Thị trường OTC đang nóng lên

(ĐTTCO) - Thống kê trên một bảng giá OTC khá quen thuộc với các NĐT, phải đến 60% các giao dịch liên quan đến CP ngân hàng (NH). Dù vậy, khi các NH lần lượt niêm yết, thì sự chú ý sẽ đổ dồn vào một số CP khác.

CTCK: Trạm chuyển niêm yết
Ông Trí Lê, Giám đốc Chi nhánh quận 3 CTCK Phú Hưng cho biết: “Để tìm ra CP “hot” trên OTC khá đơn giản, cứ có lộ trình niêm yết cụ thể thì khoảng thời gian từ 3-6 tháng CP sẽ có sóng, còn sóng mạnh đến đâu tùy thuộc vào nền tảng của doanh nghiệp và các yếu tố giao dịch có liên quan. Kỳ vọng của NĐT tất nhiên có thể mua OTC để rồi CP lên sàn bán với giá cao, hoặc nếu OTC được giá cũng bán luôn”.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cận ngày lên sàn thường sức hút của CP trên OTC giảm đi, do giá kỳ vọng cao dần, người mua thấy mua dưới sàn không đáng, còn người bán lại đợi bán trên sàn để… bõ công giữ hàng. 
NH đã và đang lên sàn rất nhiều, các CTCK lớn hầu như đang dồn cho một số CP bất động sản. Cenland hiện đang thu hút khá nhiều giao dịch, vì tại ĐHCĐ diễn ra vào đầu tháng 4, ngoài việc đề ra những kế hoạch kinh doanh khả quan như doanh thu gần 1.700 tỷ đồng, lãi ròng 320 tỷ đồng, một trong những yếu tố tạo ra sự sôi động của Cenland là hệ thống phân phối CP này được đặt tại một số CTCK lớn. Nguồn hàng tập trung tại một số đầu mối chính sẽ giúp cho cả người mua lẫn người bán dễ tìm thấy nhau. 
Thị trường OTC đang nóng lên ảnh 1
Một môi giới có thâm niên cho biết, thời gian vừa qua có khá nhiều NĐT có nhu cầu mua hàng OTC, nhưng vì muốn tập trung cho CP trên sàn nên đã giới thiệu khách hàng đến các đầu mối để giao dịch. “Điều này có lợi cho cả ba bên, khách hàng, các nguồn hàng và cả môi giới. Vì trước đây, khách nhờ làm OTC, dù rất bận nhưng vẫn phải cố gắng thực hiện cho xong để đảm bảo chăm sóc khách hàng tốt nhất, nhưng ngược lại tôi cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mà phí thì chẳng đáng bao nhiêu”- môi giới này chia sẻ. 
Việc tập trung tại các đầu mối thực ra không chỉ giúp các công ty chuẩn bị lên sàn có được kênh phân phối tối ưu, mà còn có cơ hội tiệm cận, làm quen với các NĐT. Đơn cử như trường hợp của HPInvest (Đầu tư Hải Phát), một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hiện cũng có CP giao dịch với giá tầm 2.7 trên thị trường OTC. Ít nhất, nếu được các môi giới chia sẻ thông tin, cơ hội HPInvest cũng có cơ hội làm quen dần với các NĐT, qua đó có thể mở rộng được cơ cấu sở hữu trước khi lên sàn. 

