TTCK chịu sự chi phối từ tình hình dịch COVID-19?

(ĐTTCO)-Đại diện BVSC dự báo VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong vùng chặn trên bởi ngưỡng kháng cự 810-820 điểm và chặn dưới bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 780 điểm trong những phiên đầu tuần.
TTCK chịu sự chi phối từ tình hình dịch COVID-19?

Kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp đang giảm dần sức ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường. Tuần tới là giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin nên biến động của thị trường sẽ chịu sự chi phối chính từ những diễn biến mới của dịch COVID-19.

Đây là nhận định của ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC đưa ra trong bối cảnh Việt Nam một lần nữa phải “căng mình” chiến đấu với dịch bệnh COVID-19.

Cẩn trọng xem xét tình hình dịch bệnh COVID-19

Thị trường có tuần giao dịch kém tích cực, cả VN-Index và HNX-Index đều giảm điểm.

Tuần qua (từ 27-31/7), VN-Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm trước khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 798,39 điểm, giảm 30,77 điểm (3,71%) so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index chốt tuần ở mức 107,51 điểm, giảm 1,82 điểm (1,66%) so với cuối tuần trước.

Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 2,7% xuống 23.441 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX giảm 8,8% xuống 2.219 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Bách phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo tuần tới (từ 3-7/8), VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong vùng chặn trên bởi ngưỡng kháng cự 810-820 điểm và chặn dưới bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 780 điểm trong những phiên đầu tuần.

Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt VDSC cho rằng hiện tại các thông tin của dịch bệnh COVID-19 đang rất tiêu cực và những thông tin như vậy cũng dễ gây ra tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng thanh khoản thị trường phiên cuối tuần tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức thấp, độ rộng thị trường tiêu cực và biên độ thị trường nới rộng đang phản ánh xu hướng giao dịch giằng co. Phiên cơ cấu lại VN30 cũng không gây ảnh hưởng mạnh cho thị trường khi đa phần nhà đầu tư vẫn đang cẩn trọng xem xét tình hình dịch bệnh COVID-19.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nêu quan điểm phiên cuối tuần, nhịp điều chỉnh quá nhanh, thị trường tuy không thể ngược dòng thành công tuy nhiên với việc thu hẹp đà giảm đáng kể cũng là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực lúc này là tình hình dịch bệnh trong nước đang được Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, bên cạnh đó thanh khoản đã được cải thiện. Do vậy, MBS cho rằng nhịp phục hồi có thể vẫn tiếp diễn trong các phiên tới.

Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản vẫn ở mức khá cao cho thấy lực bán hiện tại vẫn là tương đối mạnh.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 800 điểm, qua đó ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số quanh 775 điểm. Điểm tích cực trong tuần qua là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng gần 850 tỷ đồng trên hai sàn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (3-7/8), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 775 điểm. Những nhà đầu tư đã giải ngân thăm dò trong tuần qua có thể cân nhắc mua thêm một phần danh mục nữa nếu như thị trường có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 775 điểm trong tuần tới.

Với việc thị trường tiếp tục giảm trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có mức sụt giảm.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh nhất với 8% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như HVN giảm 10,9%, VJC giảm 9%, SCS giảm 4,8%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 7,3% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như PVB giảm 9,1%, PVS giảm 9,3, BSR giảm 7,8%, PVD giảm 7,3%, PLX giảm 7%, OIL giảm 5,5%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có mức giảm 4,8% giá trị vốn hóa, với các mã như TCB giảm 6,9%, VCB giảm 5,7%, HDB giảm 5,3%, MBB và VPB giảm 4,7%, MBB giảm 4,5%, BID giảm 4,1%, MBB giảm 4,5%, ACB giảm 3%...

Ngành hàng tiêu dùng giảm 4,4% do các trụ cột trong ngành đều giảm như SAB giảm 7,2%, BHN giảm 6,3%, VNM giảm 3,7%, MSN giảm 2,9%...

Các nhóm ngành cổ phiếu khác đều bị bán và đồng loạt giảm như nhóm tiện ích cộng đồng giảm 3,5%, tài chính giảm 1,2%, nguyên vật liệu giảm 4%, công nghiệp giảm 2%, công nghệ thông tin giảm 2,3%...

Ở chiều ngược lại, nhóm dược phẩm và y yế tăng 0,6% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu như JVC tăng 0,9%, DHT tăng 10,6%, IMP tăng 1,6%, DNM tăng 60,6%, TRA tăng 7,7%, PMC tăng 12,3%, PME tăng 4,9%...

Thực tế, những diễn biến mới từ tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến giới đầu tư “e ngại” trong giải ngân.

Thị trường chứng khoán thế giới chuyển động ngược chiều

Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng Bảy với mức tăng điểm tương đối khả quan.

Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, lên 26.428,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 3.271,12 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 1,5% và khép phiên ở mức 10.745,27 điểm.

Phiên này, cổ phiếu Apple đã tăng 10,5% trong khi cổ phiếu Facebook tiến thêm 8,2%, cùng đạt mức cao kỷ lục.

Cổ phiếu Amazon cũng tăng điểm, trong khi công ty mẹ của của Google là Alphabet lại kết phiên ở mức thấp hơn.

Dù vậy, giới quan sát cho hay tâm lý nhà đầu tư vẫn bị đè nặng bởi những lo lắng về tình trạng đàm phán các biện pháp kích thích bổ sung sau Đạo luật CARES.

Khoản trợ cấp thất nghiệp được thanh toán theo Đạo luật CARES đã hết hạn vào thứ Sáu tuần này, trong khi đây là biện pháp đã giúp thúc đẩy tiêu dùng giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt.

Với phiên cuối tuần 31/7 đảo chiều đi lên, thị trường chứng khoán Mỹ cũng kết thúc tháng 7 với mức tăng khá.

Chỉ số Dow Jones tăng 2,38% trong tháng này, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 5,51% và đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 6,82% trong tháng Bảy.

Sang tuần tới, thứ Hai (3/8) sẽ đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tám. Nhà đầu tư sẽ theo dõi chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành chế tạo Mỹ nhằm đánh giá tốc độ phục hồi của lĩnh vực này.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt đi xuống trong phiên cuối tuần qua (1/8). Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,5% xuống 5.897,76 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,5% xuống 12.313,36 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,4% xuống 4.783,69 điểm. Riêng chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa tăng 1,1% lên 3.174,32 điểm.

Chứng khoán châu Á có chiều hướng đi xuống trong phiên giao dịch cuối tháng 7/2020. Yếu tố chính chi phối thị trường trong phiên này là việc đồng USD nối dài đà giảm giữa bối cảnh Mỹ công bố loạt số liệu kém khả quan cho thấy nền kinh tế này đang trải qua một quý tệ nhất do bị tác động bởi dịch COVID-19.

Khép phiên 31/7, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,8% xuống 21.710 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,5% xuống đóng phiên ở 24.595,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.310,01 điểm.

Chứng khoán Sydney phiên này giảm 2,1% trong khi thị trường Seoul, Mumbai, Bangkok và Đài Bắc đồng loạt đỏ sàn.

Washington mới đây công bố số liệu làm gia tăng lo ngại trong giới đầu tư về tác động kinh tế dài hạn bắt nguồn từ dịch COVID-19. Theo số liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, nền kinh tế nước này giảm 32,9% trong quý II/2020 giữa bối cảnh các doanh nghiệp phải đóng cửa để phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ giai đoạn sau Thế chiến 2.

Số liệu trong một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã tăng tuần thứ hai liên tiếp, tăng thêm 1,43 triệu đơn trong tuần trước.

Các tin khác