Rủi ro margin cho VIP

(ĐTTCO) - Hôm 5-4, UBCKNN đã gửi văn bản đến các CTCK yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đối với nhóm CP họ FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART, GAB. Nếu chỉ là NĐT cá nhân thông thường khi đón nhận thông tin này, nhiều người có thể cảm thấy bất ngờ. 
Rủi ro margin cho VIP
Đơn giản là vì trên hệ thống giao dịch của một số CTCK lớn, họ FLC thường không được sử dụng margin. Một loạt câu hỏi được đặt ra ở đây liệu NĐT có cửa nào để sử dụng margin mua CP họ FLC không? Các CTCK có dễ dàng bỏ đi mối lợi cho một CP siêu thanh khoản? 
Bởi lẽ phiên 11-1, GTGD khớp lệnh tại HOSE đạt hơn 34.600 tỷ đồng, thì chỉ riêng GTGD tại FLC đã xấp xỉ 3.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9%.
Hiểu nôm na cứ 10 đồng GTGD tại HOSE có gần 1 đồng đến từ giao dịch của FLC, đó là mới chỉ tính riêng CP đầu đàn chứ chưa cộng thêm những CP trong họ khác tỷ lệ còn lớn hơn. Cứ giả định phí giao dịch khoảng 0,2%, 3.100 tỷ đồng GTGD của FLC tạo ra phí giao dịch là 6,2 tỷ đồng chỉ trong vòng có 1 ngày. 
Còn nếu giả định trong 3.100 tỷ đồng GTGD chỉ cần khoảng 20% là vốn margin, tương đương 620 tỷ đồng, thì nếu lãi vay khoảng 12%/năm số lãi thu mỗi ngày sẽ là hơn 200 triệu đồng, số tiền này tính ra có thể trả được chi phí mặt bằng, điện nước cho một sàn giao dịch chứng khoán cỡ vừa trong… một tháng. Qua những ước tính sơ bộ này cũng có thể thấy được những mối lợi quá lớn mà một CP siêu thanh khoản như FLC có thể tạo ra, còn việc có tận dụng hay không lại là chuyện khác. 
Những CP có thanh khoản lớn, không chỉ tạo ra nguồn thu về phí, lãi margin lớn, mà còn củng cố vị thế của CTCK, chẳng hạn như thị phần. Về quy trình cấp vốn vay (margin) cho NĐT thường sẽ có 2 bước, đầu tiên là CP phải nằm trong danh sách được cơ quan quản lý cho phép, và kế tiếp sẽ là quan điểm của CTCK. Nghĩa là nếu CP không bị cấm margin, CTCK sẽ được phép triển khai, còn muốn hay không sẽ do bộ phận xét duyệt rủi ro và các yếu tố có liên quan quyết định.  
Song theo một chuyên gia chứng khoán kỳ cựu, nếu cứ chiếu theo hệ thống giao dịch của CTCK rất đơn giản, CP nào được cấp margin, tỷ lệ bao nhiêu, sẽ hiện lên thông số rõ ràng, nhưng nếu là NĐT VIP, câu chuyện có thể sẽ khác. Cũng cần nhắc lại suốt chiều dài lịch sử của nghiệp vụ margin, từ khi chưa được phép hoạt động, cho đến khi chính thức ra đời và kéo dài đến nay luôn luôn có những vấn đề, mà nổi bật trong số đó là “xé rào”, khi chưa được phép đã có CTCK tìm cách lách để triển khai, rồi đến khi triển khai thì lại xé rào tỷ lệ ký quỹ… Nên việc khách VIP được cấp margin riêng biệt, cho một nhóm CP đặc biệt nào đó không phải là không có khả năng. Vả lại, như đã nói ở trên, trong trường hợp CP không bị cơ quan quản lý cấm sử dụng margin thì CTCK vẫn có thể làm.
CTCK có thể có lý khi cho rằng, mỗi nhóm khách hàng cần những chính sách riêng biệt để phục vụ linh hoạt phù hợp. Nhưng nếu có quan điểm cho rằng, trên hệ thống hoặc ngoài mặt CTCK nói không cấp với một hay một nhóm CP nào đó, nhưng với khách VIP lại có chính sách khác có thể tạo ra rủi ro thiếu nhất quán trong quản trị rủi ro. Nhóm khách VIP về mặt số lượng có thể ít, nhưng tỷ trọng về ảnh hưởng lại lớn, và trong trường hợp nếu có rủi ro xuất hiện thì xử lý hệ quả chưa chắc đơn giản. Rủi ro không chỉ dừng lại ở việc NĐT sử dụng margin nhiều tỷ lệ thua lỗ có thể lớn, mà có thể là sau đó vì việc này mà CTCK bị mất khách, và trong những trường hợp buộc phải xử lý rủi ro (giải chấp) có khi dễ xảy ra xung đột.
Bởi lẽ với NĐT bình thường, CTCK có thể lấy lý do “robot vô tình”, cứ chạm ngưỡng rủi ro là cắt, nhưng với khách VIP nếu cắt margin quá gắt, rủi ro mất khách sau đó rất dễ xảy ra.

Các tin khác