Phân chia lại thị phần tôn mạ

(ĐTTCO) - Sau khi số báo ngày 9-4 và 3-5 đăng các bài viết phản ánh về thực trạng khó khăn của các DN tôn màu: “HSG - Cổ đông nhỏ thua thiệt, ông chủ thắng lớn”; “Khó khăn bủa vây, NKG lao dốc”, ĐTTC đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc.
Phân chia lại thị phần tôn mạ
Tòa soạn trích đăng ý kiến của tác giả Bửu Hoàng (TPHCM), nhận định về sự thay đổi đáng kể của thị trường tôn màu thời gian tới.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2017, thị trường tôn màu Việt  Nam có quy mô 3,5 triệu tấn/năm, được chiếm lĩnh bởi các DN gồm CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với 34% thị phần, CTCP Thép Nam Kim (NKG) chiếm 16%, CTCP Tôn Đông Á với 14% thị phần và Công ty Tôn Phương Nam với 7% thị phần.
Trong quý I vừa qua, những công ty này đã chứng kiến biên lợi nhuận giảm, do giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%.
Không chỉ gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào, các DN này còn phải đối mặt với sự xuất hiện của 2 ông lớn trong lĩnh vực tôn màu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Thép Formosa Hà Tĩnh (FHS). Với chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ quặng đến tôn mạ kẽm của 2 ông lớn này, thị trường tôn màu sẽ được định hình lại trong thời gian không xa. 
 Năm 2017 tiếp tục ghi dấu ấn tăng trưởng của ngành thép với sản lượng sản xuất đạt 23,31 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 15,22 triệu tấn và xuất khẩu 3,76 triệu tấn.
HPG hiện là nhà sản xuất thép dài xây dựng lớn nhất Việt Nam (công suất 2,1 triệu tấn/năm và 24% thị phần), đã chú ý đến mảng tôn thép trong nhiều năm qua. Tập đoàn này chính thức gia nhập thị trường tôn mạ trong năm 2016 bằng việc xây dựng nhà máy cán tôn mạ công suất 400.000 tấn tại Hưng Yên.
Nhà máy có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối quý II năm nay. Song song đó, giai đoạn 2 của khu liên hợp thép Dung Quất dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu), đã giúp HPG sản xuất 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín trong thị trường tôn mạ.
Trong khi đó, FHS đã nhận được giấy phép đầu tư trong năm 2008, nhằm phát triển một trong những tổ hợp thép lớn nhất trên toàn châu Á ở khu vực ven biển Hà Tĩnh. Trong giai đoạn 1, khu liên hợp bao gồm các nhà máy thép, cảng Sơn Dương và nhà máy nhiệt điện 650MW, có vốn đầu tư 10,5 tỷ USD, có khả năng sản xuất 7,5 triệu tấn thép mỗi năm. Trong giai đoạn 2, công suất tăng đáng kể lên 22,5 triệu tấn thép.
Sau khi đi vào vận hành, FHS được dự báo sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị thép của Việt Nam. Cụ thể, FHS hiện là nhà sản xuất HRC duy nhất tại Việt Nam với sản lượng 6 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu của thị trường trong nước (năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn HRC). Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), FHS đã bán ra thị trường 150.000 tấn HRC trong năm 2017 và 107.000 tấn trong quý I vừa qua.
Khi lò cao thứ 2 dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, FHS sẽ cung cấp 3 triệu tấn HRC trong năm 2018 và 6 triệu tấn trong các năm tiếp theo. Với khối lượng như vậy, FHS hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đồng thời sẽ giúp các nhà sản xuất cấp thấp hơn trong chuỗi giá trị giảm chi phí vận tải, thuế quan và rủi ro tỷ giá.
Theo dự báo của VSA, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng trong nước và thị trường bất động sản, thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng 10-15% trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng hữu cơ như vậy không đủ để tránh cuộc chiến giành thị phần trong thị trường tôn mạ với sự tham gia của những ông lớn mới.
Thực tế, các DN như HSG hay NKG đã chủ động phát triển thế mạnh riêng của mình, đa dạng hóa sản phẩm và thậm chí đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, HSG đã chủ động mở rộng hệ thống phân phối thông qua các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, hay xuất khẩu 37% doanh số bán thép, cùng với việc thâm nhập thị trường ống nhựa để đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Tương tự, NKG xuất khẩu 44% doanh thu thép và lên kế hoạch gia thị trường thép tấm cho thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, những bước đi được cho là rất căn cơ này cũng không giúp các DN tránh được những tổn thương trong một cuộc chiến mà đối thủ của họ tỏ ra vượt trội.

Các tin khác