Tăng giảm thất thường ngưỡng 1.000 điểm

(ĐTTCO) - Chuỗi tăng điểm ấn tượng sau Tết đã giúp VN Index tiếp cận mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 25-2. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui của những NĐT nắm giữ CP tăng giá cùng VN Index, là nỗi buồn của nhiều NĐT khi CP đang nắm giữ liên tục lao dốc.

Tăng mạnh, giảm sâu 
Trước phiên giao dịch ngày 27-2, hàng chục mã CP trên sàn HOSE ghi nhận mức tăng khủng trong 5 phiên giao dịch trước. Đó là các mã: NVT (CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay) tăng 23,94%, HVG (CTCP Hùng Vương) tăng 21,4%, HCM (CTCK TPHCM) tăng 19,77%, CRC (CTCP Create Capital Việt Nam) tăng 19,36%, HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen) tăng 18,8%, PPI (CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương) tăng 18%, POM (CTCP Thép Pomina) tăng 15,34%, DHG (CTCP Dược Hậu Giang) tăng 14,18%, FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân) tăng 12,42%, IJC (CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật) tăng 11,65%.
Cùng ghi nhận mức tăng mạnh bên sàn HNX, là các mã VAT (CTCP VT Vạn Xuân) tăng đến 47%, PVX (Tổng CTCP Xây lắp dầu khí) tăng 30%, KSQ (CTCP CNC Capital Việt Nam) tăng 18,18%, NHP (CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu NHP) tăng 16,67%, KSD (CTCP Đầu tư DNA) tăng 15,22%, SPI (CTCP SPI) tăng 14,29%, VHL (CTCP Viglacera Hạ Long) tăng 12,96%, DP3 (CTCP Dược phẩm Trung ương 3) tăng 11,03%, BVS (CTCK Bảo Việt) tăng 11,02%, C69 (CTCP Xây dựng 1369) tăng 10%.
Tăng giảm thất thường ngưỡng 1.000 điểm ảnh 1 Ảnh: L.THANH 
Phía ngược lại, những mã CP ghi nhận mức sụt giảm mạnh trên sàn HOSE trong 5 phiên gần đây, gồm có: AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD) giảm 19,74%, TMT (CTCP Ô tô TMT) giảm 12,95%, HCD (CTCP Đầu tư sản xuất và Thương mại HCD) giảm 9,73%, TCD (CTCP Đầu tư phát triển công nghiệp và Vận tải) giảm 9,7%, TDG (CTCP Dầu khí Thái Dương) giảm 9,58%, DPM (Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí) giảm 8,95%. 
Còn sàn HNX, dẫn đầu về tỷ lệ giảm trong 5 phiên gần đây có VE9 (CTCP Đầu tư và Xây dựng VNECO 9) giảm 21,21%, PVV (CTCP Vinaconex 39) giảm 16,67%, HKB (CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc) giảm 12,5%, UNI (CTCP Viễn Liên) giảm 10%, NSH (CTCP Nhôm Sông Hồng) giảm 9,38%, KVC (CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu inox Kim Vĩ) giảm 8,33%, HKT (CTCP Chè Hiệp Khánh) giảm 8%.

KQKD phản ánh vào giá CP
Đáng chú ý trong nhóm CP tăng giá có sự xuất hiện của nhiều mã CP thép. Sau thời gian điều chỉnh dài và sâu, nhóm CP ngành này bất ngờ tăng mạnh nhờ thông tin giá thép tăng cao. Việc giá thép tăng cao có tác động tích cực lên các doanh nghiệp nhờ giá vốn rẻ.
Nguyên nhân do phần lớn doanh nghiệp duy trì lượng hàng tồn kho rất lớn trong cơ cấu tài sản ngắn hạn. Đơn cử, trường hợp của HSG, dù đã cắt giảm mạnh hàng tồn kho trong hơn 1 năm qua, nhưng hàng tồn kho vẫn là khoản mục lớn nhất trong tài sản ngắn hạn của với tỷ trọng 61%. Trong đó, tồn kho lớn nhất của doanh nghiệp này là nguyên vật liệu với 2.421 tỷ đồng (tương đương với 42% tổng tồn kho).
Ngược lại, những mã CP ghi nhận mức giảm sâu đều bắt nguồn từ những thông tin không tốt liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh (KQKD). Đơn cử, trường hợp TMT với KQKD quý IV-2018 bất ngờ âm 8,8 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2018, TMT lãi 3,2 tỷ đồng, giảm đến 66% so với năm 2017.
Hay như HKB tiếp tục báo lỗ quý thứ 7 liên tiếp với gần 104 tỷ đồng. Trong khi đó, những mã như PVV lại bị NĐT bán tháo do lo ngại bị hủy niêm yết vì thua lỗ 3 năm liên tiếp. Theo báo cáo tài chính, PVV đã thua lỗ trong cả 2 năm 2016 và 2017 lần lượt 41 tỷ đồng và 34,3 tỷ đồng. Năm 2018, doanh nghiệp này tiếp tục đặt mục tiêu lỗ 18,15 tỷ đồng nhưng kết quả lỗ tới 43,3 tỷ đồng.

Ông lớn chi phối VN Index
Dù ghi nhận mức tăng/giảm khá mạnh, nhưng những mã CP trên không tác động nhiều vào mức tăng của các chỉ số. Đơn cử, phiên giao dịch ngày 25-2, khi VN Index suýt tái lập thành công mốc 1.000 điểm, những mã góp sức nhiều nhất cho chỉ số này là VCB (Vietcombank) góp 1,58 điểm, VNM (Vinamilk) góp 1,43 điểm, MSN (Masan) góp 0,99 điểm. Ở tuần giao dịch trước đó, khi VN Index tăng 38,02 điểm và được xếp vào top các chỉ số CK tăng mạnh nhất thế giới, những mã góp điểm nhiều nhất cho chỉ số này là VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup) và VMN đóng góp lần lượt 12,15 điểm, 4,86 điểm và 4,52 điểm.
Thực tế này cho thấy, diễn biến thị trường nhiều khả năng vẫn chịu sự chi phối bởi biến động của một vài CP vốn hóa lớn, nhưng kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng CP. Các nhóm CP được sự hỗ trợ của dòng tiền từ khối ngoại sẽ tiếp tục tạo được sức hút với thị trường.
Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến vẫn tìm đến các CP chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận. Theo giới phân tích, với thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao hiện nay, sự đổi trụ thành công giữa các nhóm CP dẫn dắt sẽ quyết định kịch bản của thị trường, cũng như có bứt phá thành công thử thách ở vùng 1.000-1.010 điểm trong các phiên giao dịch sắp tới. Nếu thành công vùng 1.010 điểm, khả năng thị trường sẽ chinh phục vùng đỉnh 1.035-1.039 điểm.
 Sau phiên điều chỉnh giảm ngày 26-2, VN Index đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch hôm qua (27-2). Chốt phiên, chỉ số này tăng 3,21 điểm (tương đương 0,33%) lên mức 990,27 điểm. Toàn sàn HOSE có 163 mã tăng, 142 mã giảm và 48 mã đứng giá. Thanh khoản tiếp tục đứng ở mức cao với gần 259 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 5.152 tỷ đồng. Trái ngược với sàn HOSE, HNX Index giảm nhẹ 0,03 điểm xuống còn 107,63 điểm. Thanh khoản của HNX đạt 436 tỷ đồng với 36,3 triệu CP được chuyển nhượng.

Các tin khác