Nội vẫn đang cầm trịch

(ĐTTCO) - Tính từ ngày 7-2 đến nay, NĐTNN đã có tổng cộng 11 phiên bán ròng tại HOSE và chỉ mua ròng 2 phiên. Mặc dù vậy, VN Index vẫn tăng được hơn 100 điểm.  

VN Index cũng đã có 6 phiên liên tiếp đóng cửa đạt trên ngưỡng 1.100 điểm, và trong 6 phiên này tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại HOSE lên đến xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.
Ngay cả những phiên VN Index tăng mạnh (phiên 23-2), chỉ số này tăng gần 2,5%, NĐTNN cũng bán ròng gần 1.400 tỷ đồng, hoặc những phiên điều chỉnh được xem là cơ hội để khối này ra tay như phiên 1-3, nhưng khối này cũng “xả hàng” ròng gần 335 tỷ đồng. Theo số liệu mới nhất từ Quỹ VEF của Dragon Capital, tổng giá trị tài sản ròng tại thời điểm cuối tháng 2 của quỹ này xấp xỉ 100 triệu USD và đã có sự sụt giảm so với thời điểm cuối năm 2017. 
1 tháng qua, từ mức giá 70.000 đồng/CP, BVH (Tập đoàn Bảo Việt) đã có lúc tăng lên đến 88.000 đồng/CP, trong 10 phiên gần nhất, khối ngoại đã bán ròng BVH 6 phiên liên tục, nhưng hiện nay mức giá của BVH vẫn dao động trong vùng 80.000-85.000 đồng/CP, vùng giá cao so với nhiều năm trở lại đây.
Hay bất chấp việc CP liên tục tăng giá và lập những vùng đỉnh cao lịch sử ở mức 66.000 đồng/CP, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng HPG (Hòa Phát), trong 10 phiên gần nhất, NĐTNN đã bán ròng HPG đến 8 phiên. Những thống kê này một lần nữa chỉ ra rằng, việc bán ròng của khối ngoại chưa thể gây ảnh hưởng đến xu hướng chung của TTCK, dù vậy vẫn có những điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, việc Hoa Kỳ đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhôm, thép thông qua việc áp thuế, tạo ra lo ngại về việc chiến tranh thương mại do các quốc gia châu Á và EU cũng có thể đưa ra những biện pháp trả đũa tương tự. Ở đây chưa cần bàn đến tính khả thi và những hệ quả về mặt dài hạn, điều dễ thấy là ngay lập tức TTCK tại nhiều quốc gia châu Á đã có những phản ứng có tính tiêu cực. Câu hỏi đặt ra có tác động đến với thị trường Việt Nam? 
Nội vẫn đang cầm trịch ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Trở lại với diễn biến của thị trường trong phiên 2-3, VN Index đã rớt khoảng 10 điểm từ những giờ phút đầu tiên bắt đầu giao dịch do diễn biến không thuận lợi của TTCK quốc tế. Nhưng lực mua rất mạnh, chủ yếu từ dòng tiền nội đã ra tay một cách mạnh mẽ đưa giá của nhiều CP từ chỗ giảm trên 2% chỉ còn giảm dưới 1%, một số CP thậm chí chỉ giảm “xã giao” theo thị trường và chỉ chờ VN Index phục hồi là bùng nổ, bao gồm nhóm CP ngân hàng, bất động sản…
Liệu TTCK Việt Nam đang có một “pha” riêng cho mình hay đang có độ trễ nhất định so với TTCK quốc tế?
Cần biết rằng trong 2 tháng đầu năm 2018, thị trường Việt Nam nằm trong số tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, và mặc khối ngoại có bán ròng vẫn có những NĐTNN tiếp tục rót vốn vào thị trường để tránh bỏ lỡ những cơ hội. Tuần rồi, thông tin Mirae Asset (Hàn Quốc) đã tiến hành mua lại 100% cổ phần của một công ty quản lý quỹ trong nước và tiến đến việc bán lại cổ phần cho một đối tác trong nước để thành lập liên doanh.
Các quỹ đầu tư của Hàn Quốc đã hoạt động rất tích cực và thu được lợi nhuận đáng kể trong những năm gần đây. Vậy nên khả năng dòng vốn từ xứ sở Kim Chi tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới là rất sáng sủa. Không chỉ có quỹ đầu tư, các CTCK của Hàn Quốc đã và đang tham gia TTCK Việt Nam và cũng thu được nhiều thành quả.
Thứ hai, VN Index hiện nay đang chịu lực bán của khối ngoại, cộng với những diễn biến bất thường của TTCK quốc tế, nhưng vẫn tăng được cho thấy dòng tiền trong nước đang cầm chịch tốt như thế nào. Nguyên nhân đáng kể nhất có lẽ đến từ việc mùa ĐHCĐ đã và đang diễn ra với cao điểm bắt đầu từ cuối tháng 3 trở đi.
Trong kỳ vọng kinh tế 2018 tiếp tục khả quan, kỳ vọng của từng doanh nghiệp niêm yết cũng đã sáng tỏ, việc dòng tiền nội lạc quan là điều dễ hiểu. Hơn nữa, dòng tiền hiện vẫn đang tập trung tại nhóm CP ngân hàng cũng đang tạo cơ hội cho các NĐT trong nước thể hiện vai trò của mình. 
Hiện tại, không có một CP ngân hàng nào có giá quá 10.0, vốn được xem là “đắt” và dành cho những CP hàng hiệu. Việc chỉ có giá “vài chục ngàn” cho mỗi CP sẽ rất dễ thu hút dòng tiền đến từ những NĐT cá nhân. Trong xu hướng phân hóa và có phần khó đoán định của TTCK, việc giao dịch theo dòng tiền lớn được xem là giải pháp tối ưu.
Vì vậy, các NĐT cá nhân càng có cớ để đổ thêm tiền vào CP ngân hàng, mỗi lúc điều chỉnh lại là cơ hội mua vào, vì vậy áp lực bán từ khối ngoại dù có xuất hiện cũng khó để “bẻ” trend giá CP nói riêng và thị trường nói chung.
Nhiều khả năng, ngưỡng 1.100 điểm của VN Index sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần này và trong trường hợp có thể kéo dài được từ 10 phiên trở lên, việc chinh phục đỉnh 1.200 điểm có thể sẽ rất chóng vánh. 

Các tin khác