“Thời cơ vàng” để lập đỉnh lịch sử mới?

(ĐTTCO) - Những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) không thật sự tích cực. Loạt tin khá bất lợi về vĩ mô, trong đó đáng chú ý nhất là tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, đồng thời biến chủng Covid-19 mới Omicron đã được phát hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên TTCK cũng không có những phản ứng sốc. VN Index vẫn đi ngang trong biên độ 1.480-1.500 điểm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Khi hiện tại là... quá khứ
Mức tăng trưởng GDP 2,58% cho năm 2021 thực tế là con số không gây bất ngờ. Thậm chí, nếu nhìn dưới góc độ dự báo, đây là kết quả ở “biên độ tích cực”, vì trước đó đã có khá nhiều dự báo tăng trưởng kém hơn.
Lấy thí dụ cuối tháng 10-2021, Ngân hàng Thế giới ước tăng trưởng GDP năm 2021 trong biên độ 2-2,5%. Cũng có một vài tổ chức như Ngân hàng UOB đưa ra con số 3%, hay kịch bản lạc quan của Tổng cục Thống kê cũng là 3%. Do vậy, mức tăng trưởng thực tế 2,58% vẫn là một kết quả tốt hơn dự đoán của nhiều tổ chức, dù vẫn ở mức rất thấp.
Và khi đã không còn gây bất ngờ, TTCK sẽ phản ứng một cách thờ ơ. Trong những ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, biến động hẹp và VN Index lên xuống chủ yếu do ảnh hưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Thống kê trong quá khứ, tuần cuối các năm thị trường thường tăng trưởng khá tích cực do bị tác động từ việc duy trì giá trị danh mục đầu tư.
Năm nay tình thế có nhiều khác biệt, nhất là sau “năm covid thứ hai” tăng trưởng đủ ấn tượng (VN Index tăng trưởng khoảng 35%), hoạt động nâng đỡ danh mục không còn “cấp thiết”, thậm chí có giao dịch chốt lời để ấn định mức thưởng hàng năm. Do vậy ngưỡng 1.500 điểm vẫn sẽ là đỉnh cao lịch sử của thị trường, đồng thời là đỉnh của năm 2021.
Thực tế một trong những chỉ báo tâm lý quan trọng trên thị trường là khả năng “thờ ơ” với tin xấu. Yếu tố cảm tính và hành động cảm tính theo đám đông luôn là một phần của thị trường. Vậy nên khi một tin xấu hay không tốt xuất hiện, mức độ hành động cảm tính cho thấy tâm lý nhà đầu tư không dễ bị dao động.
Bởi thị trường càng phản ứng thờ ơ càng thể hiện một tâm lý mạnh mẽ. Nếu nhìn từ góc độ này thì những ngày lình xình cuối năm 2021 của TTCK giữa bối cảnh các số liệu chính thức kết lại một năm kinh tế chao đảo, tăng trưởng thấp kỷ lục, lại là một tín hiệu tốt.
Cần một cú hích tâm lý
Cùng với những dự báo từ sớm về năm 2021 tăng trưởng yếu, đã có rất nhiều dự báo về mức độ phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam năm 2022. Dĩ nhiên các dự báo vẫn sẽ chịu tác động của nhiều biến số, chẳng hạn biến chủng Omicron có thể thổi bùng lên làn sóng dịch bệnh nguy hiểm hơn hay không, nhưng về cơ bản TTCK vẫn “đặt cược” rằng những gì tồi tệ nhất đã qua.
Không chỉ có TTCK Việt Nam, TTCK thế giới cũng như vậy. Biến chủng Omircon càng lan mạnh ở Mỹ, S&P500 lại lập đỉnh lịch sử mới ở tuần cuối năm 2021. Chứng khoán Pháp, Đức, Anh đều đang ở đỉnh cao lịch sử dù số ca mắc tăng chóng mặt. Việc chỉ số VN Index đang bám sát ngưỡng lịch sử 1.500 điểm những ngày này thực tế lại là một cơ hội. Thị trường đang có “thời cơ vàng” để đạt đỉnh lịch sử mới, và điều còn thiếu chính là một kỳ vọng để dẫn dắt.
Tuần đầu tiên của năm 2022, kỳ vọng đó có thể xuất hiện khi kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra từ 4-1 đến 11-1-2022, với nội dung quan trọng là xem xét quyết định dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này sẽ mở đường cho triển khai gói kích thích kinh tế mà TTCK đã chờ đợi suốt từ tháng 10-2021.
Thị trường đã “đặt cược” trước vào gói kích thích này với mức tăng trưởng gần 13% chỉ trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, chính là thời điểm VN Index lập đỉnh lịch sử tại mốc 1.500 điểm lần đầu tiên. Cả tháng 12 thị trường dừng lại tích lũy để chờ đợi một sự xác nhận.
Hàng loạt dự báo tăng trưởng của TTCK năm 2022 đều coi gói kích thích kinh tế này sẽ là cú hích tạo “điểm bùng nổ”. “Tăng trưởng chi tiêu công có thể tạo tác động tích cực lên chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Cầu tiêu dùng dần phục hồi. Gói kích thích kinh tế với quy mô hợp lý hướng vào đúng lĩnh vực và trước Tết Nguyên đán sẽ giúp Việt Nam theo kịp tốc độ hồi phục của thế giới.
Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 6,8-7,2%”, báo cáo triển vọng 2022 của CTCK Vietcombank nhận định. Hay CTCK VNDirect “kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II-2022 để thúc đẩy phục hồi kinh tế. GDP dự kiến tăng 7,5% trong năm 2022”. 
Mặc dù các dự báo thường xuyên phải cập nhật, thay đổi dựa trên những biến số mới xuất hiện theo thời gian, nhưng những kịch bản nói trên cho thấy kỳ vọng của TTCK là có cơ sở. Chu kỳ của thị trường gắn với chu kỳ của kỳ vọng nhiều hơn, khi khởi đầu là phản ứng đón nhận thông tin, nối tiếp bằng một nhịp nghỉ để đánh giá tác động tương lai và xây dựng kỳ vọng, rồi tiếp diễn một nhịp tăng dựa trên kỳ vọng và cuối cùng là thời gian chờ đợi, thậm chí là điều chỉnh để xác nhận kỳ vọng.
Chu kỳ này thường lệnh pha so với các số liệu thực tế do đi nhanh hơn. Vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên nếu TTCK lập đỉnh cao lịch sử mới trước khi hiệu lực của các chính sách kích thích kinh tế được nhìn thấy. 
 Thị trường đang có “thời cơ vàng” để đạt đỉnh lịch sử mới, và điều còn thiếu chính là một kỳ vọng để dẫn dắt. Đó là kỳ vọng kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ diễn ra từ 4-1 đến 11-1-2022, với nội dung quan trọng là xem xét quyết định triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các tin khác