Thời chứng chỉ quỹ ETF?

(ĐTTCO) - Những phiên lao dốc kinh hoàng vừa qua khiến cho nhiều nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là NĐT F0, thua lỗ nặng. Trước tình trạng này, nhiều NĐT đã chuyển hướng đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nhằm hạn chế rủi ro.

Nhiều NĐT đã chuyển hướng đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nhằm hạn chế rủi ro.
Nhiều NĐT đã chuyển hướng đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nhằm hạn chế rủi ro.
ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ hoán đổi danh mục, hoạt động mô phỏng theo sự biến động của một bộ chỉ số hay một nhóm ngành cụ thể như bất động sản, hàng hóa, dầu mỏ. Hầu hết các quỹ ETF áp dụng chiến lược đầu tư thụ động và mô phỏng các chỉ số giá trị vốn hóa thị trường.
Quỹ ETF nội tăng tốc
Báo cáo phân tích về các quỹ ETF nội vừa được CTCK TPHCM (HSC) công bố, cho thấy tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ ETF nội đã tăng tới 64% lên 1 tỷ USD, trong khi các quỹ ETF ngoại chỉ tăng 12% lên 1,4 tỷ USD.
Cụ thể, quỹ nội đầu tiên là ETF E1VFVN30 đã bắt đầu tăng trưởng ấn tượng sau 2 năm kể từ khi niêm yết (năm 2014). Vào thời điểm đạt đỉnh, quy mô của quỹ là 389 triệu USD (tương đương 9.053 tỷ đồng), tăng 42 lần so với quy mô ban đầu.
Hiện tài sản của quỹ này là 372 triệu USD. Trong khi đó, quỹ VFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF đã được niêm yết từ năm 2020, và thu hút được nhiều sự chú ý. Tổng tài sản quản lý hiện tại là 522 triệu USD và 87,5 triệu USD, tăng lần lượt 99 lần và 47 lần so với quy mô niêm yết. Kết quả hoạt động tính từ đầu năm của các quỹ ETF nội này tăng hơn thị trường chung, lần lượt 33,1% và 44,7% so với VN Index.
Với quỹ ngoại, VinaCapital là một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam, với quy mô lên đến 3,3 tỷ USD, cũng vừa công bố những con số ấn tượng về tình hình hoạt động của các quỹ đầu tư của mình.
Một yếu tố mà NĐT cần phân biệt khi đầu tư vào ETF là các quỹ này không hề phân bổ đều các CP trong chỉ số. Họ sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau để có thể phân bổ tỷ trọng danh mục của mình. 
Đáng chú ý là quỹ ETF VinaCapital VN100 (thành lập năm 2020) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 38,5%. CCQ ETF này hiện nắm giữ danh mục mô phỏng theo chỉ số tham chiếu VN100, bao gồm 100 mã CP đầu ngành niêm yết trên HoSE với mã FUEVN100.
Theo VinaCapital, hơn 80% tổng tài sản của quỹ được đầu tư vào các ngành: tài chính, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và vật liệu. Đứng đầu danh mục đầu tư là các mã như: HPG (Hòa Phát), VIC (Vingroup), TCB (Techcombank), VPB (VPBank) và VHM (Vinhomes). Đây là những công ty được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước và mức thu nhập ngày càng tăng của người dân Việt Nam.
“Tránh bão” ở CCQ
Ông Bình, một NĐT tại TPHCM và nhóm bạn của mình, vừa quyết định bán “cắt lỗ” hết số CP ngân hàng mua từ giữa tháng 6,  để đầu tư vào hàng loạt CCQ ETF đang niêm yết trên HoSE.
Theo ông Bình, thị trường CP đang bị tác động tiêu cực vì dịch bệnh và không biết đến bao giờ mới kiểm soát được, nhất là sau khi hàng loạt doanh nghiệp tại TPHCM phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch. Với sự ngừng trệ này, rủi ro nợ xấu sẽ quay trở lại và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các nhà băng. 
