PVE nói gì sau khi bị “tố” tổ chức Đại hội đồng cổ đông trái luật?

(ĐTTCO)-Vừa qua ngày 18-7, báo ĐTTC có bài “PVE tổ chức Đại hội đồng cổ đông trái luật?” nêu một số nội dung khiếu nại, tố cáo của một số cổ đông nguyên là thành viên HĐQT, nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu Khí (PVE) cho rằng, có nhiều sai phạm trong quá trình tổ chức Đại hội đồng (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.

Đại hội PVE bị tố có nhiều sai phạm
Đại hội PVE bị tố có nhiều sai phạm
Sau khi báo phát hành, TS nhận được phản hồi của ông Ngô Ngọc Thường, Tổng giám đốc PVE, khẳng định đã làm đúng luật.
Cụ thể, về nội dung liên quan đến những nội dung tố cáo của ông Đỗ Văn Thanh, đại diện PVE cho biết, về thời hạn gửi thông báo mời họp và gửi các tài liệu họp, ngày 25-3-2022, PVE đã ban hành Thông báo số 09/TB-TKDK-HĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và các cổ đông thông báo về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 được thực hiện vào 13 giờ ngày 26-4-2022. Việc thông báo đã tuân thủ Luật Doanh nghiệp là hơn 21 ngày so với ngày dự kiến tổ chức Đại hội.
Về tài liệu gửi kèm thông báo, đại diện PVE cho rằng, trong Thông báo số 09/TB-TKDK-HĐQT (còn lưu trên trang thông tin điện tử của PVE) đều có ghi rõ đường dẫn trên trang thông tin điện tử để cổ đông có thể truy cập tài liệu theo đúng quy định của Điều lệ và Luật Doanh nghiệp.
“Lần đầu tiên PVE cho đăng tài liệu họp lên trang thông tin điện tử vào ngày 5-4-2022 (còn lưu trên trang thông tin điện tử của PVE), như vậy đúng 21 ngày trước ngày họp dự kiến và tuân thủ Khoản 4 Điều 143 Luật Doanh nghiệp” - đại diện PVE khẳng định.
Liên quan đến thời hạn kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ, đại diện PVE cho rằng, để đảm bảo kiến nghị của cổ đông không bị từ chối thì kiến nghị phải gửi đến chậm nhất 3 ngày làm việc và vấn đề kiến nghị phải thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ (Điểm b Khoản 3 Điều 142 Luật Doanh nghiệp). Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 142 Luật Doanh nghiệp cũng có nêu: “Trường hợp người triệu tập họp ĐHĐCĐ từ chối kiến nghị… phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Căn cứ vào quy định này thì cấp triệu tập họp ĐHĐCĐ là HĐQT phải quyết định xem trường hợp này có “từ chối kiến nghị” hay không mặc dù HĐQT “chỉ được từ chối kiến nghị” nếu kiến nghị gửi trước 1 ngày làm việc. Do đó Chủ tịch HĐQT đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp HĐQT để xử lý kiến nghị này. Kết quả HĐQT đã chấp nhận kiến nghị và đưa vào chương trình (dự kiến) của các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
Cũng theo đại diện PVE, tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, 2021 và năm 2022, ĐHĐCĐ đã thông qua chương trình và nội dung với tỷ lệ biểu quyết đạt tương ứng 97,5406% và 100% đã tuân thủ Khoản 4 Điều 142 Luật Doanh nghiệp.
Về trình tự, thủ tục họp HĐQT, các cuộc họp HĐQT định kỳ có thể theo cơ chế thông báo trước 3 ngày. Tuy nhiên, để xử lý các tình huống cấp bách thuộc thẩm quyền của HĐQT thì cần cho ý kiến ngay để quyết định. Ngày 26-4-2022 Chủ tịch HĐQT đã gửi Thư mời họp số 22/GM-HĐQT để xử lý kiến nghị của 1 cổ đông. Đồng thời,  đại diện PVE cho rằng trong đơn ông Thanh nêu HĐQT triệu tập cuộc họp (chỉ mời 2/5 thành viên HĐQT) thống nhất theo nội dung kiến nghị... là không đúng.
Đại diện PVE cho biết, vào ngày 25-4-2022 HĐQT nhận được giấy đề cử của một nhóm cổ đông cử ông Đỗ Văn Thanh làm đại diện nhóm ký giấy đề cử 1 ứng cử viên làm Thành viên Ban kiểm soát. Kiến nghị này sau đó cũng đã được HĐQT chấp nhận đưa vào nội dung và chương trình (dự kiến).
“Sau khi rà soát lại các văn bản, tài liệu, thư điện tử thì Chủ tịch HĐQT thời điểm đó đã thực hiện việc mời họp, biểu quyết của các thành viên và quyết định dựa trên kết quả biểu quyết của HĐQT là hợp lý, đúng quy định của Điều lệ PVE và Luật Doanh nghiệp”, đại diện PVE nhấn mạnh.
Về nội dung ngày ghi biên bản họp ĐHĐCĐ mà ông Đỗ Văn Thanh “tố” PVE ghi không đúng với ngày tổ chức Đại hội, đại diện PVE cho rằng, Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tổ chức lần 2 vào ngày 28-4-2022 đã được làm xong và biểu quyết thông qua trước khi kết thúc cuộc họp với tỷ lệ thông qua 76,0949%. Việc ghi ngày trên biên bản sau 1 ngày (29-4-2022) là do cuộc họp kết thúc muộn vào cùng ngày nên hôm sau mới đóng dấu, vào số văn thư để ban hành, do đó không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến nội dung, ông Thanh cho rằng Ban tổ chức Đại hội cản trở không cho một số cổ đông tham dự, đại diện PVE khẳng định không có chuyện ngăn cản cổ đông tham gia. Ban tổ chức chỉ kiểm tra an ninh khi vào tòa nhà và trước khi vào phòng họp được quy định theo Điều 146 Luật Doanh nghiệp.
Đối với nội dung tố cáo về việc bãi nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đỗ Văn Thanh là bất hợp pháp và trái với Nghị quyết của PVN về công tác cán bộ tại PVE, đại diện PVE cho rằng, trước cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra ngày 28-4-2022, ông Đỗ Văn Thanh đã nhận đề cử làm ứng viên thành viên HĐQT của một nhóm cổ đông không phải là cổ đông PVN và cũng không báo cáo trước với PVN việc nhận đề cử này.
“Do đó, kể từ ngày 28-4-2022 sau khi trúng cử thì ông Đỗ Văn Thanh là thành viên HĐQT PVE đại diện cho 1 nhóm cổ đông không phải là cổ đông PVN. Hiện nay, ông Đỗ Văn Thanh vẫn là người lao động của PVE, hưởng lương và các chế độ theo quy định của PVE cho đến khi nghỉ chế độ hưu trí theo quy định của Nhà nước bắt đầu từ ngày 1-10-2022” - đại diện PVE cho hay.
Được biết, đại diện nhóm cổ đông nắm giữ 10% vốn của PVE là ông Đỗ Văn Thanh cũng đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch và một số thành viên HĐQT công ty ra tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, TPHCM và đã được tòa này thụ lý.
Trao đổi với phóng viên ĐTTC, luật sư Lê Đức Nghĩa cho rằng nếu những tố cáo của cổ đông liên quan đến những vi phạm trên là chính xác thì nội dung nghị quyết đại hội có thể không thể phát sinh hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên cho rằng nghị quyết ĐHĐCĐ không có hiệu lực thì có quyền khởi kiện ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền yêu cầu hủy toàn bộ nội dung nghị quyết này.

Các tin khác