“Siết” trái phiếu doanh nghiệp để giảm rủi ro cho nền kinh tế

(ĐTTCO) - Các chuyên gia cho rằng, việc “siết” lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm minh bạch thị trường và giảm rủi ro cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nửa đầu năm nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất.

Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành thành công hơn 43.300 tỉ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 4,55 năm; các doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công hơn 45.500 tỉ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 3,84 năm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản có những đợt phát hành trái phiếu lớn như: Novaland, Hưng Lộc Phát, Phát Đạt, BCG Land huy động đến hàng trăm tỷ tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm. 

Cùng với hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức tín dụng gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là xu hướng các nhà đầu tư cá nhân tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Sự gia tăng đáng kể của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng vào những lĩnh vực không ưu tiên được siết chặt, đã dấy lên lo ngại về tính an toàn của kênh đầu tư vốn được xem là hấp dẫn về lợi nhuận này.

Ông Nguyễn Thiên Quân, Tổng Giám đốc Công ty phát triển nhà Đông Nam bộ cho rằng: “Thực ra trái phiếu doanh nghiệp là một kênh phụ trợ, nhưng hiện nay lại trở thành kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp để huy động các nhà đầu tư hỗ trợ vốn phát triển dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty có dự án thực, có quy mô và định hướng phát triển rõ ràng. Trên thực tế thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có khả năng huy động vốn của các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp”.

"siet" trai phieu doanh nghiep de giam rui ro cho nen kinh te hinh 1

Việc “siết” lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm minh bạch thị trường và giảm rủi ro cho nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp phát hành chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành. Việc nhà đầu tư cá nhân vốn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng phân tích tài chính của doanh nghiệp tăng mua trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn không ít rủi ro. 

Rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải là: Doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu. Doanh nghiệp không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn. Do khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động, nên các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com cho rằng: “Nhìn vào dòng tiền, nhìn vào các dự án rồi khả năng bán hàng, thì sẽ cho đáp án là có nên đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp đó hay không. Lời khuyên của tôi là việc đầu tư trái phiếu cũng không khác gì so với đầu tư cổ phiếu. Vì vậy, nên thực tế xem doanh nghiệp đó triển khai dự án nào, sự phản hồi của khách hàng ra sao, liệu có rủi ro nào về mặt pháp lý hay không. Quan trọng nhất vẫn là phải theo sát doanh nghiệp, hiểu rõ doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định”.

Nghị định số 81/2020 quy định về có hiệu lực từ ngày 1/9 bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, tương ứng mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1 - 2 đợt mỗi năm. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Những quy định mới sẽ chấm dứt thực trạng tồn tại lâu nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được ví như thị trường mở với “3 không”: không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Cũng chính vì vậy, doanh nghiệp tận dụng công cụ này để huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp còn đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng để hấp dẫn những nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường không nắm các quy định, không hiểu “nội tình, sức khỏe” của doanh nghiệp, mà chỉ thấy lãi cao là đầu tư, mặc cho Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản cảnh báo rủi ro.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Hiện tại ở Việt Nam chưa có một công ty nào xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. Việc xếp hạng tín nhiệm chưa có nên không có đánh giá độc lập, là rủi ro cho nền kinh tế. Trong thời điểm chúng ta đang bị tác động bởi dịch bệnh như hiện nay, sức khỏe tài chính của các nhà phát hành, tức là các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta không cẩn thận, sẽ tin tưởng vào thông tin quá lạc quan của các nhà phát hành. Đặc biệt, họ tăng lãi suất lên để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tại thời điểm này, việc siết lại thị trường trái phiếu trong năm nay và năm tới là cần thiết và hợp lý”. 

Theo số liệu thống kê, trong năm 2019 có đến 16 doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 10 đợt trở lên, trong đó có những doanh nghiệp chia nhỏ quy mô và phát hành trên 50 đợt, nhằm tăng huy động từ nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Nghị định 81/2020 được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời loại bỏ doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chộp giật”, thiếu chuyên nghiệp, làm méo mó thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và nhận diện được rủi ro khi tham gia vào thị trường này.


Các tin khác