TTCK có mức sinh lời cao?

(ĐTTCO) - TTCK năm 2017 ghi nhận mức tăng hơn 48% gây ấn tượng với rất nhiều người bởi mức tăng mạnh này hàm chứa nhiều yếu tố bất ngờ, thậm chí lo lắng về khả năng lao dốc của TTCK như đã từng xảy ra trong năm 2007.
TTCK có mức sinh lời cao?
Nỗi lo này càng có cơ sở hơn khi so sánh P/E với các thị trường trong khu vực. Mức P/E trung bình của khu vực hiện quanh mức 16,2x, trong khi P/E của TTCK Việt Nam đã lên mức 17,5x (cao hơn 8% so với trung bình của khu vực). Tuy nhiên, so sánh này có thể khập khiễng bởi TTCK luôn tồn tại những mã CP mang tính chất cá biệt và biến động gây “méo mó” diễn biến thật sự của TTCK. 
Theo CTCK Maybank KimEng (MBKE), có nhiều lý do để NĐT tiếp tục dành sự tin tưởng lớn vào triển vọng của thị trường trong năm 2018. Xu hướng tăng trung hạn dự kiến sẽ vẫn phát triển lành mạnh và mức độ tăng điểm của VN Index có thể sẽ xấp xỉ những gì chỉ số này đã làm được trong năm 2017. Một số nguyên nhân quan trọng để MBKE đưa ra nhận đĩnh này bao gồm: kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao; năm 2018 tiếp tục là năm cao điểm trong tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; giai đoạn chuẩn bị quan trọng nhất cho mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2019-2020, và cuối cùng là sự cải thiện mạnh hơn nữa trong tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên sàn.
Còn theo CTCK Rồng Việt (VDSC), bức tranh thị trường năm 2018 khá tươi sáng với nhiều cơ hội cho NĐT nhưng vẫn có những rủi ro nhất định. Đầu tiên là rủi ro từ các vụ việc xử lý các sai phạm quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2017, khi Chính phủ đẩy mạnh việc xử lý sai phạm tại nhiều NH, tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thị trường vẫn không có phản ứng tiêu cực.
Trong giai đoạn thị trường khởi sắc thì tâm lý rất tốt và có thể không bị tác động bởi những sự kiện này. Song ngược lại, nếu những sự kiện này diễn ra trong giai đoạn thị trường điều chỉnh sức tác động sẽ lớn hơn, qua đó có thể làm nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài hơn.
Rủi ro thứ 2 là sự trì trệ của hoạt động thoái vốn nhà nước, niêm yết nhà nước cũng có thể trở thành một yếu tố kém thuận lợi cho thị trường. Các doanh nghiệp mới niêm yết và thoái vốn nhà nước thực chất tác động lên thị trường năm 2017 nhưng lại bắt nguồn từ các doanh nghiệp tư nhân, như VJC (Vietjet Air), VRE (Vincom Retail) và những đợt thoái vốn PLX (Petrolimex), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco). 
Thế nhưng, vẫn có thể kỳ vọng khi Nghị định 126/2017/NĐ-CP liên quan đến IPO sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NĐT chiến lược (giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 5 năm xuống 3 năm). Đặc biệt, trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Các tin khác