB mở rộng xét xử giai đoạn 2. Đồng thời, ông Trần Bắc Hà và một số cựu lãnh đạo BIDV cũng bị bắt và truy tố.

NHTM có vốn nhà nước sáng cửa tăng vốn

Đầu tháng 11, BIDV thông báo kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với tỷ lệ 15% vốn điều lệ. Tương tự, Vietcombank cũng đã chính thức công bố thông tin chào bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu thành công, vốn điều lệ của các NH này sẽ tăng lên để giải bài toán đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Cùng với việc cổ phần hóa Agribank, vào tháng 8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã làm việc với Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách năm nay và đang bàn với cơ quan Quốc hội để trình phương án tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Bốc hơi hàng trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank

Tháng 2-2018, vụ việc bà Chu Thị Bình bị Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng từ các tài khoản tiết kiệm đã gây ồn ào dư luận. Sau nhiều lần thương lượng bất thành, 2 bên đã đưa vụ việc ra tòa.
Các bị can trong vụ việc đã bị tuyên án tù, Lê Nguyễn Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng do bỏ trốn nên đang bị truy nã. Bản án cũng tuyên Eximbank phải hoàn trả cho bà Chu Thị Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và 92 tỷ đồng lãi.
Song Eximbank đã kháng cáo. Bà Chu Thị Bình sau đó đã rút hết số tiền gửi tại Eximbank. Ngoài ra, tại Eximbank chi nhánh TP Vinh (Nghệ An), 6 khách hàng cũng bị bốc hơi 50 tỷ đồng tiết kiệm do nhân viên NH này chiếm đoạt.

Làn sóng 4.0 trong lĩnh vực tài chính NH

Để tiến kịp xu hướng 4.0, OCB ra mắt NH hợp kênh OCB Omni; VPBank ra mắt NH số tích hợp tiện ích sành điệu cho thế hệ mới với tên Yolo; NH TNHH MTV CIMB Việt Nam ra mắt dịch vụ NH số OCTO by CIMB đầu tiên tại Việt Nam…
Lĩnh vực thanh toán 4.0 còn đón nhận sự tham gia của các công ty viễn thông như Viettel ra mắt NH số ViettelPay. Ngoài ra, một số công ty tài chính cũng bắt tay với fintech để thanh toán trả góp trực tuyến, như Home Credit bắt tay Momo.
Tuy nhiên, làn sóng 4.0 trong lĩnh vực tài chính cũng xuất hiện những vấn đề tiêu cực khi ngày càng nhiều công ty tín dụng đen, công ty cho vay ngang hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến và có sự biến tướng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Bitcoin rớt giá thê thảm

Giá Bitcoin hiện nay chỉ còn giao dịch xung quanh 4.000USD/coin. Với mức giá cao nhất đạt được hồi tháng 12-2017 là 20.000USD, Bitcoin đã mất giá khoảng 80%. Cột mốc đáng nhớ nhất trong năm nay của đồng tiền kỹ thuật số này là giá trị vốn hóa đã từng bốc hơi hơn 700 triệu USD chỉ trong ngày 23-11.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin ngày 25-12 ở mức 72,19 tỷ USD và số đồng tiền cung ứng là 17,44 triệu đồng tiền. Theo Bloomberg, động lực giúp Bitcoin tăng giá từ dưới 1USD lên gần 20.000USD từ năm 2011 đến cuối năm 2017 đã biến mất và ít có khả năng quay lại.

Các tin khác