CP cũng được chọn lọc
Giao dịch OTC hiện rất nhanh chóng và rất gần với trên sàn. Trước đây, người mua gần như chỉ có phương án duy nhất là giao dịch rồi nhận sổ cổ đông, chứng nhận sở hữu. Bên cạnh phương án truyền thống này, hiện nay nếu CP nào đã đưa vào hệ thống lưu ý, khi sở hữu CP đó, NĐT sẽ được ghi nhận trên tài khoản chứng khoán của mình. Đối với những môi giới còn làm hàng OTC đến thời điểm này, đều là những người kỳ cựu và đang làm việc ở CTCK. Những NĐT cá nhân kiêm môi giới OTC như cách đây một thập niên, giờ cũng không còn tham gia thị trường. 
ViettelPost (VTPO) cũng là một trong những CP “hot” trên thị trường OTC với giao dịch dao động quanh vùng giá 7.5-8.3, và đây cũng là CP có thể sở hữu trên tài khoản chứng khoán. Khoảng cách (gap) khá lớn trong vùng giá giao dịch của VTPO nói riêng và nhiều CP OTC nói chung, chính là sự hấp dẫn với các môi giới OTC, bởi phí giao dịch không cố định như CP niêm yết. Các môi giới đứng ra dàn xếp các giao dịch và sẽ hưởng chênh lệch (ăn lai). 
Chẳng hạn, nếu bên mua tìm CP với giá mục tiêu 10.0, các môi giới có thể tìm bên bán và thỏa thuận giá bán 9.7-9.8 để hưởng chênh lệch “2 giá”, tức 2.000 đồng/CP. Do mua bán tự do, không có biên độ, nên tất nhiên có những lúc khách hàng cần bán gấp hoặc mua bằng được thì chênh lệch giá có thể tạo ra cho môi giới được hưởng sẽ là khá lớn.
Theo đó, các hợp đồng mua bán khi được thực hiện có thể “chẻ” ra các điều khoản, chẳng hạn như bao nhiêu tiền sẽ chuyển cho môi giới, bao nhiêu tiền chuyển cho bên bán. Trong thực tế, các hoạt động quản lý giao dịch OTC hiện đều được thực hiện ở CTCK, hoặc nếu doanh nghiệp vẫn quản lý sổ cổ đông cũng liên kết chặt chẽ với CTCK, nên những rủi ro kiểu như làm giả sổ cổ đông như xưa cũng được hạn chế ở mức thấp nhất. 

Thị trường OTC cũng đa dạng hơn
Trước đây, thường có suy nghĩ đã mua bán OTC thường phải làm những lô lớn, tức phải từ 10.000 CP trở lên mới bõ công giao dịch. Tuy nhiên, do hệ thống chuyển đổi sở hữu ngày càng hiện đại và nhanh chóng, nên KLGD trên thị trường OTC cũng khá đa dạng.
Thử lấy một thí dụ đơn giản, giả sử một người nắm giữ chỉ khoảng 5.000 CP, nhưng nếu có thể bán với mức chênh lệch lên đến 5.000 đồng/CP (5 giá), thì khoản lãi thu về cũng lên đến 25 triệu đồng. Trong khi đó, chênh lệch 5 giá trên sàn niêm yết có thể mất thời gian, nhất là với những CP có giá từ 2.0-3.0 trở xuống, mất nhiều phiên tăng, nhưng trên thị trường OTC lại rất dễ xảy ra.
Trong một ngày mà bên mua cố gắng mua cho đủ số lượng, môi giới tích cực đi tìm hàng, thì việc trả cao với kỳ vọng mua bán cao hơn sẽ được thực hiện không chút đắn đo.
Với vai trò trạm chuyển niêm yết như hiện nay, cơ hội hưởng lợi từ thị trường OTC sẽ không chia đều cho tất cả các công ty. Sẽ khó có chuyện công ty không đưa CP lên niêm yết tại HOSE, HNX hay giao dịch tại UPCoM mà có thể mua bán được CP trên thị trường OTC, bởi lẽ theo xu thế niêm yết ngày một nhiều, dòng tiền cũng sẽ theo các CP trên OTC mà lên sàn.
Vì vậy, thanh khoản tại OTC cũng có chiều hướng chững lại, thậm chí sụt giảm là điều tất yếu. Mặt khác, các giao dịch cần được tập trung tại các sàn chính với các tiêu chí rõ ràng, tập trung là xu thế chung của thị trường. 

Các tin khác