Thời chứng chỉ quỹ ETF? ảnh 1 ETF  trở thành nơi "tránh bão" cho NĐT khi thị trường chứng khoán thất thường. Ảnh ĐT
Ngoài yếu tố kể trên, lý do để ông Bình và nhiều NĐT chuyển hướng sang CCQ ETF là mức độ rủi ro không quá lớn so với giá CP. Trong bối cảnh hiện tại, thì đây là kênh đầu tư “tránh bão” trong khi thị trường CP đang gặp quá nhiều biến động thất thường.
Theo HSC, các quỹ ETF thường là một giải pháp thay thế rẻ hơn và hiệu quả hơn cho các quỹ đầu tư khác, đặc biệt là trong những thời kỳ có nhiều biến động. Do đó, không ngạc nhiên khi Việt Nam đã bắt kịp xu hướng toàn cầu về nhu cầu đối với các sản phẩm ETF.
Theo ông Brook Taylor, Tổng giám đốc VinaCapital, Việt Nam đã trở thành quốc gia hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 (tăng 2,9%) và tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021 (tăng 5,6%), điều này giúp tạo niềm tin cho các NĐT trong và ngoài nước. TTCK Việt Nam đã lọt top những thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á với mức tăng 15% trong năm 2020 và 27,6% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Thế nhưng, dù ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, nhưng các NĐT cá nhân, đặc biệt là NĐT F0, với ít thông tin và kinh nghiệm hơn các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, khi thị trường biến động thất thường như các phiên giao dịch gần đây. Chính vì vậy, NĐT nên đa dạng hóa danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau theo nguyên tắc “không bỏ hết trứng vào 1 giỏ”. 
NĐT chú ý những gì khi đầu tư vào quỹ ETF?
Theo giới phân tích, đầu tư vào các quỹ mở và quỹ ETF được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp và có uy tín, sẽ giúp các NĐT cá nhân có danh mục đầu tư đa dạng với ít rủi ro hơn. Thực tế cho thấy, trong những phiên lao dốc của thị trường, nhóm CCQ ETF chỉ giảm nhẹ, thậm chí còn đi ngược lại xu hướng chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới đầu tư, số lượng CCQ niêm yết vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường.
Cụ thể, tính đến 30-6, toàn sàn HoSE có 488 mã CK giao dịch, trong đó gồm: 385 mã CP, 2 mã CCQ đóng, 7 mã CCQ ETF, 65 mã chứng quyền có bảo đảm và 29 mã trái phiếu. Trong số 7 CCQ ETF hiện đang niêm yết trên HoSE, có 3 CCQ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm cơ sở, 2 CCQ ETF sử dụng chỉ số VN100 và VNX50 làm cơ sở và 2 CCQ ETF sử dụng chỉ số VNDiamond và VNFIN Lead làm cơ sở.
Một yếu tố mà NĐT cần phân biệt khi đầu tư vào ETF là các quỹ này không hề phân bổ đều các CP trong chỉ số như các NĐT hay lầm tưởng. Thay vào đó họ sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau để có thể phân bổ tỷ trọng danh mục của mình. Về lý thuyết thì các quỹ ETF sẽ bám theo một chỉ số, nhưng vẫn cố gắng vượt bằng cách tăng tỷ trọng vào những mã được cho là phát triển trong thời gian tới, và tối thiểu tỷ trọng những mã được cho là kém phát triển hoặc không còn dư địa để phát triển.
Mỗi quỹ sẽ có một danh sách tiêu chí ưu tiên riêng để chọn CP. Có những quỹ sẽ ưu tiên chỉ số vi mô cụ thể về công ty như tỷ lệ tăng trưởng, ban lãnh đạo hay có những quỹ sẽ ưu tiên vĩ mô như chu kỳ ngành, hay tỷ lệ tăng trưởng của các ngành trong thời gian tới. 
Trước khi quyết định đầu tư vào CCQ ETF, NĐT cần hiểu rõ các đặc trưng của quỹ như loại hình hoạt động, mục tiêu đầu tư, đặc tính rủi ro, phương thức giao dịch. Những nội dụng này đều được thể hiện trong bản cáo bạch hay điều lệ quỹ.

Các tin khác