TTCK: Biến số “lòng tham” và “nỗi sợ hãi”

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) xác lập tuần phục hồi thứ 2 liên tiếp sau 6 tuần lao dốc kinh hoàng. Khác biệt lớn nhất trong 2 tuần qua không phải là tâm trạng hồ hởi của rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) bớt lỗ hay lãi lớn nhờ bắt đúng đáy, mà là sự nổi lên trở lại của những quan điểm phân tích cơ bản.
TTCK: Biến số “lòng tham” và “nỗi sợ hãi”
 Thực ra chỉ trong vài tuần thì yếu tố cơ bản không có gì thay đổi, nhưng khi nỗi sợ hãi lấn át sự minh mẫn của lý trí, không nhiều NĐT cá nhân có thể tìm thấy điểm tựa đủ an toàn để tự tin trong phân tích của bản thân.
Khi con số phụ thuộc vào... cảm xúc
Trên TTCK rất khó phân định rạch ròi giữa yếu tố cảm tính và lý tính. Rõ ràng bảng điện là một chuỗi các con số hoàn toàn khách quan, những công thức định giá cũng thuần túy toán học, những con số như P/E không biết nói dối. Lẽ ra khi nhìn vào những con số đó, NĐT sẽ thiên về những đánh giá dựa trên lý trí. Tuy nhiên, lòng tham và sự sợ hãi trên TTCK cũng hiển nhiên khách quan như chính những con số nói trên, và điều này làm thay đổi tất cả.
Nhìn lại giai đoạn TTCK trong khoảng quý II, III năm ngoái, cũng cổ phiếu (CP) đó, cũng mức giá hiện tại, NĐT tranh nhau mua. Khi thị trường đạt đỉnh hồi đầu năm 2022, bỏ mặc những con số định giá thị trường đang ở mức cao ngất ngưởng, NĐT càng tranh mua khỏe hơn.
Nhưng đến tháng 5 năm nay, cũng vẫn những CP đó, cũng vẫn mức giá đó, thậm chí còn thấp hơn, NĐT lại tranh nhau bán. Rõ ràng là các con số khách quan vẫn vậy, nhưng cảm xúc của NĐT thay đổi đã hình thành “tiêu chuẩn kép” về cùng một con số:
Khi hào hứng và tham lam thì con số đó tốt, khi sợ hãi, hoảng loạn thì con số đó xấu.
Các NĐT huyền thoại trên thế giới đúc rút từ hàng trăm năm kinh nghiệm trên TTCK đã cho rằng, mọi thứ đều sẽ thay đổi, chỉ có lòng tham và nỗi sợ hãi là không bao giờ thay đổi. Kinh nghiệm này không phải ai cũng thích nghe, và thị trường luôn có câu phủ định lại, rằng “lần này sẽ khác”.
Khi thị trường ầm ầm tăng cuối năm ngoái nhờ dòng tiền khổng lồ của các NĐT F0 được hỗ trợ bằng quy mô đòn bẩy kỷ lục, mức định giá thị trường qua hệ số P/E cao xấp xỉ 20 lần, nhiều CP có P/E cao gấp đôi, thậm chí P/E là âm (lợi nhuận doanh nghiệp âm), thị trường tự hào rằng dòng tiền nghiệp dư đã đủ mạnh để chiến thắng dòng tiền chuyên nghiệp.
Liên tiếp những phiên giao dịch lập kỷ lục về thanh khoản 40.000-50.000 tỷ đồng, hầu hết NĐT đang hưng phấn chỉ đặt câu hỏi “ai đang mua” trước bất kỳ lời cảnh báo rủi ro nào. Đến khi lượng CP khổng lồ được các NĐT chuyên nghiệp trao tay xong, dòng tiền đã cạn, CP lao dốc không phanh, thì câu hỏi “ai đang bán” lại được đặt ra, và đổ lỗi cho đủ thứ, từ những “thế lực” đang phá thị trường, tới các nguyên nhân mà trước đó bị bỏ qua.
Đây là tình thế đặt câu hỏi ngược. Đáng lẽ khi thị trường bùng nổ tăng dữ dội, câu hỏi “ai đang bán” phải đặt ra trước, vì nếu ai cũng nghĩ như các NĐT F0 thì sao không giữ lượng CP khổng lồ đó lại để kiếm nhiều tiền hơn?
Ngược lại, khi số đông bán tống bán tháo CP vì nhìn đâu cũng thấy rủi ro, từ đòn bẩy quá lớn và giải chấp tới chiến tranh, lạm phát, thắt chặt tiền tệ, thậm chí đủ các loại thuyết âm mưu... lại là lúc nên đặt câu hỏi “ai đang mua”. 

