Thiếu minh bạch nghiệp vụ tự doanh?

(ĐTTCO) - Những phiên giao dịch bất thường gần đây, cộng với việc HoSE ngừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) trước đó, càng khiến nhà đầu tư (NĐT) có thêm lý do để nghi ngờ về tính minh bạch của các CTCK.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những phiên giao dịch bất thường
Đợt điều chỉnh mạnh của VN Index trong tháng 4 khiến phần lớn NĐT cá nhân thua lỗ nặng. Ngay cả những NĐT thận trọng mua vào những mã  cổ phiếu (CP) cơ bản có kết quả kinh doanh tốt, cũng “kêu trời” vì giá CP liên tục đi xuống. Điều đáng nói, CP liên tục bị đè giá ở thời điểm trước khi bước vào phiên ATC, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Với lượng CP quá lớn được bán ra ở khung giờ cuối, khả năng đảo chiều gần như không còn và CP thường chốt phiên ở mức giảm rất sâu. Không chỉ có hiện tượng “đạp” giá, VN Index liên tục có những phiên tăng điểm bất thường ở thời điểm cuối phiên chiều. 
Đơn cử, ngày 26-4, đang từ mức giảm gần 80 điểm phiên sáng, chỉ số này bất ngờ quay đầu tăng 30 điểm nhờ dòng tiền đổ mạnh vào nhóm CP có vốn hóa lớn. Hay phiên giao dịch ngày 5-5, trong khi bảng điện ngập trong sắc đỏ với 272 mã giảm so với 160 mã tăng, nhưng VN Index vẫn tăng 12 điểm nhờ sắc xanh bất thường từ nhóm CP có vốn hóa lớn. 
Hiện tượng bất thường này liên tục xảy ra trong khung giờ nhất định khiến giới đầu tư cho rằng, lệnh mua vào hoặc bán ra với số lượng quá lớn này chỉ có thể xuất phát từ bộ phận tự doanh của các CTCK.
Nhận định này trùng khớp với thống kê về giá trị bán ròng bộ phận tự doanh của các CTCK. Cụ thể, từ ngày 16 đến 22-4, khối tự doanh bán ròng 1.200 tỷ đồng hàng loạt mã CP lớn như MSN, MWG, FPT, PNJ, MBB, HPG, VHC, DGC... Đây cũng là những mã CP tự doanh đã mua ròng gần 2.700 tỷ đồng trong tuần trước ở mức giá thấp hơn nhiều.
CTCK có vô can?
Trong khi phần lớn NĐT cá nhân thua lỗ nặng nề trong tháng 4, việc tự doanh vẫn có lãi ở thời điểm khó khăn nhất càng khiến NĐT đặt dấu hỏi về tính minh bạch của các CTCK.
Thực tế, những CP kể trên từng được bộ phận phân tích của các CTCK khuyến nghị NĐT mua ở mức giá cao, trong khi tự doanh âm thầm bán chốt lãi. Đơn cử, nhóm CP ngành thép, trong đó có HPG, được một CTCK khuyến nghị mua vào với giá mục tiêu cao hơn gần 50% so với thị giá thời điểm cuối năm ngoái.
Lý do, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong những tháng cuối năm, nhiều dự án bất động sản sẽ được khởi động trở lại, cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu và giá thép được dự báo giữ ở mức cao như hiện tại cho đến năm 2022, giúp doanh nghiệp thép duy trì được tỷ suất lợi nhuận khủng.
Tuy nhiên, những NĐT mua theo khuyến nghị này đều lỗ nặng khi nhóm CP thép liên tục dò đáy, thậm chí nhiểu mã rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm.  
NĐT càng có lý do để nghi ngờ khi trước đó HoSE công bố quyết định dừng cung cấp gói dữ liệu tự doanh kể từ ngày 1-3. Theo HoSE, thông tin giao dịch tự doanh thuộc gói dịch vụ thông tin giữa HoSE và đối tác khách hàng theo hợp đồng. Thông tin này không thuộc nội dung công bố thông tin (CBTT) về giao dịch CK của HoSE theo quy định tại Điều 37, Thông tư 96.2020/TT-BTC hướng dẫn CBTT trên TTCK.
Do vậy, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh sẽ không ảnh hưởng tới thông tin HoSE công bố ra thị trường theo quy định.
Theo một NĐT có thâm niên trên TTCK, rất khó để đưa ra bằng chứng khẳng định các CTCK khuyến nghị NĐT mua vào những mã CP bộ phận tự doanh đang nắm giữ để trục lợi, bởi những mã CP này trên thực tế đều là hàng CP tốt. Tuy nhiên, sẽ không thể tránh khỏi những nghi ngờ về hiện tượng giá CP giảm dù CTCK khuyến nghị mua vào.
Thậm chí, nhiều NĐT còn nghi ngờ các CTCK cố tình tạo nên tình trạng quá tải trong những phiên giao dịch có biến động, để ưu tiên bán CP mình đang nắm giữ ở mức giá xanh trước khi thị trường lao dốc.   

Xung đột lợi ích
Trước những phản ứng gay gắt của NĐT về hoạt động tự doanh, mới đây đại diện Bộ Tài chính đã giải thích, về thông lệ quốc tế và quy định pháp luật, CTCK được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh CK, bảo lãnh phát hành, môi giới và tư vấn đầu tư CK. Tuy nhiên, Luật CK và các văn bản hướng dẫn đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và CTCK.
Theo đó, CTCK có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng. Quá trình hoạt động, CTCK được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư CK có thể có xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng. Do vậy, để ngăn ngừa,
UBCKNN thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các CTCK, nhằm đảm bảo các CTCK hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.
Giải thích của Bộ Tài chính chắc chắn không thể xoa dịu bức xúc của NĐT, bởi trên thực tế hoạt động tự doanh của các CTCK đã được giới đầu tư “phàn nàn” từ cách đây hơn 10 năm. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển hoạt động tự doanh sang quỹ đầu tư để tránh sự xung đột lợi ích giữa các bên.
Theo lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, tùy theo điều kiện, CTCK có thể được phép tiến hành một hoặc tất cả nghiệp vụ hoạt động. Tuy nhiên, nếu CTCK được phép tiến hành cùng lúc nhiều hoạt động, trong đó có tự doanh, sẽ dẫn đến các xung đột lợi ích, như xung đột lợi ích giữa hoạt động tự doanh và môi giới. 
Theo đó, để đạt được lợi ích của mình, CTCK sẽ thực hiện các hoạt động chèn lệnh để giành lệnh mua hoặc bán trước khách hàng. Một hiện tượng nữa là xung đột giữa hoạt động tư vấn và tự doanh. Vì mục tiêu lợi nhuận, CTCK sẽ tư vấn cho khách hàng mua hoặc bán mã CP nào đó theo hướng có lợi nhất cho bộ phận tự doanh của mình. 
 Thông thường, danh mục đầu tư của các CTCK là những mã CP có vốn hóa lớn, hoặc doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, danh mục đầu tư của bộ phận tự doanh một số CTCK xuất hiện nhiều mã CP của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Các tin khác