Trái phiếu doanh nghiệp: Đừng vì “con sâu” mà “hất đổ” tất cả

(ĐTTCO) - Sự kiện Tân Hoàng Minh đang khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị rơi vào trạng thái “đông cứng”, với hàng loạt động thái siết chặt của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, không thể vì “con sâu” mà “hất đổ” những đóng góp của TPDN trong thời gian qua.
TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng của DN cũng như cơ hội cho NĐT, tuy nhiên điều quan trọng phải biết chọn lựa thương hiệu DN.
TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng của DN cũng như cơ hội cho NĐT, tuy nhiên điều quan trọng phải biết chọn lựa thương hiệu DN.
Kênh dẫn vốn quan trọng của DN
Trong năm 2021, thị trường TPDN đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Theo báo cáo từ CTCK Sài Gòn (SSI), tổng lượng TPDN lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn 2017-2021.
Theo đó, quy mô thị trường TPDN đã tăng mạnh từ 4,9% GDP (năm 2017) lên tới 16,6% GDP (năm 2021). Quy mô thị trường cổ phiếu (CP) và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (năm 2020) lên mức tương đương 88% (năm 2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 
Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, thị trường TPDN là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt thấp.
Tổng khối lượng TPDN phát hành khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, bình quân gần 239.000 tỷ đồng/năm và gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường TPDN đạt 48%/năm, quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2020 đạt gần 16% GDP, gấp hơn 4 lần năm 2016.
Trên thị trường, các DN bất động sản (BĐS) là nhóm phát hành TP nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng (tăng 66,3% so với năm 2020) và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021. Kế đến, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73% so với năm 2020. Con số này một phần do nhu cầu cần nguồn vốn để bù đắp lượng TP mua lại trước hạn lên tới 67.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các nhóm ngành năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành 28.000-30.000 tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành. Trong đó lượng phát hành của các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các CTCK) và nhóm phát triển hạ tầng tăng cao so với năm 2020, lần lượt tăng 152% và 225%. 
Như vậy, bên cạnh tín dụng và thị trưởng chứng khoán (TTCK), TPDN cũng là kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của các DN niêm yết ở thời điểm hiện tại. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp SSI, mức tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn của cơ quan quản lý, giảm sự phụ thuộc của DN vào tín dụng ngân hàng. 

“Bàn đạp” cho DN minh bạch tăng tốc
Theo một chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị kiểm soát vào các kênh rủi ro, TPDN chính là “cửa sinh” của rất nhiều DN hạ tầng, BĐS và các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng. Trên thực tế, bản thân cơ quan quản lý nhà nước là UBCKNN cũng đã có những đánh giá cao về hiệu quả TPDN mang lại.
Theo phát biểu của đại diện UBCKNN tại buổi tổng kết thị trường TPDN năm 2021, hình thức TPDN hiện đã trở thành kênh huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng, cũng như kênh huy động vốn cổ phần qua TTCK. 
Cũng theo UBCKNN, TPDN đã giúp mọi loại hình DN huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, định hướng nhà đầu tư (NĐT) tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn. TPDN cũng giúp giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn TP.
Đặc biệt, trong các thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành TPDN cũng tăng nhanh, cho thấy các DN đang đẩy mạnh phát hành TP để huy động vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. 
Một trong những DN niêm yết phát hành TP thành công trong 2021 là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT). Năm ngoái, SBT đã chào bán thành công 2.300 tỷ đồng TP từ thương vụ hợp tác với Techcom Securities (TCBS) để phát hành gói TP ra công chúng, với trị giá 700 tỷ đồng và phát hành gói TP riêng lẻ 1.200 tỷ đồng.
Cùng với đó là khoản TP riêng lẻ 400 tỷ đồng được mua bởi Vietinbank. 2 năm 2020 và 2021 được xem là niên độ thành công của SBT trong hoạt động huy động vốn, trong đó ấn tượng nhất vẫn là hoạt động phát hành TP khi đóng góp gần 77% tổng số vốn DN này huy động được. 
Đáng chú ý, thương vụ phát hành trên vừa được The Asset, ấn phẩm uy tín hàng đầu về tài chính tại thị trường châu Á, vinh danh tại hạng mục The Best Local Currency Bond 2021 - Thương vụ TP phát hành bằng đồng nội tệ tốt nhất 2021, trong khuôn khổ Lễ vinh danh The Asset Triple A Award 2021. Theo đánh giá của The Asset, việc SBT phát hành hoàn toàn tín chấp ra công chúng thành công trong thời điểm thị trường vốn toàn cầu bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, đã thể hiện niềm tin vững chắc của các NĐT vào năng lực cũng như triển vọng vượt trội của DN.
CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL) cũng là DN được đánh giá có hoạt động phát hành TP hiệu quả. Trong năm 2021, NVL đã phát hành thành công cho NĐT nước ngoài 300 triệu USD TP chuyển đổi quốc tế, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và sẽ được niêm yết trên Sàn Giao dịch CK Singapore (SGX). Đợt phát hành ghi nhận sự quan tâm lớn từ nhiều NĐT quốc tế uy tín với giá trị đăng ký tham gia gấp nhiều lần so với kế hoạch phát hành 300 triệu USD của Novaland.
Theo thông tin từ NVL, nguồn vốn huy động từ đợt phát hành lần này sẽ tập trung cho mục đích phát triển các dự án trọng điểm của và gia tăng quỹ đất nhằm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, thành công trong giao dịch vốn lần này sẽ góp phần làm cho cấu trúc nợ vay của NVL được cơ cấu tốt hơn do cấu phần nợ trung dài hạn được gia tăng đáng kể. 
Với NĐT, ngoài việc cân nhắc kỹ về sản phẩm đầu tư, thời điểm đầu tư, cần lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín, đảm bảo khả năng thanh toán thông qua việc nắm bắt, nghiên cứu kỹ hồ sơ DN phát hành và các đơn vị liên quan như tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn.

Các tin khác