Bài học quản trị rủi ro
Cảm xúc thông thường của con người luôn lảng tránh những rủi ro, những điều gây sợ hãi hoặc đau khổ. Thí dụ đơn giản nhất, nếu một người mua vé số, điều đầu tiên nảy ra trong suy nghĩ sẽ là gì? Đó thường là việc vé số sẽ trúng giải nào, được bao nhiêu tiền, thậm chí là mơ mộng mình sẽ dùng khoản tiền trúng số đó để mua cái gì.
Và trước khi kết quả được quay, hy vọng luôn cao ngất trời. Nguy cơ vé số đó trượt và mất trắng khoản tiền cũng có thể thoáng qua trong suy nghĩ, nhưng giá trị của món tiền đó quá nhỏ để gây lo lắng.
Không ít NĐT tham gia TTCK với tâm lý một người chơi vé số: Khi đặt lệnh mua một CP, điều đầu tiên nghĩ đến là CP này sẽ tăng giá tới mức nào, lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm. Nếu khoản đầu tư chỉ nhỏ như khoản tiền mua vé số, đó là những người “chơi” chứng khoán và cảm xúc không đóng vai trò chi phối. Nhưng nếu khoản đầu tư đó là một phần tài sản, nỗi sợ hãi sẽ thật sự là kẻ thù, làm xáo trộn khả năng phán đoán, phân tích một cách minh mẫn mà trong tình huống bình thường vẫn có.
Một thống kê không chính thức được đúc kết trên TTCK, là xác suất ra quyết định sai luôn lớn hơn quyết định đúng. Rất nhiều NĐT, đầu cơ huyền thoại của thế giới cũng từng thừa nhận chỉ dám phấn đấu để đạt xác suất quyết định đúng 30-40%, nghĩa là trong 10 giao dịch, chỉ cố gắng để đúng 3 hay 4 lần mà thôi. Vì thế khác với chơi vé số, trước khi đặt một lệnh mua CP, thay vì hy vọng chiến thắng, cần nhìn thẳng vào sự thật: Xác suất luôn cao hơn rằng mình sẽ ra một quyết định sai.
Nếu tiếp cận hành động đầu tư bằng tiên đề “nguy cơ ra quyết định sai lầm luôn lớn hơn khả năng ra quyết định đúng”, thì sẽ có tâm lý hoàn toàn khác: Đó là dự phòng một kịch bản ứng xử cần thiết khi sai lầm. Hướng tiếp cận này sẽ giúp NĐT hiểu đúng hơn câu châm ngôn “rủi ro cao, lợi nhuận cao” (high risk, high return). Cách hiểu ngô nghê và liều mạng luôn là “phải biết chấp nhận rủi ro cao thì mới có lợi nhuận cao”, trong khi ngược lại, nên hiểu rằng “rủi ro cao như vậy thì lợi nhuận kia có tương xứng hay không”. Chỉ cần hoán đổi hai vế, quan điểm đầu tư đã hoàn toàn khác.
Khả năng chấp nhận rủi ro một cách thông minh là một yếu tố quan trọng để thành công đường dài trên TTCK. Làm thế nào để chiến thắng khi xác suất quyết định sai luôn lớn hơn khả năng ra quyết định đúng? Cách duy nhất là hạn chế tối đa thiệt hại khi sai lầm và tối ưu lợi nhuận khi đúng. Nói cách khác, khi thua lỗ thì cố gắng lỗ càng ít càng tốt, còn khi có lãi thì cố để lãi càng nhiều càng tốt.
Đương nhiên còn cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng khác để đạt đến điều đó, nhưng yếu tố trung tâm là gạt bỏ cảm xúc, luôn có kế hoạch dự phòng và tuân thủ kỷ luật hành động theo kế hoạch. 

Các tin khác