Ranh giới mỏng cân đối ngân sách

(ĐTTCO) - Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong ổn định và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, luôn tồn tại những mâu thuẫn giữa nhu cầu chi tiêu và nguồn lực ngân sách. 

Trong khi khả năng thu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố và rất khó để tăng, đã khiến việc đảm bảo cân đối NSNN ngày càng trở thành một thách thức lớn với Chính phủ. Trao đổi với ĐTTC, ông Cường phân tích:

Áp lực tăng chi dẫn tới áp lực về tăng thu để đảm bảo tính ổn định của NSNN trong giai đoạn vừa qua. Tốc độ tăng chi trung bình giai đoạn 2007-2016 là 17,4% và chi thường xuyên tăng 18,3%, nhưng tốc độ tăng thu cân đối NSNN trung bình 15% . Thu thường xuyên dù có tốc độ tăng khá cao 14,5% nhưng vẫn thấp hơn so với chi thường xuyên, đã đe dọa tính bền vững của NSNN về dài hạn.
Xét về mặt cơ cấu, sau giai đoạn tăng mạnh, chi đầu tư từ NSNN đang theo xu hướng giảm dần. Tỷ trọng chi đầu tư (gồm tất cả các nguồn) trong tổng chi tiêu công cao nhất 42% năm 2009 đã giảm còn 32,4% vào năm 2012 và chỉ đạt hơn 20% vào năm 2016. Tổng chi đầu tư công giảm xuống có lý do chính là giảm công trình xây dựng mới. Song khoản chi lớn nhất trong tổng chi NSNN chính là chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước.
Giai đoạn 2005-2015, với mức tăng lên không ngừng của GDP, thu nhập của dân cư cũng tăng theo, do vậy khu vực hành chính, sự nghiệp liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, cung cấp các dịch vụ công cộng, đồng nghĩa với việc chi tiêu sẽ tăng. Trong giai đoạn này, Chính phủ cũng triển khai thực hiện chương trình cải cách tiền lương nên chi thường xuyên luôn giữ tỷ trọng lớn trong chi tiêu NSNN hàng năm. Thực tế chi thường xuyên khó cắt giảm hơn chi cho đầu tư phát triển, cũng có nghĩa khó giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn tới.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, những thách thức trong chi tiêu công ở Việt Nam hiện nay là gì?
PGS.TS VŨ SỸ CƯỜNG: - Thứ nhất, bội chi ngân sách cao và liên tục. Với quy mô chi tiêu ngân sách cao và liên tục tăng, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng ngân sách cao và kéo dài bất chấp quy mô thu NSNN được duy trì ở mức rất cao và trong nhiều năm luôn rơi vào tình trạng thâm hụt NSNN.
Nếu giai đoạn 2004-2006 chỉ khoảng 1% thì trong 3 năm gần nhất đã lên tới gần 3% GDP. Thâm hụt ngân sách tổng thể (bao gồm cả chi trả nợ gốc) theo thống kê của Bộ Tài chính kể từ 2001 đến nay luôn tiệm cận ngưỡng 5% GDP (năm 2015 lên đến 6,2% GDP).
Thứ hai, dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (65% GDP) trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn tương đối thuận lợi như hiện nay. Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay kể cả khi có những cú sốc nhẹ. 
Ranh giới mỏng cân đối ngân sách ảnh 1
Thứ ba, thách thức của việc thay đổi hiệu suất của chi thường xuyên trong tổng chi NSNN. Mặc dù quỹ lương cũng như tổng biên chế nhà nước của Việt Nam chưa phải quá cao so với bình quân các nước có thu nhập trung bình, nhưng tốc độ tăng này nếu vẫn tiếp diễn sẽ gây áp lực về tài chính công. 
Thứ tư, trong thời gian tới Việt Nam vẫn có nhu cầu đầu tư cao cho cả cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Việc này đòi hỏi phải duy trì mức độ đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, cũng như ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả và hiệu suất đầu tư công, coi đó là động lực tăng trưởng chính sẽ là thách thức không nhỏ trong giai đoạn tới. 
Thứ năm, mặc dù phân cấp chi NSNN rất mạnh, nhưng hiệu quả của việc phân cấp này, nhất là với cung cấp hạ tầng dịch vụ công công địa phương chưa thực sự rõ ràng. 
- Vậy theo ông chính sách hiện nay cần phải có những điều chỉnh gì?
- Đến nay quy mô nợ công của Việt Nam vẫn được coi trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5% GDP, trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém, nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo.
Theo tôi, cần rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, nhằm tạo điều kiện để Việt Nam gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu. Theo đó, cần xem xét điều chỉnh một số mục tiêu về phát triển hạ tầng quá tham vọng cho phù hợp hơn với khả năng huy động nguồn lực đầu tư hiện nay. 
Biện pháp nữa là giảm tỷ lệ chi thường xuyên bằng giảm tốc độ tăng biên chế để quỹ lương hỗ trợ phát triển một bộ máy hành chính linh hoạt và có khả năng đáp ứng cao hơn. Trong trung hạn cần có giải pháp gắn kết chi lương và phụ cấp với hiệu quả công việc của người lao động.
Cùng với đó xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho địa phương gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, hạn chế rủi ro đầu tư dàn trải, tạo ra cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các dự án hạ tầng lớn, bao gồm cả các dự án hạ tầng giữa các địa phương; gắn kết chi đầu tư và chi thường xuyên; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư và hệ thống theo dõi tập trung nhằm cải thiện chất lượng báo cáo đầu tư công…
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác