Thị trường cổ phiếu Mỹ phản ứng với kết quả bầu cử

(ĐTTCO)-Thị trường cổ phiếu Mỹ đã có tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 4, sau tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3. Mặc dù kết quả bầu cử chưa rõ ràng cho đến ngày thứ sáu 6-11, thị trường cổ phiếu vẫn cho thấy giới đầu tư đang mạnh dạn xuống tiền và mong muốn lấy lại những gì đã mất trong 2 tuần trước đó. 
Thị trường cổ phiếu Mỹ phản ứng với kết quả bầu cử ảnh 1
Vị tổng thống tốt cho thị trường!
Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân của việc này. Thứ nhất, yếu tố bất định được dự kiến sớm giảm đối với chính sách kinh tế Mỹ. Chỉ số VIX - một trong những thước đo đánh giá mức độ lo ngại của nhà đầu tư với sự bất định của thị trường, đã giảm xuống sau khi bật tăng lại trong tuần trước bầu cử.
Thứ hai, diễn biến của kết quả bầu cử đối với số ghế ở Thượng viện và Hạ viện của Mỹ, cho thấy có thể sẽ không có “Làn sóng xanh” như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng và sẽ quét qua cả 2 viện của quốc hội Mỹ. 
Điều trên gần như đồng nghĩa: nếu ông Joe Biden chiến thắng (theo tình thế hiện tại ông Biden đang có nhiều cơ hội hơn), nhiều chính sách ông đưa ra trước bầu cử như tăng gần gấp đôi thuế lãi vốn, tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập với người có thu nhập cao, chi tiền đầu tư hạ tầng xanh, kích thích kinh tế mạnh, sẽ không dễ thông qua ở Thượng viện - nơi vẫn đang giằng co và nhiều khả năng là đảng Dân chủ của ông Biden sẽ không thể chiếm ưu thế. 
Tờ Financial Times cho rằng, nếu đảng Cộng hòa tiếp tục nắm ưu thế ở Thượng viện, ông Biden đối mặt với khả năng trở thành một “tổng thống vịt què” - tổng thống không có thực quyền.
Bởi lẽ một số thượng nghị sĩ Cộng hòa thực tế còn bảo thủ và cực hữu hơn cả Tổng thống Trump, do đó ông Biden sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thông qua các chương trình tăng thuế để trợ cấp cho các kế hoạch về chăm sóc sức khỏe, giảm học phí cho sinh viên hay đầu tư lớn của mình.
Dù vậy, dường như nhiều người đã bỏ quên một yếu tố quan trọng trong tuần - do diễn biến kịch tính của bầu cử ở Mỹ - là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục và bày tỏ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, do lo ngại kinh tế Mỹ đang hồi phục chậm lại. Việc Fed tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế là tin tốt cho thị trường cổ phiếu, có nghĩa với phố Wall cũng là tin tốt.
Thị trường cổ phiếu Mỹ phản ứng với kết quả bầu cử ảnh 2 Ảnh minh họa.
Những câu chuyện muốn... nói sao cũng được
Thế nhưng đây chỉ là những câu chuyện giới truyền thông tài chính cố gắng vẽ ra để ủng hộ cho đợt tăng giá cổ phiếu, theo sau dòng dịch chuyển vốn từ các quỹ đầu tư từ các cổ phiếu hưởng lợi gói kích thích kinh tế sang nhóm cổ phiếu công nghệ, cũng như sự dịch chuyển vốn ra khỏi các quỹ trú ẩn như thị trường tiền tệ.
Các tài sản có rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu, bitcoin lẫn thương phẩm như dầu thô đều tăng lên, phản ánh sự dịch chuyển vốn từ tài sản an toàn sang tài sản có rủi ro. 
Nói cách khác, sau 2 tuần lo ngại rủi ro (risk off), nhà đầu tư lại bắt đầu “tham lam” và đặt tiền vào tài sản có rủi ro để mong tìm kiếm lợi nhuận (risk on). Các nhà phân tích và hãng tin truyền thông tài chính chẳng qua là cố tìm những câu chuyện ủng hộ cho dòng tiền và tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư.
Một người bạn của tôi làm giám đốc quỹ đầu tư ở Singapore cười cợt: “Cách đây mấy tuần họ bảo “Làn sóng xanh” ở lưỡng viện mới tốt cho thị trường, còn tình trạng chính phủ chia rẽ sẽ là ác mộng với thị trường. Nay họ lại đổi ý, bảo chính phủ chia rẽ, tổng thống không có thực quyền thì tốt. Đúng là không biết đường nào mà lần”. 
Thực tế, câu chuyện “tổng thống vịt què” có thể sẽ quay lại thành tin xấu bất kỳ lúc nào, theo nhận định của nhiều nhà phân tích kỳ cựu trên thị trường. Ông Biden nếu chiến thắng có lẽ không thể tăng thuế.
Nhưng ông cũng không thể thông qua một ngân sách chi tiêu vài ngàn tỷ USD cho gói cứu trợ kinh tế lần thứ 2 đảng Dân chủ muốn thực hiện trước bầu cử Mỹ. Và nước Mỹ đang rất cần gói kích thích kinh tế nếu muốn tiến trình hồi phục kinh tế tiếp tục không rơi vào suy thoái 2 đáy (double dip) như nước Anh hiện nay.
Việc Fed tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế là tin tốt cho thị trường cổ phiếu, có nghĩa với phố Wall cũng là tin tốt.
Thực tế, trước bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã không thể đạt được thỏa thuận cho một gói hỗ trợ kinh tế 1.600-1.800 tỷ USD. Nay có thể điều đó còn khó khăn hơn nữa, khi nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa vẫn bày tỏ lập trường rõ ràng là họ không cảm thấy cần gói kích thích kinh tế thứ 2 - gói chắc chắn sẽ phải tài trợ thông qua tăng thuế.
Một tiến trình thương lượng dai dẳng rất có thể sẽ tiếp tục, và lần này chính phủ đương nhiệm của ông Trump sẽ không vội vàng thúc đẩy tiến trình đàm phán đó - nếu ông bị thua. Điều đó nghĩa là gói cứu trợ kinh tế có thể sớm nhất cũng phải đến sau tháng 1 năm sau mới có thể thông qua, và quy mô của nó nhiều khả năng có thể ít hơn con số 1.600 tỷ USD mà chính quyền ông Trump cố gắng đàm phán. 
Tất nhiên, đây chỉ là một khả năng. Vẫn có khả năng vào thời điểm cuối cùng của đợt bầu cử này, đảng Dân chủ bất ngờ giành lợi thế ở Thượng viện. Hay biết đâu vào phút thứ 93 kết quả bầu cử đột nhiên đảo ngược, ông Trump thắng, đồng thời đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện (những khả năng này hiện tại đã trở nên rất thấp). Dù là 1% cơ hội thì vẫn là còn cơ hội.
Dù sao, những thảo luận này chỉ là những câu chuyện giới phân tích viết nên. Họ sẽ có thể viết nên câu chuyện khác vào tuần lễ sau. Nhất là sau khi có phân định rõ ràng hơn về ai là người chiến thắng ở những bang chiến trường đang tranh chấp hiện nay.  

Các tin khác